Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong 10 tháng của năm 2021, Việt Nam xuất khẩu hơn 15,3 ngàn tấn thịt và sản phẩm từ thịt các loại. Trong khi đó, nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt vào Việt Nam đạt 618,8 ngàn tấn, gấp khoảng 40 lần so với xuất khẩu.
[links()]Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong 10 tháng của năm 2021, nhập khẩu thịt và sản phẩm từ thịt các loại về Việt Nam đạt 618,8 ngàn tấn, trong khi xuất khẩu chỉ được hơn 15,3 ngàn tấn. Nếu tính theo lượng thì nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt vào Việt Nam gấp khoảng 40 lần so với xuất khẩu.
Đồ họa thể hiện số lượng trang trại được chứng nhận VietGAHP và số chuỗi chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện nay. Nguồn: Sở NN-PTNT (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân) |
Trước những biến động, cạnh tranh ngày càng gay gắt của thị trường chăn nuôi, các quốc gia ngày càng nâng cao hàng rào kỹ thuật trong kiểm dịch động vật, kiểm tra an toàn thực phẩm để hạn chế nhập khẩu. Trong khi đó, việc xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản nhập khẩu của Việt Nam còn khá chậm so với các nước.
* Nhập khẩu thịt gấp 40 lần xuất khẩu
Theo Cục Xuất nhập khẩu, nhập khẩu thịt và sản phẩm từ thịt các loại về Việt Nam tăng cả về trị giá và sản lượng trong năm 2021. Cụ thể, trong 10 tháng của năm, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt đạt 618,8 ngàn tấn, trị giá gần 1,2 tỷ USD, tăng 2% về lượng và tăng 16,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam xuất khẩu được hơn 15,3 ngàn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá hơn 60,1 triệu USD trong 10 tháng của năm. Lượng thịt nhập khẩu gấp khoảng 40 lần so với lượng thịt xuất khẩu; về trị giá, nhập khẩu thịt gấp khoảng 20 lần so với xuất khẩu thịt. Riêng về thịt heo, trong 10 tháng của năm, Việt Nam nhập hơn 332 ngàn tấn thịt heo các loại, tăng 300% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khoảng 350 ngàn con heo sống từ Thái Lan về giết mổ, tăng trên 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thịt nhập khẩu bán phổ biến trong các siêu thị, cạnh tranh với sản phẩm chăn nuôi trong nước. Trong ảnh: Quầy bán thịt nhập khẩu tại cửa hàng Bách hóa Xanh ở TP.Biên Hòa. Ảnh: B.Nguyên |
Ngành chăn nuôi trong nước chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu không ngừng tăng nhanh những năm gần đây. Đặc biệt, sản phẩm thịt nhập khẩu đang có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn sản phẩm chăn nuôi trong nước nhờ giá rẻ. Cụ thể, tính bình quân, giá thịt gà nhập khẩu bán lẻ đến tay người tiêu dùng chỉ khoảng 20 ngàn đồng/kg, rẻ hơn giá thành sản xuất tại Việt Nam. Giá heo nhập khẩu về Việt Nam (chưa tính thuế, phí) chỉ khoảng 50 ngàn đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá thịt heo nội địa bán đến tay người tiêu dùng.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tổng đàn gia cầm của cả nước hiện đạt 523 triệu con, đàn heo 28 triệu con, đàn gia súc ăn cỏ 12 triệu con. Tổng sản lượng thịt này không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà cần mở rộng thị trường xuất khẩu để hạn chế khó khăn nguồn cung lớn hơn cầu do thị trường tiêu thụ giảm mạnh do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như hiện nay.
* Nhiều hệ lụy…
Ngành chăn nuôi trong nước, nhất là chăn nuôi heo đang đứng trước thách thức lớn khi chưa kịp khôi phục lại sau đợt dịch tả heo châu Phi lại tiếp tục đối mặt với cơn khủng hoảng thị trường do dịch Covid-19. Theo đó, suốt nhiều tháng liền trong năm 2021, giá heo, gia cầm bán tại trại đều thấp hơn giá thành sản xuất. Đặc biệt, có thời điểm giá gà công nghiệp bán tại trại chưa đến 10 ngàn đồng/kg, heo hơi chỉ hơn 30 ngàn đồng/kg. Trong tình hình sản phẩm chăn nuôi rớt giá vì thị trường tiêu thụ gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu vẫn tăng nhanh được cho là “chở củi về rừng” gây rất nhiều hệ lụy cho ngành chăn nuôi trong nước và đẩy người chăn nuôi đến bờ vực phá sản.
Gà công nghiệp nội địa gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh với gà nhập giá rẻ. Trong ảnh: Một trang trại gà ở xã Long Đức, H.Long Thành xuất bán gà đến tuổi |
Ngoài ra, việc nhập khẩu ồ ạt sản phẩm chăn nuôi nếu không được kiểm soát chặt chẽ còn gây nhiều hệ lụy khác cho ngành chăn nuôi cũng như người tiêu dùng trong nước. Thực tế những năm qua, nhiều dịch bệnh xuất hiện trên vật nuôi ở Việt Nam là do lây từ bên ngoài vào. Trong đó, có nguyên nhân nguồn lây từ thịt và sản phẩm từ thịt nhập khẩu. Thông qua con đường thịt và các sản phẩm thịt nhập khẩu, nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi từ các nước tiếp tục xâm nhiễm vào Việt Nam là rất lớn, nhất là nhiều dịch bệnh nguy hiểm lây truyền giữa động vật và người.
Ông Phan Văn Lục, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết, Việt Nam là nước nông nghiệp, nhất là có ngành chăn nuôi rất phát triển, nếu chúng ta không tổ chức tốt được vấn đề kiểm soát chất lượng thực phẩm nhập khẩu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất trong nước. Hội nhập toàn cầu, việc xâm nhập dịch bệnh trên động vật, thực vật từ các nước bên ngoài vào Việt Nam là rất lớn nếu chúng ta không có một hệ thống kiểm soát tốt. Ví dụ như dịch tả heo châu Phi từ bên ngoài xâm nhập vào nước ta phải là bài học kinh nghiệm về kiểm dịch động vật với sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu không được buông lỏng, vì không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất mà còn ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng trong nước.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết thêm, nhiều dịch bệnh xuất hiện trên vật nuôi, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi đã gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Trong đó, một số dịch bệnh nguy hiểm xuất hiện trên vật nuôi có nguyên nhân từ thịt nhập. Sau dịch tả heo châu Phi, thị trường khan hiếm nguồn cung heo nên có tình trạng nhập khẩu heo sống từ Thái Lan vào Việt Nam. “Chúng tôi kiến nghị Bộ NN-PTNT không nên cho phép việc nhập khẩu heo sống, điều này tạo ra nguy cơ rất lớn về vấn đề an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi” - ông Công nói.
* Cần hàng rào kỹ thuật chặt chẽ hơn
Theo cả doanh nghiệp và các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sản phẩm chăn nuôi, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, vướng mắc là do Việt Nam phải mất nhiều năm đàm phán để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đi các nước. Trong đó, nguyên nhân chính là các nước có hàng rào kỹ thuật ngày càng chặt chẽ, nhất là các quy định động vật, sản phẩm động vật phải có nguồn gốc từ quốc gia, vùng an toàn dịch bệnh cùng nhiều quy định khắt khe khác về kiểm dịch động vật cũng như về an toàn thực phẩm… Trong khi đó, những quy định trong nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam vẫn còn nhiều kẽ hở.
Theo ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, Việt Nam là nước nông nghiệp, ngành chăn nuôi chiếm tỉ trọng rất lớn. Để đạt mục tiêu phát triển chăn nuôi bền vững thì phải hướng đến xuất khẩu. Nhưng thực tế hiện nay, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi trong nước gặp rất nhiều khó khăn trong khi nhập khẩu còn dễ. Ở đây cần có hàng rào kỹ thuật chặt chẽ để đảm bảo sân chơi công bằng, lành mạnh cho sản phẩm chăn nuôi trong nước, hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh như việc nhập thịt cận đát, kém chất lượng cạnh tranh với sản phẩm chăn nuôi trong nước bằng giá rẻ. Điều này còn là vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong nước.
Chỉ ra những rủi ro cho ngành chăn nuôi trong nước khi chưa thật sự xây dựng được hàng rào kỹ thuật “cứng cáp” với sản phẩm động vật nhập khẩu, Phó chủ tịch thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam Đào Xuân Trúc cho biết: “Chúng ta phải siết chặt hàng rào kỹ thuật trong nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi để bảo vệ chăn nuôi trong nước, hạn chế tối đa những sơ hở để dịch bệnh xâm nhập; nhất là để bảo hộ cho hơn chục triệu hộ chăn nuôi có cơ hội dần lớn lên, làm ăn có hiệu quả”.
Bình Nguyên