Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp đồng loạt tăng cao. Cụ thể, từ thức ăn chăn nuôi đến phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… đều tăng mạnh so với trước đó. Dự báo thời gian tới, giá nhiều mặt hàng vẫn tiếp tục "leo thang".
[links()]Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp đồng loạt tăng cao. Cụ thể, từ thức ăn chăn nuôi đến phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… đều tăng mạnh so với trước đó. Dự báo thời gian tới, giá nhiều mặt hàng vẫn tiếp tục “leo thang”.
Đồ họa thể hiện kim ngạch nhập khẩu mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu của tỉnh, biến động giá một số loại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trên thế giới trong 2 tháng đầu năm 2022. (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân) |
Nông dân đang bị “bủa vây” bởi tứ bề khó khăn vì rơi vào cảnh phải vay vốn đầu tư rồi gồng mình gánh lỗ vì nông sản rớt giá, đầu ra ùn ứ.
* Chi phí sản xuất tăng cao
Từ năm 2020 đến nay, chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp dần “leo thang” do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đến nay, thức ăn chăn nuôi liên tục điều chỉnh cả chục lần đều theo chiều hướng tăng. Các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… cũng đồng loạt tăng cao, có sản phẩm tăng gấp đôi so với năm trước. Cơn bão giá này không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân mà bắt đầu bào mòn nguồn lực đầu tư vào sản xuất của nông dân.
Do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi, đồng thời giao tranh giữa Nga và Ukraine đang tác động lớn đến thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới. Chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm nay, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi thế giới tiếp tục tăng đột biến. Cụ thể, giá dầu đậu nành tăng khoảng 22%, đậu nành tăng khoảng 21%, khô đậu nành tăng khoảng 16%, bắp tăng khoảng 9%... |
Suốt 5 năm đổ vốn đầu tư, năm nay vườn sầu riêng của ông Nguyễn Thanh Bình (nông dân ở xã Xuân Quế, H.Cẩm Mỹ) mới chính thức cho thu hoạch. Năm ngoái, vườn mới chỉ có trái bói nên tiền bán sầu riêng chỉ đủ cho nhà vườn trang trải chi phí đầu vào.
Ông Bình cho biết, chi phí nặng nhất của nhà vườn chủ yếu là tiền phân, thuốc. Theo đó, mỗi khi giá phân, thuốc “leo thang” là nông dân đứng ngồi không yên. Ông Bình so sánh: “1 bao phân NPK năm ngoái chỉ hơn 700 ngàn đồng thì năm nay tăng lên gần 1,2 triệu đồng, mức tăng của các loại phân, thuốc hóa học khác cũng cao tương tự. Dự tính chi phí đầu tư cho sản xuất vụ này tăng gần gấp đôi so với mọi năm. Chưa năm nào nông dân chúng tôi lại hồi hộp lo đầu tư thua lỗ như năm nay”.
Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ e ngại đầu tư do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Trong ảnh: Trại nuôi gà vịt của nông dân xã Vĩnh Tân, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: B.Nguyên |
Cùng nỗi lo, ông Nguyễn Thanh Hải, nông dân trồng rau tại cánh đồng Tân Yên (xã Gia Tân 3, H.Thống Nhất) lo lắng, những đợt giãn cách do dịch bệnh Covid-19, nhà vườn đổ bỏ hàng tấn rau các loại vì không có thương lái thu mua. Thời gian gần đây, chi phí phân, thuốc không ngừng leo thang đã ăn hết đồng lời của nông dân do rau là cây ngắn ngày nên mỗi tháng người trồng phải bón nhiều đợt phân. Hiện sâu bệnh trên rau cũng nhiều nên chi phí thuốc phòng, chống sâu bệnh cũng không ít. Chi phí phân, thuốc tăng rất cao trong khi giá rau quá bấp bênh và thường bán ra với mức thấp vì thị trường tiêu thụ chậm.
* Đối mặt bài toán thua lỗ
Chi phí đầu vào tăng cao, thị trường tiêu thụ lại bấp bênh khiến nông dân, người chăn nuôi luôn đối mặt với nguy cơ không thu hồi được vốn đầu tư.
Ông Vũ Văn Mạnh, nông dân xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) giới thiệu vườn ổi cho năng suất cao nhờ bón phân hữu cơ tự làm. |
Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán cho biết, giá thức ăn chăn nuôi và các loại thuốc phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi đều đội giá đã đẩy giá thành sản xuất 1kg heo hơi tăng lên mức 55 ngàn đồng/kg, nếu đàn heo tăng trưởng không tốt hoặc hao hụt vì dịch bệnh cao thì giá thành có thể đội lên trên 60 ngàn đồng/kg. Mức này cao hơn cả chục ngàn đồng/kg so với giá thành sản xuất những năm trước đó.
Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thị trường tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi chậm hơn nhiều so với mọi năm nên giá bán ra thường ổn định ở mức thấp. Suốt nhiều tháng nay, người chăn nuôi đang “gồng mình” gánh lỗ. Trong thực tế, hàng loạt hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã bỏ nghề. Với dự báo, giá thức ăn chăn nuôi và nhiều chi phí khác chưa dừng leo thang trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều trại “treo” chuồng vì càng nuôi càng lỗ.
Nông dân trồng rau tại xã Gia Tân 3 (H.Thống Nhất) lo thua lỗ trong đầu tư vì chi phí đầu vào tăng cao. Ảnh: Bình Nguyên |
Cùng nỗi lo, Giám đốc HTX Xoài Suối Lớn (xã Xuân Hưng, H.Xuân Lộc) Nguyễn Thế Bảo chia sẻ, hiện giá xoài Đài Loan xuất khẩu bán tại vườn chỉ còn khoảng 2-3 ngàn đồng/kg mà nhiều nhà vườn vẫn không tìm được thương lái tiêu thụ.
Với giá bán này, nông dân trồng xoài đang lỗ nặng vì chi phí phân, thuốc tăng cao khiến giá thành sản xuất 1kg xoài đội lên rất nhiều so với những năm trước đó. Nhiều nông dân đã phải thế chấp sổ đỏ vay vốn đầu tư vì 2 năm liên tiếp, giá xoài luôn đứng ở mức thấp do xuất khẩu gặp khó khăn. “Nông dân trồng xoài chưa kịp ứng phó với vụ sản xuất thua lỗ năm ngoái thì gánh ngay cơn bão tăng giá phân, thuốc nên nhiều hộ không còn mặn mà chăm chút cho cây trồng. Nỗi lo khó khăn còn kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong vụ sau, cây trồng có nguy cơ mất mùa vì thiếu vốn đầu tư hoàn toàn có thể xảy ra” - ông Bảo nói.
Giá bắp trong nước đang tăng cao. Hiện nông dân trồng bắp trên địa bàn tỉnh đang thu hoạch vụ bắp đông xuân. Giá bắp nông dân bán tại ruộng đang ở mức 9-9,3 ngàn đồng/kg, tăng hơn 3 ngàn đồng/kg so với niên vụ trước. Bên cạnh đó, từ sau Tết Nguyên đán 2022 đến nay, thức ăn chăn nuôi thêm nhiều đợt tăng giá mới. Dự báo giá thức ăn chăn nuôi có thể tiếp tục “leo thang” trong thời gian tới vì giá xăng, dầu tăng cao khiến chi phí vận chuyển và nhiều chi phí đầu vào khác cũng tăng. |
Bình Nguyên