Trong những năm qua, Đồng Nai đã xây dựng nhiều nền tảng công nghệ để phục vụ phát triển chính quyền điện tử. Đồng thời, tập trung xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng hệ thống thông tin để đổi mới lề lối, phương thức làm việc, phục vụ người dân và doanh nghiệp, bảo đảm việc xây dựng chính quyền điện tử gắn kết với an toàn thông tin, an ninh mạng.
[links()]Trong những năm qua, Đồng Nai đã xây dựng nhiều nền tảng công nghệ để phục vụ phát triển chính quyền điện tử. Đồng thời, tập trung xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng hệ thống thông tin để đổi mới lề lối, phương thức làm việc, phục vụ người dân và doanh nghiệp, bảo đảm việc xây dựng chính quyền điện tử gắn kết với an toàn thông tin, an ninh mạng.
Trong thời gian tới, Đồng Nai sẽ tiến hành đánh giá hiệu quả của Trung tâm Điều hành thông minh TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh để làm cơ sở triển khai trên toàn tỉnh. Trong ảnh: Nhân viên Trung tâm Điều hành thông minh TP.Biên Hòa trong giờ làm việc. Ảnh: H.YẾN |
Tuy nhiên, sự phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhân lực CNTT, ứng dụng CNTT… tại Đồng Nai vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, cần có hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn nữa để phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số.
* Nhiều nỗ lực…
Xây dựng chính quyền điện tử tại tỉnh Đồng Nai được triển khai từ nhiều năm nay. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản nhằm hoàn thiện môi trường pháp lý và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, đề án về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số.
Nhờ có hành lang pháp lý, các quy định cụ thể, việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có những bước tiến lớn. Tính đến tháng 9-2021, 100% sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã xây dựng và triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng năm 2021. 100% cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc; thực hiện gửi - nhận văn bản điện tử thông qua trục liên thông tỉnh. Đồng Nai cũng đã hoàn thành việc nâng cấp, triển khai đồng bộ phần mềm một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh tại các sở, ban, ngành, Trung tâm Hành chính công tỉnh và các địa phương…
Về hạ tầng kỹ thuật CNTT và truyền thông, hiện toàn tỉnh có 3 trung tâm tích hợp dữ liệu (THDL) đã được đầu tư và đưa vào sử dụng. Trong đó, Trung tâm THDL của tỉnh được chú trọng đầu tư, nâng cấp, sử dụng các công nghệ mới, tiên tiến; đã được đầu tư các thiết bị bảo mật tối thiểu cơ bản đáp ứng việc quản trị tập trung, khai thác chia sẻ các hệ thống ứng dụng CNTT… Đến thời điểm hiện tại, Đồng Nai đã hoàn thành việc triển khai đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho hệ thống thông tin theo mô hình “4 lớp”.
Với sự đầu tư đồng bộ, đều khắp, việc ứng dụng CNTT tại Đồng Nai đã mang lại những kết quả tích cực. Điều này được thể hiện rõ nét trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua. Theo đó, tỉnh đã áp dụng nhiều nền tảng công nghệ trong công tác phòng, chống dịch như: nền tảng khai báo y tế và quét mã QR; nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử, trực tuyến; nền tảng quản lý tiêm chủng; Cổng thông tin Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh; hệ thống quản lý cách ly và theo dõi F1, F0…
Đặc biệt, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, tỉnh đã phối hợp với VNPT Đồng Nai triển khai, kết nối hệ thống truyền hình hội nghị đến 11 huyện, thành phố và 170 xã, phường, thị trấn. Nhờ đó, hiện nay hệ thống hội nghị trực tuyến đã được thông suốt trong toàn tỉnh, giúp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; đồng thời, tiết kiệm thời gian, chi phí tổ chức hội nghị.
* Chưa tương xứng với tiềm năng
Mặc dù có nhiều nỗ lực và đạt được kết quả đáng mừng nhưng việc phát triển, ứng dụng CNTT tại Đồng Nai vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh.
Theo báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Index), trong 2 năm qua, chỉ số ICT của Đồng Nai liên tục giảm so với trước.
Cụ thể, năm 2020, chỉ số xếp hạng chung của Đồng Nai là 34/63 (tụt 8 bậc so với năm 2019 và 22 bậc so với năm 2018); xếp hạng về chỉ số hạ tầng kỹ thuật là 14/63 (tụt 1 bậc so với năm 2019 và 6 bậc so với năm 2018); xếp hạng về chỉ số hạ tầng nhân lực là 48/63 (tụt 3 bậc so với năm 2019 và 32 bậc so với năm 2018); xếp hạng về chỉ số ứng dụng CNTT là 45/63 (tụt 36 bậc so với năm 2019 và 35 bậc so với năm 2018); xếp hạng về chỉ số dịch vụ công trực tuyến 25/63 (tụt 20 bậc so với năm 2019 và 14 bậc so với năm 2018).
Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (Vietnam ICT Index) được thực hiện hằng năm kể từ năm 2005. Đây là chỉ số chính thống đánh giá toàn diện mức độ ứng dụng CNTT trên cả nước, với các bộ chỉ số riêng cho khối bộ, ngành và khối tỉnh, thành phố. |
Cũng cần nói thêm rằng, ICT Index là chỉ số chính thống, đánh giá toàn diện mức độ ứng dụng CNTT trên cả nước hằng năm. Kết quả đánh giá, xếp hạng ICT Index được coi là đánh giá uy tín, chất lượng và đầy đủ nhất trên cả nước. Do đó, xếp hạng chỉ số ICT đã phản ánh đúng thực tế ứng dụng CNTT của tỉnh ta. Rõ ràng, mức độ sẵn sàng ứng dụng CNTT ở Đồng Nai còn chậm.
Trong số những chỉ số nêu trên thì chỉ số về hạ tầng nhân lực và chỉ số ứng dụng CNTT rất thấp. Đây cũng chính là khó khăn mà Đồng Nai đang gặp phải. Thực tế, việc thu hút nhân lực CNTT trong khối cơ quan nhà nước gặp nhiều khó khăn mà rào cản lớn nhất chính là thu nhập không thể cạnh tranh được với khối doanh nghiệp tư nhân.
Ông Hồ Hữu Hiếu, Giám đốc Trung tâm CNTT tỉnh cho biết, Trung tâm CNTT tỉnh được giao nhiệm vụ quản lý Trung tâm THDL tỉnh. Để quản trị, vận hành Trung tâm THDL thì cần có 30 nhân lực, nhưng hiện nay mới chỉ có 20 người.
Nhân lực thiếu nên trung tâm buộc phải sắp xếp cán bộ, nhân viên thay phiên nhau làm việc 24/24 giờ. Tuy nhiên, việc hưởng chế độ làm thêm giờ lại bất hợp lý (chỉ được tính tối đa 200 giờ). Cùng với đó, hiện tỉnh vẫn chưa ban hành đơn giá dịch vụ công trong lĩnh vực CNTT nên trung tâm không có cơ sở để khai thác dịch vụ, tăng thu nhập cho nhân viên.
Ông Lê Hoàng Ngọc, Giám đốc Sở TT-TT chia sẻ, bản thân ông đã phải nhận đơn xin nghỉ việc của một số nhân viên từng gắn bó lâu năm tại trung tâm. Đây đều là những nhân viên có năng lực chuyên môn tốt. Mức thu nhập tại trung tâm thấp hơn nhiều so với mức lương “bên ngoài” nên trung tâm không thể giữ chân họ. Tương tự, nhiều đơn vị khác trong tỉnh cũng rơi vào tình trạng khó tuyển dụng nhân lực CNTT có chuyên môn cao.
Bên cạnh vấn đề nhân lực, nhiều sở, ngành hiện vẫn còn chưa mặn mà ứng dụng CNTT. Đây chính là nguyên nhân khiến các đơn vị chưa chủ động đề xuất, xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT. Điều này dẫn đến việc xây dựng kế hoạch còn chung chung, chưa có chỉ tiêu cụ thể nên khó rà soát, đánh giá hiệu quả…
* Cần hành động nhanh, quyết liệt
Là người được phân công trực tiếp hỗ trợ TP.Biên Hòa trong công tác chống dịch, Ủy viên Ban TVTU, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Bình thấy rõ hiệu quả khi ứng dụng CNTT trong công tác phòng, chống dịch. Trong đó, phải kể đến vai trò của Trung tâm Điều hành thông minh TP.Biên Hòa.
Trung tâm này hiện đang khai thác 9 module. Trong giai đoạn hiện nay, trung tâm tập trung khai thác, sử dụng module y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19… Đặc biệt, trung tâm đã phát triển hệ thống theo dõi, giám sát được F0, F1 tại nhà. Nếu trong thời gian cách ly bắt buộc mà đối tượng ra khỏi nhà thì hệ thống sẽ ghi lại được cung đường di chuyển, thuận lợi cho công tác truy vết, khoanh vùng nếu có phát sinh dịch. Hiện hệ thống này đang triển khai thí điểm, cần có đánh giá cụ thể để xem xét áp dụng chính thức.
Mặc dù vui mừng trước hiệu quả rõ nét của việc ứng dụng CNTT của TP.Biên Hòa nhưng theo ông Bình, việc thực hiện chuyển đổi số tại Đồng Nai vẫn còn rất nhiều hạn chế; mức độ sẵn sàng ứng dụng CNTT còn chậm.
Trong đó, việc xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu bộc lộ rõ nhiều vấn đề. Không chỉ thống kê, cập nhật chưa đầy đủ, việc xây dựng mẫu báo cáo dữ liệu của các sở, ngành, địa phương còn không đồng nhất, mỗi nơi làm một kiểu khiến cho việc THDL gặp khó khăn. Mặt khác, vì chưa có quy định cụ thể, rõ ràng nên nhiều đơn vị không sẵn sàng chia sẻ dữ liệu, gây cản trở trong tiếp cận dữ liệu.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Bình kiến nghị: “Các đơn vị khi xây dựng cơ sở dữ liệu phải mang tính liên thông; có ràng buộc pháp lý buộc các đơn vị phải chia sẻ dữ liệu dùng chung. Đơn vị, cá nhân nào vi phạm bảo mật thông tin thì phải chịu trách nhiệm. Sở TT-TT cũng cần được tham gia vào Hội đồng quy hoạch của tỉnh để góp phần trong xây dựng quy hoạch mạng lưới hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng CNTT nhằm “đón đầu” sân bay Long Thành trong thời gian tới”.
Giám đốc Sở TT-TT Lê Hoàng Ngọc cho biết, theo tiêu chí của Bộ TT-TT, Trung tâm Điều hành thông minh phải đáp ứng đủ 12 chức năng cơ bản. Hiện nay, Đồng Nai đang thí điểm 2 trung tâm tại TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh và đều đáp ứng theo tiêu chí nêu trên. Sau giai đoạn thí điểm, tỉnh sẽ có đánh giá và lựa chọn mô hình phù hợp để triển khai trên toàn tỉnh.
Góp ý liên quan đến vấn đề này, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Cao Cường cho rằng: “Các trung tâm điều hành thông minh nên triển khai các ứng dụng kèm theo để cung cấp thông tin cho người dân. Các ứng dụng này nên tích hợp quảng bá hình ảnh, sản phẩm của Đồng Nai để lan tỏa đến người dân trong nước và quốc tế”.
Chuyển đổi số là cơ hội cuối cùng Chuyển đổi số là cơ hội vô giá của chúng ta. Chuyển đổi số cũng là cơ hội cuối cùng của chúng ta trong vòng một vài thập kỷ tới. Những đột phá về công nghệ số đều thai nghén trong nhiều chục năm, mới phổ biến được vài năm và nhiều chục năm mới có một lần. Chúng ta không tiến khi người khác tiến là chúng ta đã tụt lại. Nếu bỏ lỡ cơ hội này, chúng ta sẽ bị tụt lại sau các quốc gia khác xa hơn nữa, do người đi trước thắng cuộc là người lấy được tất cả. (Theo Cẩm nang chuyển đổi số, Bộ TT-TT) |
Hải Yến