Báo Đồng Nai điện tử
En

''Ràng'' trách nhiệm cho doanh nghiệp

11:04, 27/04/2022

Đồng Nai là tỉnh có trữ lượng khoáng sản lớn ở Đông Nam bộ và nhiều năm nay được khai thác để cung cấp cho thị trường trong tỉnh lẫn ngoài tỉnh, góp phần phát triển kinh tế chung. Để quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản, từ năm 1998, UBND tỉnh đã xây dựng quy hoạch khai thác khoáng sản.

Đồng Nai là tỉnh có trữ lượng khoáng sản lớn ở Đông Nam bộ và nhiều năm nay được khai thác để cung cấp cho thị trường trong tỉnh lẫn ngoài tỉnh, góp phần phát triển kinh tế chung. Để quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản, từ năm 1998, UBND tỉnh đã xây dựng quy hoạch khai thác khoáng sản. Theo từng giai đoạn cụ thể, có quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản một cách hợp lý.

 

Về quản lý hoạt động khai thác, hiệu quả kinh tế của các mỏ khoáng sản, đặc biệt là các mỏ đá, hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau và tỉnh sẽ xem xét dựa trên lợi ích phát triển chung. Cũng không thể đòi cấm khai thác khoáng sản một cách cực đoan bởi nhu cầu về khoáng sản là rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ở những mỏ đá đã được doanh nghiệp khai thác xong trong nhiều năm, nhưng lại cố tình chây ì, trốn tránh trách nhiệm hoàn nguyên môi trường thì rõ ràng nên có những ứng xử nghiêm khắc hơn.

Theo Quyết định 18 của Thủ tướng Chính phủ ban hành cách đây 9 năm, chủ đầu tư phải đưa môi trường, hệ sinh thái (đất, nước, không khí, cảnh quan thiên nhiên, thảm thực vật...) tại khu vực khai thác khoáng sản và khu vực bị ảnh hưởng của hoạt động khai thác về trạng thái môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu hoặc đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn và môi trường, đảm bảo an toàn và phục vụ các mục đích có lợi cho con người.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp thực hiện phục hồi môi trường, trả lại hiện trạng ban đầu (hoặc gần như ban đầu) cho khu vực khai thác lại rất ít. Giải pháp chế tài lại không đủ mạnh khi doanh nghiệp chỉ không được nhận lại số tiền ký quỹ nếu không thực hiện hoàn nguyên. Thực tế, một số giải pháp khác như tận dụng các hố khai thác đá sâu thăm thẳm để làm… du lịch sinh thái cũng không mấy khả thi vì nhiều năm kêu gọi mà không có nhà đầu tư nào chịu bỏ vốn, còn làm hồ chứa nước thì sẽ phải đầu tư thêm kinh phí khá nhiều. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Đồng Nai mà còn diễn ra ở nhiều địa phương khác bởi các chế tài và quy định chung đều chưa đủ mạnh.

Sẽ là vô lý khi doanh nghiệp là người hưởng lợi từ tài nguyên, khai thác đá nhiều năm và thu nhiều lợi ích, nhưng hệ quả thì lại do người dân xung quanh chịu sau khi họ đã khai thác xong. Ngân sách cũng không thể bỏ thêm tiền để giải quyết những hệ quả này mà rõ ràng, nên có thêm những chế tài sát sườn hơn, hiệu quả hơn trong việc “ràng” doanh nghiệp vào trách nhiệm phục hồi môi trường sau khai thác.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều