Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp lạc quan về khả năng phục hồi

11:10, 27/10/2021

Khi các địa phương trở lại trạng thái "bình thường mới" cũng là lúc các doanh nghiệp tăng tốc các kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình...

[links()]Khi các địa phương trở lại trạng thái “bình thường mới” cũng là lúc các doanh nghiệp (DN) tăng tốc các kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình. Mặc dù vừa trải qua thời gian dài gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh song nhận định của các chuyên gia kinh tế cũng như cộng đồng DN, trong đó có DN vừa và nhỏ vẫn tin tưởng vào triển vọng hồi phục khi chung sống an toàn, linh hoạt trong dịch bệnh.

Các doanh nghiệp đang nỗ lực trong những tháng còn lại để thực hiện kế hoạch sản xuất của năm. Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành May mặc ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Văn Gia
Các doanh nghiệp đang nỗ lực trong những tháng còn lại để thực hiện kế hoạch sản xuất của năm. Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành May mặc ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Văn Gia

* Niềm tin vào triển vọng kinh tế

Các chuyên gia kinh tế nhận định, dù đối mặt với nhiều khó khăn song sau khi “bình thường mới” trở lại, nền kinh tế Việt Nam sẽ có sự hồi phục nhanh.

Phát biểu tại hội thảo trực tuyến phục hồi kinh tế, thích ứng an toàn trong dịch bệnh mới đây, bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, nguồn lực về tài chính của Việt Nam được đánh giá là tốt để có thể tiếp tục triển khai các gói phục hồi, kích thích kinh tế. Vấn đề hạn chế không phải là tiền mà có thể là sự cứng nhắc nào đó đang tồn tại, ngăn trở khiến cho việc sử dụng nguồn lực phân bổ cho nhu cầu phù hợp chưa được nhanh như mong muốn.

Tương tự, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cũng có sự lạc quan về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung và dài hạn. Tăng trưởng có thể được hỗ trợ bởi sự phục hồi của nhu cầu nội địa, của việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng hoạt động sang các thị trường xuất khẩu mới và sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Đối với Đồng Nai, tăng trưởng kinh tế quý III dù đã chậm lại nhưng đang tăng tốc từ nay đến cuối năm khi các DN đồng loạt sản xuất trở lại. Để đạt được mức tăng trưởng cao nhất, bên cạnh những giải pháp tháo gỡ khó khăn, kích cầu tiêu dùng thì công tác phòng, chống dịch bệnh vẫn cần được ưu tiên hàng đầu. Bởi chỉ khi phòng, chống dịch bệnh hiệu quả thì mọi hoạt động mới trở lại bình thường, DN mới yên tâm hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Đáng mừng là trong 9 tháng của năm 2021, nguồn vốn từ các DN trong nước bổ sung vào kinh tế Đồng Nai vẫn ấn tượng với hơn 70 ngàn tỷ đồng, tăng 27,28% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 2.160 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn 45,7 tỷ đồng và 570 DN bổ sung khoảng 24,5 ngàn tỷ đồng. Điều đó cho thấy, DN dù khó khăn vẫn tìm thấy cơ hội để phát triển và sẵn sàng đầu tư vào Đồng Nai.

* Tăng tốc cho giai đoạn cuối năm

Bỏ lại phía sau những khó khăn, thời điểm hiện tại các DN của Đồng Nai đang tăng tốc cho thời điểm cuối năm cũng như xây dựng kế hoạch dài hơi hơn.

Một trong những ngành đóng góp lớn vào xuất khẩu của Đồng Nai là công nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm đồ gỗ. Đồng Nai hiện có gần 1.500 DN, cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, đóng góp tỉ trọng lớn vào giá trị xuất khẩu của tỉnh. 9 tháng của năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,45 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2020, đạt hơn 80% kế hoạch năm 2021. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu bình quân/tháng trong quý III đã giảm 37% so với giá trị bình quân/tháng trong 6 tháng đầu năm 2021. Điều này là do nhiều DN phải tạm ngưng sản xuất, nhưng kết quả đạt được như trên cũng là một nỗ lực vô cùng lớn. Ngoài số DN buộc phải đóng cửa, số DN còn lại đã duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa) Lê Xuân Quân, để hiện thực mục tiêu đạt 1,8 tỷ USD xuất khẩu của năm, các DN cần chuẩn bị tâm thế để sẵn sàng sản xuất, kinh doanh trở lại với cường độ và hiệu quả cao, thích ứng tình hình mới, ổn định sản xuất, tăng cường giao thương trực tuyến tìm các đối tác nước ngoài, mở rộng xuất khẩu. Đồng thời, sáng tạo, nâng cao công nghệ trong quá trình sản xuất, chú trọng tới xu hướng và nhu cầu của khách hàng. DN cũng cần chủ động ngăn ngừa giả mạo xuất xứ, bởi các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chủ lực của Việt Nam như: Mỹ, EU, Canada… rất khắt khe về gian lận thương mại và trốn thuế.

Tương tự, ông Đặng Văn Điềm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai cho hay, với hơn 500 hội viên, dù có những khó khăn khác nhau nhưng thời gian qua Hội đã đồng hành cùng địa phương trong các hoạt động phòng, chống dịch. Khi bình thường mới trở lại, cộng đồng DN nói chung và hội viên của hội tin tưởng, nỗ lực để tiếp tục thực hiện các kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình.

Trong nỗ lực hồi phục sản xuất, cộng đồng DN trong tỉnh mong muốn Nhà nước tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, nhất là về thu hút lao động trở lại làm việc, thủ tục xuất nhập cảnh với các chuyên gia nước ngoài để giúp DN sớm ổn định sản xuất.

Văn Gia

 

Tin xem nhiều