Báo Đồng Nai điện tử
En

Cấp bách đầu tư các tuyến giao thông liên vùng

11:04, 08/04/2022

 Với dân số lần lượt xấp xỉ 9 triệu người và trên 3 triệu người, mức tăng trưởng kinh tế và đóng góp vào ngân sách luôn nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước, TP.HCM và Đồng Nai lâu nay luôn được xem là đầu tàu phát triển của vùng Đông Nam bộ.

 Với dân số lần lượt xấp xỉ 9 triệu người và trên 3 triệu người, mức tăng trưởng kinh tế và đóng góp vào ngân sách luôn nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước, TP.HCM và Đồng Nai lâu nay luôn được xem là đầu tàu phát triển của vùng Đông Nam bộ.

Không chỉ vậy, với hàng trăm ngàn doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài, hàng chục tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, cả TP.HCM lẫn Đồng Nai còn tạo nên sức lan tỏa lớn, góp phần vào sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - vùng chiếm 45% GDP cả nước.

Chính vì vậy, nhu cầu kết nối, thông thương, đi lại giữa 2 địa phương Đồng Nai và TP.HCM là rất lớn. Chỉ xét riêng việc đi lại của người dân, mỗi ngày ước tính có hàng chục ngàn lượt người di chuyển giữa 2 địa phương để giải quyết các nhu cầu về việc làm, học hành, chữa bệnh… Chưa kể các hoạt động vận chuyển hàng hóa diễn ra gần như 24/24.

Nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa giữa 2 địa phương tăng mạnh trong mấy năm nay, nhưng các tuyến đường kết nối lại đang rất ít ỏi so với nhu cầu. Thực tế, kết nối giao thông đường bộ giữa TP.HCM và tỉnh Đồng Nai hiện chỉ thông qua 3 tuyến đường chính. Đầu tiên là quốc lộ 1A qua cầu Đồng Nai đã tồn tại từ lâu và đang là tuyến chính “gánh” xe cộ từ nhiều tỉnh, thành khác đi các tỉnh phía Bắc, Tây nguyên…  Thứ 2 là quốc lộ 1K qua địa phận tỉnh Bình Dương sang tỉnh Đồng Nai, qua cầu Hóa An cũng đang quá tải nặng. Và cuối cùng là tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây mới được đưa vào sử dụng từ năm 2015, nhưng hiện nay cũng đã quá tải.

Trên thực tế, 2/3 tuyến đường kết nối hiện tại đã tồn tại cả trăm năm nay, “gồng gánh” lượng người và xe khổng lồ tăng lên theo mỗi năm. Nhu cầu có thêm các tuyến kết nối khác ngày càng trở nên bức thiết, nhất là khi dự án sân bay quốc tế Long Thành đang được xây dựng ở Đồng Nai dự kiến sẽ thu hút thêm rất nhiều dự án, doanh nghiệp, người dân…

Tuy nhiên, trong suốt 7 năm qua, mới chỉ có đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được đầu tư. Đây cũng chính là lý do mà Chính phủ chú trọng đầu tư thêm các công trình quy mô lớn mang tính kết nối liên vùng như: đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Cát Lái hay dự án kéo dài tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đến TP.Biên Hòa… Bộ GT-VT cũng đã chỉ đạo, trong quá trình lập các quy hoạch cần phải có sự ưu tiên cho hệ thống giao thông kết nối giữa 2 địa phương Đồng Nai và TP.HCM theo hướng bổ sung, tăng cường thêm các tuyến kết nối mới để khai thác hiệu quả tối đa dự án Sân bay Long Thành, tạo ra hệ thống giao thông kết nối đồng bộ.

Tăng kết nối giữa Đồng Nai với TP.HCM và rộng hơn là các tỉnh, thành khác không chỉ để đáp ứng nhu cầu giao thông nội bộ mà còn để đáp ứng kết nối sân bay Long Thành với quy mô lên đến 100 triệu khách/năm và ngay từ lúc này, cần tính toán đến việc huy động các nguồn lực thực hiện, không để “nước đến chân mới nhảy”.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều