Thời gian qua, ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, đặc biệt là nhiều sản phẩm chăn nuôi bán dưới giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng...
Thời gian qua, ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, đặc biệt là nhiều sản phẩm chăn nuôi bán dưới giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. Tuy nhiên, doanh nghiệp, người chăn nuôi vẫn nỗ lực vượt khó đầu tư tái đàn, tăng đàn, kỳ vọng vào thị trường sẽ khởi sắc vào mùa tiêu thụ cuối năm.
Đồ họa thể hiện tổng đàn heo, đàn gia cầm và sản lượng thủy sản của tỉnh tính đến tháng 9-2021. Nguồn: Sở NN-PTNT (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân) |
Dự báo, nguồn cung heo, gia cầm cho thị trường cuối năm vẫn khá dồi dào.
* Cần thời gian phục hồi
Dịch bệnh Covid-19 đặt ra hàng loạt khó khăn cho ngành chăn nuôi như: Ứ đọng sản phẩm tại nơi sản xuất nhưng lại gây thiếu hụt trong khâu phân phối; chi phí thức ăn chăn nuôi và các chi phí khác tăng cao ảnh hưởng đến giá thành sản xuất...
Trong đó, khó khăn không nhỏ với ngành chăn nuôi là thị trường tiêu thụ vẫn chưa hồi phục trở lại sau thời gian các tỉnh, thành trong cả nước thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Đây cũng là nguyên nhân khiến hầu hết các sản phẩm chăn nuôi từ thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm suốt thời gian qua vẫn bán dưới giá thành sản xuất. Dự báo, giá các sản phẩm chăn nuôi khó tăng cao trong thời gian tới.
Các trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn vẫn đầu tư tái đàn, đảm bảo nguồn cung cho thị trường Tết Nguyên đán năm 2022. Trong ảnh: Trang trại chăn nuôi heo tại xã Vĩnh Tân, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: B.Nguyên |
Ngay cả khi các tỉnh, thành đã hết thực hiện giãn cách xã hội, nhiều hoạt động đã phục hồi thì thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi vẫn chưa nhiều khởi sắc như mong đợi.
Bà Bùi Thị Thủy, thương lái ở H.Thống Nhất, chuyên kinh doanh heo tại chợ đầu mối Tân Xuân (TP.HCM) cho biết, chợ đầu mối kinh doanh thịt heo đã mở cửa từ nhiều ngày nay nhưng hầu như các thương lái đều chưa hoạt động trở lại. Nguyên nhân, sức mua của chợ đầu mối hiện vẫn rất chậm, nhiều tiểu thương đưa heo về chợ đều rơi vào cảnh lỗ vốn do heo dội chợ vì thiếu khách mua khi đa số các chợ truyền thống hiện vẫn chưa hoạt động lại bình thường như trước.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hương Vĩnh Cửu (TT.Vĩnh An, H.Vĩnh Cửu) cho hay, hiện nguồn cung thịt heo rất dồi dào trong khi sức mua của thị trường vẫn rất chậm. Tuy nhiên, trang trại chăn nuôi heo của doanh nghiệp vẫn giữ nguyên tổng đàn so với trước. Dự báo thị trường những tháng cuối năm, ngay cả cao điểm tiêu thụ mùa Tết Nguyên đán 2022 cũng không lo thiếu nguồn cung heo thịt.
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi, với bối cảnh nguồn cung thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm vẫn rất dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ của thị trường chậm phục hồi như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ của sản phẩm chăn nuôi. Dự báo, sức tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi tăng chậm nên giá các sản phẩm chăn nuôi sẽ khó tăng cao vào những tháng cuối năm 2021. Kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc vào năm 2022 khi Việt Nam có mức độ tiếp cận vaccine phòng Covid-19 tốt hơn.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn, thời gian qua, một số doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi phải giảm công suất hoặc tạm dừng mở rộng đầu tư do thị trường tiêu thụ sản phẩm gia cầm, trong đó có trứng gia cầm chưa cao khiến áp lực cạnh tranh của các sản phẩm chăn nuôi đang rất lớn. Người chăn nuôi phải tính toán lại nhu cầu của thị trường tiêu thụ để điều chỉnh sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường.
* Không lo thiếu nguồn cung
Suốt thời gian dài giá heo hơi, giá thịt gia cầm đều đứng ở mức dưới giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. Đây là nguyên nhân khiến nhiều trang trại chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình e ngại trong tái đàn, tăng đàn, thậm chí ngưng chăn nuôi. Tuy nhiên, những tập đoàn, doanh nghiệp chăn nuôi lớn vẫn có kế hoạch tăng đàn, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong những tháng cuối năm.
Người dân chọn mua các loại thịt heo tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Lam Phương |
Ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất trong chăn nuôi do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) vẫn đảm bảo cung cấp ra thị trường 1,1 triệu quả trứng gia cầm/ngày, tương đương 400 triệu quả/năm. Doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn, tiếp tục tăng trưởng trong sản xuất.
Nói về kế hoạch phát triển chăn nuôi heo trong thời gian tới, ông Kiều Minh Lực, Phó tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết, ngay trong những tháng dịch bệnh Covid-19 bùng phát, hệ thống các trang trại chăn nuôi heo của C.P vẫn hoạt động ổn định, an toàn vì thực hiện rất tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 và cả các dịch bệnh trên đàn chăn nuôi. Sản lượng chăn nuôi heo của C.P vẫn giữ mức tăng trưởng từ 5-7% so với năm ngoái. Ông Lực nhận định, dù thời gian qua dịch tả heo châu Phi vẫn tái phát ở một số tỉnh, thành nhưng chủ yếu xuất hiện ở các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ. Các trang trại chăn nuôi lớn đã có kinh nghiệm và thực hiện tốt công tác phòng dịch, đảm bảo cho đàn heo phát triển an toàn. Với tình hình chăn nuôi hiện nay, Việt Nam không lo thiếu nguồn cung cho thị trường những tháng cuối năm trừ khi thị trường tiêu thụ thế giới biến động, đặc biệt là thị trường Trung Quốc tăng mạnh việc nhập khẩu heo sống từ Việt nam. Dự báo từ nay đến quý III-2022, thị trường heo thịt của Việt Nam sẽ khó có biến động lớn về mặt giá cả.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, hiện tổng đàn heo của tỉnh đạt gần 2,4 triệu con, tăng hơn 1% so với cùng kỳ năm 2020; tổng đàn gia cầm đạt 25,3 triệu con, giảm 7,5% so với cùng kỳ.
Dự báo, từ tháng 9 đến 12-2021, sản lượng thịt heo cung cấp ra thị trường đạt bình quân 25,5 ngàn tấn/tháng; sản lượng thịt gia cầm bình quân đạt khoảng 10,5 ngàn tấn/tháng; cung cấp bình quân 100 triệu quả trứng gia cầm/tháng. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ nội tỉnh khoảng 14 ngàn tấn thịt các loại/tháng, còn hơn 20 ngàn tấn/tháng cung cấp ra ngoại tỉnh; tiêu thụ trứng gia cầm trong tỉnh khoảng 21,4 triệu quả, còn khoảng 78,6 triệu quả trứng/tháng cung cấp ra ngoại tỉnh.
Như vậy, nguồn cung các loại thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm của Đồng Nai trong những tháng cuối năm vẫn dồi dào.
Bình Nguyên