Suốt nhiều tháng nay, ngành chăn nuôi thua lỗ nặng vì đầu ra gặp khó khăn khiến các sản phẩm chăn nuôi như heo, gà... rớt giá chưa từng có.
Suốt nhiều tháng nay, ngành chăn nuôi thua lỗ nặng vì đầu ra gặp khó khăn khiến các sản phẩm chăn nuôi như heo, gà... rớt giá chưa từng có. Hiện thị trường tiêu thụ đã khởi sắc hơn, giá các sản phẩm chăn nuôi tăng hơn nhiều so với trước.
Hiện giá gà công nghiệp đã tăng cao so với vài tháng trước đó. Trong ảnh: Trại gà ở H.Long Thành. Ảnh: L.Q |
Đây là dấu hiệu tốt để người chăn nuôi khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, giá nhiều sản phẩm chăn nuôi hiện vẫn thấp hơn giá thành sản xuất. Thời gian tới, người chăn nuôi cần tính toán chặt chẽ hơn trong đầu tư dựa trên dự báo về nhu cầu thị trường.
* Kỳ vọng thị trường khởi sắc
Sau thời gian dài giá heo hơi, gà thịt rớt chạm đáy, hiện giá các sản phẩm chăn nuôi đang dần hồi phục. Đặc biệt, vài ngày trở lại đây, heo hơi liên tục tăng giá. Hiện giá heo hơi đang đứng ở mức 48-50 ngàn đồng/kg, cao hơn khoảng 10 ngàn đồng/kg so với tuần trước đó. Giá gà công nghiệp từng có thời điểm rớt xuống chỉ còn từ 5-7 ngàn đồng/kg thì hiện nay đã tăng lên từ 25-28 ngàn đồng/kg. Giá các sản phẩm khác như gà ta thả vườn, vịt thịt, trứng gia cầm cũng đã tăng hơn rất nhiều so với thời điểm các tỉnh, thành thực hiện giãn cách do dịch Covid-19.
Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi và các chi phí đầu vào tăng cao khiến giá thành chăn nuôi đội lên khá nhiều so với trước. Hiện giá các sản phẩm chăn nuôi tuy đã có mức tăng khá cao so với thời điểm rớt giá, nhưng vẫn dưới giá thành sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Trung, chủ trang trại chăn nuôi heo ở xã Nhân Nghĩa (H.Cẩm Mỹ) so sánh, tuy heo hơi hiện nay đã tăng cả chục ngàn đồng/kg so với trước nhưng người chăn nuôi vẫn lỗ vốn. Vì những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải mua heo giống với giá cao về tái đàn, giá thức ăn chăn nuôi và nhiều chi phí khác đều tăng cao khiến giá thành chăn nuôi 1kg heo hơi đội lên mức 60 ngàn đồng/kg, thậm chí 65 ngàn đồng/kg. Giá thành sản xuất vẫn cao hơn nhiều so với mức giá heo hơi bán tại trại chưa đến 50 ngàn đồng/kg.
Cùng quan điểm, ông Phạm Văn Thông, chủ trang trại nuôi chim cút tại xã Tây Hòa (H.Trảng Bom) chia sẻ, hiện giá trứng cút đã tăng về với mức cho lợi nhuận nhưng tổng đàn chim cút của trang trại chỉ còn khoảng 1/3 so với trước. Ngoài lý do thiếu nguồn cung con giống bố mẹ, trang trại cũng cẩn trọng hơn, không ồ ạt tái đàn vì thị trường tiêu thụ hiện nay vẫn khá chậm.
Theo nhiều thương lái, tình hình tiêu thụ, mua bán các sản phẩm chăn nuôi thời gian gần đây cũng có sự thay đổi. Thời điểm giá các sản phẩm chăn nuôi chạm đáy, các trại chăn nuôi đua nhau đẩy hàng vì lo càng để càng thua lỗ khiến cán cân cung - cầu càng mất cân đối. Nhưng khi giá các sản phẩm chăn nuôi tăng lên, nhiều trại nuôi cũng chậm lại việc xuất hàng với mong muốn sẽ bán được với giá tốt hơn.
* Tăng giá trị sản xuất
Đầu tư vào chăn nuôi trong giai đoạn khó khăn hiện nay, cả doanh nghiệp và người chăn nuôi đều quan tâm thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí đến sản xuất an toàn như: thực hiện nghiêm quy trình phòng, chống dịch Covid-19 nhằm đảm bảo an toàn cho chuỗi sản xuất; áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ hiện đại; tối ưu hóa quy trình sản xuất để vừa giảm chi phí vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm...
Bà Phạm Thị Huân, Tổng giám đốc Công ty CP Ba Huân (TP.HCM) nhấn mạnh, khó khăn do dịch bệnh Covid-19 mang đến càng cho thấy quả trứng làm bằng tay không thể đáp ứng được cả về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm lẫn về đội ngũ lao động. Doanh nghiệp phải đầu tư máy móc hiện đại thay thế con người. “Chúng tôi chuẩn bị đưa vào lắp ráp một hệ thống máy móc hiện đại thay cho dàn máy cũ. Doanh nghiệp đầu tư trong ngành chăn nuôi mong được chính sách nhà nước hỗ trợ về khoa học công nghệ để tiếp tục phát triển sản xuất trong khó khăn” - bà Huân nói.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tấn Hậu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tám Do (xã Bàu Cạn, H.Long Thành) chia sẻ, ngay trong thời điểm giá heo rớt chạm đáy, doanh nghiệp không bán được con giống vì người chăn nuôi e ngại đầu tư tái đàn, doanh nghiệp vẫn mạnh dạn rót vốn hoàn thành dự án mới là trang trại sản xuất giống với công nghệ hiện đại nhất hiện nay. Trang trại mới này sẽ vận hành hoàn toàn tự động nên cần rất ít công lao động. Đây là giải pháp nhằm tiết kiệm chi phí chăn nuôi, hạn chế tối đa rủi ro dịch bệnh và quan trọng là nâng cao chất lượng trong sản xuất con giống, tạo lợi thế cạnh tranh trong khó khăn.
Lê Quyên