Toàn tỉnh hiện có tuyến sông Đồng Nai và 75 công trình hồ, đập thủy lợi cùng nhiều ao, hồ do khai thác đất, đá. Bên cạnh nguồn lợi để phát triển du lịch, nuôi trồng thủy sản thì các tuyến sông, ao, hồ, đập này lại đang ẩn chứa nhiều nguy cơ về đuối nước...
Trên toàn tỉnh hiện có tuyến sông Đồng Nai và 75 công trình hồ, đập thủy lợi cùng nhiều ao, hồ do khai thác đất, đá. Bên cạnh nguồn lợi để phát triển du lịch, nuôi trồng thủy sản thì các tuyến sông, ao, hồ, đập này lại đang ẩn chứa nhiều nguy cơ về đuối nước cho người dân, nhất là trong mùa hè.
Lực lượng chức năng tìm kiếm người mất tích sau vụ chìm xuồng trên hồ Đa Tôn (H.Tân Phú) chiều 9-5. Ảnh: T.Tâm |
Mới đầu mùa hè, tại nhiều địa phương trong tỉnh đã xảy ra các vụ đuối nước thương tâm tại các sông, hồ, ao chứa nước.
* Nỗi đau còn đó
Các cơ quan chức năng đánh giá, nguy cơ tai nạn đuối nước thường xảy ra tại các hồ Đa Tôn (H.Tân Phú), hồ Trị An (H.Định Quán, H.Vĩnh Cửu), các hồ khai thác đá bỏ hoang rải rác trong tỉnh và nhất là sông Đồng Nai (trải dài nhiều phường, xã của TP.Biên Hòa) cùng các nhánh phụ… Thời gian xảy ra tai nạn đuối nước rải rác quanh năm, nhưng tập trung nhiều vào cao điểm mùa khô, mùa hè khi thời tiết nắng nóng, học sinh thường rủ nhau đi chơi sau các giờ ngoại khóa, kỳ thi.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai NGUYỄN HỮU PHƯỚC cho biết, để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của người dân hoạt động, vui chơi trên hồ Trị An, đơn vị thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tuyên truyền nguy cơ cho người dân. Tập trung vào nội dung vận động nhân dân không tự ý xuống chơi hoặc sử dụng phương tiện di chuyển trên hồ khi chưa đảm bảo an toàn và chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng. Đồng thời phối hợp với các đơn vị quản lý đường thủy nội địa trong tuần tra, kiểm soát, đảm an toàn việc di chuyển bằng phương tiện thủy của người dân. |
Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, tình huống xảy ra tai nạn đuối nước thường gặp là trong lúc người dân bơi, lội tại các ao, hồ, sông, suối tự nhiên bị đuối, chuột rút, hụt chân. Vì sự cố xảy ra ở nơi vắng người hoặc người trên bờ không có biện pháp ứng cứu kịp nên khi phát hiện thường nạn nhân đã tử vong.
Gần nhất vào chiều 28-5, ở địa bàn ấp 3, xã Xuân Tâm (H.Xuân Lộc) xảy ra vụ tai nạn đuối nước thương tâm tại một hố nước sâu khu vực lò gạch H.Đ., làm 3 học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn thiệt mạng. Trong 3 học sinh không may mắn này có 2 em là anh em ruột trong một gia đình...
Trước đó vào sáng 29-4, 2 học sinh nữ Trường TH-THCS Trần Quốc Tuấn (thuộc xã Giang Điền, H.Trảng Bom) đã tử vong sau sự cố đuối nước tại một hồ nước bỏ hoang thuộc ấp Hòa Bình (xã Giang Điền). Hay vào sáng 25-3, tại bờ sông Đồng Nai (khu vực KP.Bình Hóa, P.Hóa An, TP.Biên Hòa), 2 nam thiếu niên (14 và 15 tuổi) bị đuối nước khi tắm sông.
Bên cạnh đó, việc di chuyển trên các phương tiện đường thủy không đảm bảo an toàn cũng trực tiếp gây ra không ít vụ đuối nước thương tâm. Điển hình là chiều 9-5, tại hồ Đa Tôn (H.Tân Phú) xảy ra vụ chìm xuồng, khiến 6 người rơi xuống nước, làm 3 người tử vong (2 do đuối nước, 1 tử vong tại bệnh viện dù đã được cứu lên).
Theo đánh giá của chính quyền các địa phương, đơn vị quản lý các hồ, đập, việc để xảy ra các vụ đuối nước xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu là người dân tự ý xuống hồ bơi mà không biết bơi hoặc đánh bắt thủy sản không có các giải pháp an toàn (mang theo phao, mặc áo phao...). Trong khi đó, các hồ lớn có rất nhiều xoáy nước ngầm và các hố dạng lòng chảo. Nếu người dân không biết bơi, xuống nước rất dễ bị nước cuốn hoặc sụp hố dẫn đến đuối nước, tử vong.
Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn (H.Tân Phú) Bùi Trường Sơn cho hay, thời gian vừa qua, tại hồ Đa Tôn xuất hiện một số vụ tai nạn đuối nước thương tâm. Nguyên nhân chủ yếu là người dân trên địa bàn hoặc khu du lịch đến chơi đã tự ý mượn thuyền rồi chèo ra giữa hồ chơi nằm ngoài sự kiểm soát của địa phương. Dù chính quyền địa phương đã cắm biển cấm, cảnh báo và thường xuyên tuyên truyền để người dân không chèo thuyền ra giữa hồ chơi. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thiếu ý thức chấp hành và chủ quan mượn thuyền của người dân ra hồ chơi để xảy ra tai nạn.
* Và những nỗi lo…
Qua ghi nhận thực tế tại một số bến phà như bến phà Bà Miêu, bến phà Bình Minh (xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu), bến đò Kho (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) cho thấy, trên các phương tiện đường thủy ở các bến phà này đã được trang bị đầy đủ áo phao, thiết bị nổi cầm tay treo ở các vị trí thuận tiện nhưng không mấy khách sử dụng khi di chuyển trên sông. Bởi ai cũng cho rằng, mặc thêm áo phao cồng kềnh và mất thời gian.
Khu vực bờ sông Đồng Nai xảy ra vụ đuối nước khiến 2 thiếu niên tử vong sáng 25-3 tại P.Hóa AnTP.Biên Hòa). Ảnh: CTV |
Anh Phạm Trung Thành (ngụ TP.Biên Hòa) cho biết, mỗi ngày anh đều qua phà Bình Minh để di chuyển từ nhà đến tỉnh Bình Dương để đi làm. Thời gian đầu mới đi phà, anh vẫn hơi lo sợ nên lúc nào cũng cẩn thận mặc áo phao. Tuy nhiên, trong suốt 4 năm di chuyển bằng phà quá quen nên anh cũng chủ quan, không mặc áo phao nữa vì đi có vài phút là tới nơi.
Ngoài ra, tại một số khu vực của sông Đồng Nai chảy qua các phường của TP.Biên Hòa như: Hiệp Hòa, Thống Nhất, Quyết Thắng, Bửu Long... thường có nhiều người bơi, lội, câu cá sát sông. Thậm chí còn có không ít người chèo xuồng ra rồi ngồi hóng mát, rất dễ té ngã.
Phó chủ tịch UBND P.Hiệp Hòa Hoàng Ngọc Phương cho biết: “Thời gian qua, chính quyền địa phương đã khuyến cáo người dân các khu vực ven sông không được bơi, lội tại các khu vực nước sâu, gần chân cầu. Nhưng thực tế, sự chủ quan của người dân vẫn còn rất nhiều khi cảnh người lớn, trẻ em các hộ ven sông vẫn bơi, lội trên sông hằng ngày là điều không hiếm gặp”.
Theo ban chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn các huyện Tân Phú, Định Quán, hằng năm, khi xảy ra sự cố ngập lụt gây thiệt hại, các địa phương đã huy động lực lượng xung kích các huyện, xã hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn. Đặc biệt chú ý đến các hộ ven sông La Ngà, sông Đồng Nai nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng các địa phương còn thường xuyên kiểm tra các bến đò, phà trên sông Đồng Nai, sông La Ngà, hồ Trị An, yêu cầu người dân trang bị đầy đủ thiết bị an toàn mới được di chuyển.
Tố Tâm - Minh Thành
Chánh thanh tra giao thông (Sở GT-VT) NGUYỄN PHAN TRONG:
Kiểm tra chặt chẽ các phương tiện giao thông đường thủy nội địa
Thời gian qua, các Đội Thanh tra giao thông thường xuyên kiểm tra trên các tuyến đường thủy nội địa. Theo đó đảm bảo các phương tiện neo đậu, tham gia giao thông đường thủy nội địa phải đầy đủ giấy tờ theo quy định, chở hàng hóa đúng vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện và an toàn khi lưu thông đường thủy…
Đối với các bến khách, bến đò đơn vị cũng thường xuyên cử lực lượng kiểm tra, nhất là chú trọng công tác tuyên truyền, nhắc nhở chủ bến hướng dẫn, trang bị đầy đủ đối với người đi trên phà, đò phải mặc áo phao hoặc thiết bị nổi cầm tay. Đồng thời tăng cường kiểm tra văn bằng, chứng chỉ của người điều khiển phương tiện đúng theo quy định được phép điều khiển.
Đối với phương tiện neo đậu, lực lượng thanh tra giao thông luôn tiến hành kiểm tra để các hoạt động không làm ảnh hưởng phương tiện lưu thông đường thủy nội địa. Trong trường hợp phương tiện neo đậu lấn chiếm luồng và các hành vi vi phạm khác theo thẩm quyền sẽ được xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa chung nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa của địa phương.
Đại úy THÁI NGÔ HIẾU, Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Trảng Bom (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh):
Dù biết bơi vẫn không được chủ quan
Khác với bơi tại các hồ bơi được xây dựng theo tiêu chuẩn, việc bơi lội ở ao, hồ, sông, suối tự nhiên luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm không thể lường trước. Cụ thể là nước tại các ao, hồ, sông, suối thường đục, nên không thể quan sát được độ nông, sâu bằng mắt thường. Địa hình bên dưới lòng ao, hồ, sông, suối lại không bằng phẳng, mấp mô, thường xuất hiện dị vật; nguy hiểm nhất là có các hố, vùng lõm dễ xảy ra hụt chân, xuất hiện xoáy nước.
Vì vậy, khi đi bơi, lội, di chuyển tại các ao, hồ, sông, suối tự nhiên cần có các biện pháp đảm bảo an toàn chủ động như mặc áo phao đúng quy định, tuân thủ sự chỉ dẫn của người điều khiển phương tiện đường thủy. Ngoài ra, khi bơi, lội phải luôn có người đảm bảo cứu hộ trên bờ được trang bị kiến thức, kỹ năng cứu hộ.
Hơn hết, bản thân những người trực tiếp bơi, lội, di chuyển trên ao, hồ, sông, suối phải luôn cảnh giác, không được chủ quan với các khuyến cáo của chính quyền, người dân địa phương về vùng nước đó.
P.H - Đ.T (ghi)