Hiện nay, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đã đặt mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Trong xu thế đó, Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành bắt nhịp khá nhanh và đang tìm cách kết nối, hội tụ nguồn lực để thực hiện.
Hiện nay, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đã đặt mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Trong xu thế đó, Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành bắt nhịp khá nhanh và đang tìm cách kết nối, hội tụ nguồn lực để thực hiện.
Cơ cấu nguồn lực dự kiến để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030 theo tính toán sơ bộ của Bộ KH-ĐT và Ngân hàng Thế giới (Thông tin: HƯƠNG GIANG - Đồ họa: HẢI QUÂN) |
Tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2050, Việt Nam xác định sẽ thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu, áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
* Thu hút nguồn lực, vốn đầu tư “xanh”
Thời gian qua, Chính phủ tăng cường kết nối giữa các địa phương với doanh nghiệp (DN) trong nước, nước ngoài, các tổ chức quốc tế để huy động nguồn lực, học hỏi kinh nghiệm thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững. Từ đó, tìm ra những giải pháp phù hợp để hút các nguồn lực xanh, vốn đầu tư xanh vào các ngành kinh tế của từng địa phương.
Tại châu Á, Hàn Quốc là quốc gia điển hình trong thực hiện mạnh mẽ các sáng kiến đổi mới để phát triển bền vững và đưa ra gói kích thích mới có quy mô dự kiến là 186 tỷ USD với hy vọng tạo ra 2,5 triệu việc làm. Việt Nam cũng sớm xác định tăng trưởng xanh là con đường phát triển bền vững nên đã nỗ lực thực hiện các mục tiêu. |
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết: “Nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã xây dựng, ban hành chiến lược, kế hoạch hành động tăng trưởng xanh. Vì thế, các DN cũng đã hưởng ứng bằng cách tìm kiếm các mô hình đổi mới sản xuất theo hướng xanh, bền vững. “Xanh hóa” những “mảng nâu” kinh tế, đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững, gia tăng đầu tư tư nhân là những bước tiến quan trọng góp phần xây dựng nền kinh tế xanh”. Trên hành trình tăng trưởng xanh, các tỉnh, thành phố vừa là chủ thể tạo lập và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, vừa là trung tâm hưởng lợi và lan tỏa các giá trị xanh. Việc đặt mục tiêu tăng trưởng xanh trong vị trí trung tâm của chiến lược quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương có ý nghĩa hết sức quan trọng. Điều này sẽ giúp định hướng thu hút đầu tư cũng như hỗ trợ và giám sát hiệu quả các hoạt động của DN tại địa phương.
Công ty TNHH Bosch Việt Nam ứng dụng công nghệ cao trong nhà máy sản xuất ở Khu công nghiệp Long Thành. Ảnh: HƯƠNG GIANG |
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đánh giá, vấn đề đặt ra là làm sao huy động và hội tụ được các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong cộng đồng DN nhỏ và vừa của Việt Nam, dù đang nỗ lực nhưng vẫn còn thấp. Do đó, sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế và sự tiên phong của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong xu thế chuyển đổi xanh sẽ góp phần quan trọng, giúp các địa phương và Việt Nam đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi xanh, bắt nhịp với thế giới, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.
* Công nghệ là đòn bẩy
Khoa học, công nghệ nói chung và công nghệ 4.0 sẽ là đòn bẩy hiệu quả cho quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam và thế giới. Công nghệ số, chuyển đổi số sẽ giúp cho các nền kinh tế, các địa phương và DN tối ưu hóa được hiệu suất, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả hoạt động và quản trị hệ thống, từ đó tiết giảm đáng kể sự lãng phí các nguồn lực, cũng như tác động xấu tới môi trường tự nhiên.
Đồng Nai là một trong 6 tỉnh, thành xuất khẩu dệt may lớn nhất cả nước nên các doanh nghiệp rất chú ý đầu tư máy móc công nghệ hiện đại. Trong ảnh: Sản xuất chăn, drap tại Công ty TNHH MTV Thế Linh (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.GIANG |
Ông Bruce Delteil, Giám đốc điều hành Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam (Hà Nội) chia sẻ: “Tăng trưởng xanh đòi hỏi các ngành đều phải tham gia ứng dụng công nghệ và đưa ra các giải pháp phù hợp. Đơn cử như ngành công nghiệp nên sử dụng điện năng lượng mặt trời, tái sử dụng nước thải, chất thải, thu gom carbon. Nông nghiệp tiết kiệm nguồn nước, hạn chế sử dụng các loại phân bón hóa học. Muốn thực hiện các vấn đề trên, Chính phủ Việt Nam phải có nguồn tài chính hỗ trợ cho các dự án phát triển xanh”.
Theo tính toán sơ bộ của Bộ KH-ĐT và Ngân hàng Thế giới, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030, dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD; trong đó, ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% nguồn lực và cần tới 70% từ các nguồn lực khác, trong đó chủ yếu được xác định là khu vực kinh tế tư nhân. |
Từ năm 2000, LHQ đề ra 8 mục tiêu phát triển đến năm 2015 và xác định 17 mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững, kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã đề xuất hoặc ban hành các thỏa thuận kinh tế xanh để từng bước chuyển dịch mô hình theo hướng tăng trưởng xanh.
Ông Alain Canny, Chủ tịch DN châu Âu tại Việt Nam khẳng định: “Xu hướng của các tập đoàn, nhãn hàng trên thế giới là ngày càng đòi hỏi cao về sản phẩm, trong đó yêu cầu các nhà cung ứng phải có lộ trình đáp ứng được các yêu cầu về phát triển bền vững. Do đó, các DN châu Âu đầu tư vào Việt Nam đều có công nghệ hiện đại và có giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo. Gần đây, nhiều DN châu Âu đầu tư vào Đồng Nai, TP.HCM và một số tỉnh khác đã xây dựng các nhà máy không phát thải”.
Từ nhiều năm trước, Đồng Nai đã hướng đến “sản xuất xanh” trong công nghiệp, nông nghiệp và khuyến khích người dân “tiêu dùng xanh” để phát triển bền vững.
Hương Giang
Ông TẠ ĐÌNH THI, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội:
Phát triển bền vững cần sự chung sức của cả cộng đồng
Qua gần 10 năm triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh, nhận thức của cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh đã được nâng lên rõ rệt. Người dân, DN từng bước thay đổi hành vi sản xuất, sinh hoạt và có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện tăng trưởng xanh.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung của Chính phủ và một số tổ chức quốc tế, nền kinh tế của Việt Nam phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Bên cạnh đó, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa ổn định vì phát triển còn dựa nhiều vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, thâm dụng lao động, sử dụng tài nguyên, năng lượng chưa hiệu quả, ô nhiễm môi trường gia tăng, cường độ phát thải khí nhà kính cao. Vì thế, muốn tăng trưởng xanh để phát triển bền vững rất cần sự chung sức của cả cộng đồng.
Bà HÀ THU THANH, Phó chủ tịch Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam:
Cần chính sách thông thoáng để DN dễ tiếp cận
Để hội tụ các nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng xanh, Chính phủ cần cải cách, hoàn thiện thể chế, chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh. Như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho DN và người dân trong tiếp cận nguồn vốn, thúc đẩy đầu tư, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi công nghệ, mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh, bền vững.
Từ góc tiếp cận lập pháp, các cơ quan nhà nước theo chức năng và thẩm quyền của mình nên nghiên cứu, ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật liên quan đến tăng trưởng xanh có tính ổn định cao, tạo lập niềm tin của xã hội, nhất là khu vực đầu tư tư nhân.
Ông NGUYỄN NHƯ QUỲNH, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính):
Xem xét phát hành “trái phiếu xanh”
Chính phủ đã có những chính sách giảm thuế để khuyến khích đầu tư sản xuất xanh. Đồng thời, Chính phủ chấp thuận cho các địa phương phát hành trái phiếu xanh để chi cho những dự án bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh. TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát hành trái phiếu xanh hỗ trợ vốn cho DN triển khai dự án xanh khá hiệu quả. Vì thế, trong những năm tới, các bộ, ngành, địa phương nên nghiên cứu, xây dựng các chương trình, gói hỗ trợ tài chính xanh để phục vụ đầu tư xanh, chuyển đổi xanh ở những cấp độ khác nhau, tạo điều kiện đấu nối và hợp nhất giữa các hệ sinh thái xanh của ngành, địa phương và quốc gia.
Uyển Nhi (ghi)