Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển nông nghiệp bền vững: Cần sự đồng bộ

08:04, 19/04/2022

Đồng Nai đang triển khai chương trình phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với nhiều mục tiêu cao. Tuy nhiên, nhiều địa phương trong tỉnh hiện đang đối diện với bài toán khó...

Đồng Nai đang triển khai chương trình phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với nhiều mục tiêu cao.

Một số mục tiêu của chương trình phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)
Một số mục tiêu của chương trình phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)

Nhiều địa phương đang đối diện với bài toán khó trong phát triển nông nghiệp bền vững, bởi sản xuất nông nghiệp đối mặt với hàng loạt khó khăn như: lạm phát khiến chi phí sản xuất tăng cao; đầu ra bấp bênh khiến chuỗi liên kết bị đứt gãy; quỹ đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp gây khó khăn cho phát triển sản xuất hàng hóa lớn…

* Mục tiêu cao

Chương trình phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra nhiều mục tiêu như: phát triển tích hợp, đa ngành, có điều phối liên kết vùng, liên kết ngành gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng; tận dụng tối đa các cơ hội và lợi thế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế để thúc đẩy phát triển sản xuất, mở rộng thị trường nông sản.

Xây dựng nền nông nghiệp đa chức năng, vừa sản xuất nông sản hàng hóa, vừa kết hợp phát triển du lịch sinh thái và tạo cảnh quan môi trường tốt đẹp cho con người; nông sản phải được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; áp dụng công nghệ cao trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp, từ chọn, tạo, sản xuất giống đến sản xuất và chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản.

Ông Vũ Văn Đông, nguyên Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Tà Lài (H.Tân Phú) chia sẻ, giai đoạn đầu thành lập, HTX đặt ra mục tiêu rất lớn, xây dựng cánh đồng lớn trồng bưởi đạt chứng nhận VietGAP; đầu ra được bảo đảm vì có doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết, cam kết bao tiêu sản phẩm với giá tốt để xuất khẩu. Nhưng thực tế suốt thời gian qua, sản phẩm bưởi VietGAP của các xã viên đều bán cho thương lái với giá hàng thường, chịu rủi ro về đầu ra thất thường vì nguồn cung đang cao hơn so với nhu cầu tiêu thụ, doanh nghiệp không còn tham gia chuỗi liên kết. Suốt giai đoạn dịch Covid-19 đến nay, HTX hầu như không hoạt động, xã viên cũng không mấy mặn mà tham gia.

Đặc biệt, chuyển hướng sang sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ được chú trọng đẩy mạnh. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất theo quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương đạt trên 25%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông - lâm - thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt 50%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông sản ứng dụng công nghệ cao đạt tối thiểu 50%; tỷ lệ HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đạt tối thiểu 80%.

Về xã hội, chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 80 triệu đồng/người/năm và tăng lên 108 triệu đồng/người vào năm 2030.

Trong đó, tỉnh đặt ra mục tiêu cao trong việc chuyển hướng, chuyển đổi sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ: diện tích cây ăn trái đạt 75 ngàn ha với 500ha đạt chứng nhận hữu cơ; diện tích cây công nghiệp đạt 86 ngàn ha với 630ha đạt chứng nhận hữu cơ; diện tích gieo trồng rau 18 ngàn ha, diện tích hữu cơ đạt 200ha.

Về chăn nuôi, mục tiêu phải đạt chứng nhận về nông nghiệp hữu cơ với heo là 5 ngàn con, gia cầm 200 ngàn con, bò 800 con, mật ong khoảng 100 tấn, yến 300kg. Hình thành 7-10 vùng nuôi thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP với quy mô diện tích đạt 150ha; xây dựng các vùng nuôi thủy sản hữu cơ với diện tích mặt nước đạt 200ha.

Đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có 600ha diện tích cây ăn trái đạt chứng nhận hữu cơ; 1,2 ngàn ha diện tích cây công nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ; 250ha rau đạt chứng nhận hữu cơ. Chăn nuôi đạt chứng nhận về nông nghiệp hữu cơ tăng lên hơn gấp đôi so với giai đoạn trước.

Ngoài ra, xây dựng được các vùng nuôi thủy sản hữu cơ với diện tích mặt nước đạt 500ha. Tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương trên 30%. 70% sản phẩm nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến sử dụng mã QR trên hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm Đồng Nai.

* Không thể dựa trên các yếu tố thiếu bền vững

Tuy nhiên, nông nghiệp, nông thôn và nông dân nước ta hiện vẫn còn nhiều tồn tại như: tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng chậm lại, chưa bền vững; nhiều vật tư đầu vào sản xuất phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu; công nghiệp chế biến phát triển chậm, tổn thất sau thu hoạch còn cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, thị trường chưa vững chắc; kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM) ở một số địa phương chưa thực sự bền vững...

Những hạn chế trên được bộc lộ rõ hơn trong tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh, thiên tai, dịch bệnh ngày càng phức tạp; lạm phát đang lan rộng trên toàn cầu; hậu quả và tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19… đều đang tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Nông dân trồng bưởi xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu gặp khó khăn  vì nhiều tháng qua, giá bưởi liên tục đứng ở mức thấp
Nông dân trồng bưởi xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu gặp khó khăn vì nhiều tháng qua, giá bưởi liên tục đứng ở mức thấp. Ảnh: B.Nguyên

Xuất khẩu trái cây tươi gặp khó, câu chuyện chặt trồng lại thành vấn đề thời sự nóng ở nhiều vùng quê như nông dân tỉnh Bình Thuận lại đua nhau chặt bỏ cây thanh long. Đâu đó ở nhiều vùng quê của Đồng Nai, nông dân đã và đang tiếp tục chặt bỏ cây điều, cây xoài… vì giá bán thấp để chuyển sang những cây trồng khác. Câu chuyện chặt - trồng, trồng - chặt luẩn quẩn mãi vẫn chưa hết tính thời sự ở những vùng quê là rào cản không nhỏ cho sự phát triển nông nghiệp bền vững theo mục tiêu đã đặt ra; nhất là trong giai đoạn thị trường nông sản liên tục xảy ra cảnh ùn ứ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc xuất khẩu bị đình đốn.

Ông Dương A Nhìn, nông dân tại xã Sông Thao (H.Trảng Bom) chia sẻ, trước đây, ông từng chặt bỏ cây cà phê để trồng hồ tiêu. Giai đoạn tiêu rớt giá, công thu hoạch vừa khó tìm, tiền công lại cao nên ông lại chặt tiêu để trồng chuối cấy mô. “Vụ thu hoạch chuối năm nay, gia đình tôi như ngồi trên lửa vì chuối rớt giá do xuất khẩu gặp khó. Giờ tôi không biết sẽ chọn cây trồng nào mới cho hiệu quả bền vững” - ông Dương A Nhìn nói.

Chuyển đổi sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ là xu hướng sống còn cho sản xuất nông nghiệp đang được cả nước tập trung chuyển đổi, trong đó có Đồng Nai. Việc nhân rộng các chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... là mục tiêu được tỉnh quan tâm đẩy mạnh. Tuy nhiên, nếu chương trình này triển khai theo phong trào sẽ gây lãng phí tiền bạc và công sức của nông dân. Vì thực tế, nông sản sạch vẫn chưa được thị trường nhận diện và được trả giá xứng đáng đang là “nút thắt” lớn cho việc triển khai đồng loạt chương trình này.

Nhiều năm trước, nông dân nuôi tôm càng xanh tại xã Trà Cổ (H.Tân Phú) từng rất hào hứng vì được Nhà nước hỗ trợ làm chứng nhận VietGAP nên có hàng chục ha nuôi tôm được cấp chứng nhận VietGAP. Theo ông Ngô Tấn Tài, một trong những hộ dân đi tiên phong làm chứng nhận VietGAP cho con tôm càng xanh Trà Cổ chia sẻ, để được cấp chứng nhận VietGAP, nông dân phải tuân thủ hàng loạt yêu cầu từ xây dựng quy trình sản xuất đến thu hoạch, bảo quản; khó nhất là phải ghi chép lại và lưu trữ hồ sơ về cả quá trình canh tác.

Nông dân đang tính chuyện chặt bỏ cây xoài vì xoài đang rớt giá, đầu ra gặp khó khăn.Trong ảnh: Thu hoạch xoài tại xã Phú Cường, H.Định Quán
Nông dân đang tính chuyện chặt bỏ cây xoài vì xoài đang rớt giá, đầu ra gặp khó khăn.Trong ảnh: Thu hoạch xoài tại xã Phú Cường, H.Định Quán. Ảnh: B.Nguyên

Ông Tài nhận xét: “Nhiều năm theo đuổi sản xuất sạch, con tôm càng xanh Trà Cổ vẫn chủ yếu bán cho thương lái với giá hàng thường, giá cả cũng bấp bênh theo thị trường nên nhiều hộ nuôi hiện không mặn mà tham gia tái chứng nhận VietGAP. Sản xuất sạch tốn công và chi phí hơn nên nếu đầu ra cho con tôm sạch vẫn như thời gian qua thì người nuôi tôm có lẽ sẽ bỏ làm VietGAP”.

Khó khăn về thị trường do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, việc củng cố, nâng chất hoạt động của các HTX cũng gặp nhiều hạn chế, khó khăn. Theo phản ánh của nhiều địa phương, chỉ tiêu thành lập mới HTX nông nghiệp chưa đạt; hiệu quả hoạt động của nhiều HTX nông nghiệp cũng chưa cao; các hình thức tổ chức sản xuất cũng chậm đổi mới… Theo đó, vai trò của HTX vẫn còn mờ nhạt, chưa thật sự trở thành một trong những mắt xích quan trọng để xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất hàng hóa lớn, bền vững như kỳ vọng.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều