Báo Đồng Nai điện tử
En

Thách thức trong tái vận hành sản xuất, kinh doanh

09:10, 27/10/2021

Có nhiều thách thức lớn mà mọi doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ) phải đối mặt khi bước vào giai đoạn tái sản xuất kinh doanh và phục hồi kinh tế: áp lực phòng, chống dịch bệnh; chi phí sản xuất tăng cao do giá nhiều nguyên liệu đầu vào tăng; vận chuyển hàng hóa nguyên vật liệu vẫn chưa thực sự thông suốt và chi phí đội lên; đơn hàng giảm sút; lao động thiếu hụt; tiếp cận vốn với lãi suất thấp vẫn khó khăn...

Có nhiều thách thức lớn mà mọi doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ) phải đối mặt khi bước vào giai đoạn tái sản xuất kinh doanh và phục hồi kinh tế: áp lực phòng, chống dịch bệnh; chi phí sản xuất tăng cao do giá nhiều nguyên liệu đầu vào tăng; vận chuyển hàng hóa nguyên vật liệu vẫn chưa thực sự thông suốt và chi phí đội lên; đơn hàng giảm sút; lao động thiếu hụt; tiếp cận vốn với lãi suất thấp vẫn khó khăn...

Một ví dụ “nóng hổi” cho thấy một trong những khó khăn đang bủa vây cộng đồng doanh nghiệp là việc giá xăng dầu vừa tăng cao kỷ lục và hiện đang ở mức cao nhất trong 7 năm nay. Trái ngược với giá xăng dầu, giá thịt heo hơi lại đang giảm kỷ lục, chỉ còn trên dưới 30 ngàn đồng/kg. Ở các ngành khác, doanh nghiệp cũng đang lao đao tương tự, khi các chi phí mang tính “nền tảng” như xăng, dầu, nguyên phụ liệu tăng mạnh trong khi đầu ra sản phẩm phập phù và nhiều mặt hàng không có giá tốt do tiêu thụ khó khăn.

Mặc dù vậy thì việc Chính phủ ra Nghị quyết 128 và việc nhiều địa phương đã phủ kín được vaccine đủ để mạnh dạn nới lỏng các quy định, tạo điều kiện cho nền kinh tế tái vận hành đã là một may mắn cho tất cả. Vậy nên trên tinh thần đó, đa số doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực hết mình để tái sản xuất, kinh doanh.

Và vì vậy, cùng với ưu tiên phòng, chống dịch linh hoạt, Chính phủ và các địa phương cũng đang tìm mọi cách hỗ trợ doanh nghiệp tái sản xuất, kinh doanh để bù đắp lại những thiệt hại lớn mà dịch Covid-19 gây ra. Thực tế, nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ đã liên tục được đưa ra xuyên suốt thời gian giãn cách để phòng dịch, phủ rộng trên nhiều khía cạnh hoạt động của doanh nghiệp: giảm thuế, hạ lãi suất, giãn nợ… Song đến lúc này, có lẽ cần có sự rà soát và đánh giá lại hiệu quả thực tế của từng chính sách lên từng đối tượng doanh nghiệp cụ thể để biết được mức độ “thẩm thấu” của từng chính sách hỗ trợ đến đâu, để có sự điều chỉnh và tính toán trong thời gian sắp tới.

Nhiệm vụ sắp tới khá nặng nề. Đó là khắc phục khó khăn, tái sản xuất, thực hiện những nhiệm vụ đã đặt ra trong năm. Song song đó là xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn sau dịch, những năm 2022-2023, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021-2025 từ 6,5-7%/năm.

Ngoài chương trình phục hồi tổng thể, phải có các chương trình phục hồi riêng cho từng ngành nghề, lĩnh vực để có sự cân bằng tương đối trong phát triển. Dịch bệnh liệu sẽ diễn biến như thế nào và phải ứng phó ra sao có lẽ là câu hỏi chưa thể trả lời rốt ráo trong thời điểm này, song những ảnh hưởng của dịch bệnh lên nền kinh tế, lên doanh nghiệp và lên từng người lao động trong thời gian qua là khá rõ. Do đó, Chính phủ cũng đã xác định phòng, chống dịch là yêu cầu ưu tiên, nhưng cũng không để gián đoạn hoạt động của nền kinh tế. Vậy nên lúc này, cần làm tất cả những gì có thể để trợ lực cho doanh nghiệp, tiểu thương, nông dân, người lao động… bằng những chích sách thiết thực, hiệu quả để họ an tâm cùng chung tay phục hồi kinh tế.

Kim Ngân

 

Tin xem nhiều