Tình trạng khan hiếm lao động ngành Xây dựng đang diễn ra khá trầm trọng khiến các nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển mới công nhân để bù đắp vào lực lượng bị thiếu hụt tại các công trường. .
[links()]Tình trạng khan hiếm lao động ngành Xây dựng đang diễn ra khá trầm trọng khiến các nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển mới công nhân để bù đắp vào lực lượng bị thiếu hụt tại các công trường.
Dự án Xây dựng cầu Vàm Cái Sứt đang gặp khó khăn trong việc tăng cường thêm nguồn nhân lực để tăng ca, đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: P.Tùng |
Điều này cũng ảnh hưởng lớn đến kế hoạch tăng ca bù đắp tiến độ đã bị chậm khi thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua, nhất là tại các dự án đầu tư công.
* “Đỏ mắt” tìm lao động
Trong khoảng 3 tháng thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, một lượng lớn lao động đã rời Đồng Nai để trở về các địa phương. Điều này khiến cho phần lớn các lĩnh vực kinh tế đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, trong đó có ngành Xây dựng. Thực tế cho thấy, hầu hết các công trường xây dựng, nhất là các công trường thuộc các dự án đầu tư công đều đang rơi vào tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu đẩy nhanh tiến độ các dự án, từ đó tăng tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh những tháng cuối năm 2021.
Ông Nguyễn Bắc Nam, Chỉ huy trưởng công trình thuộc Tổng công ty Xây dựng số 1, nhà thầu thi công gói thầu số 7 dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 768 (đoạn từ cầu vượt Thủ Biên đến giao với đường tỉnh 767, TT.Vĩnh An. H.Vĩnh Cửu) cho biết, trước thời điểm đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát có khoảng 50 công nhân tham gia thi công. Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, số lượng công nhân thi công giảm chỉ còn chưa đến 30 người. Trong vòng nửa tháng qua, để phục vụ mục tiêu tăng ca, đẩy nhanh tiến độ dự án, đơn vị đã tuyển thêm công nhân để tăng cường thi công trên công trường. Tuy nhiên, việc tìm kiếm, bổ sung thêm công nhân gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Bắc Nam, hiện nay nhu cầu về quê của phần lớn người lao động vẫn còn rất lớn nên việc tuyển thêm công nhân cho công trường rất khó khăn. “Chúng tôi đã sử dụng nhiều kênh như đăng thông báo tuyển dụng, tìm kiếm thông qua mối quan hệ của lực lượng công nhân đang tham gia thi công trên công trường, nhưng hiệu quả không cao. Hiện công ty chỉ tuyển thêm chưa tới 10 lao động mới. Trong khi đó, việc huy động công nhân từ các địa bàn khác đến Đồng Nai rất khó khăn do người lao động vẫn lo ngại tình hình dịch bệnh” - ông Nguyễn Bắc Nam cho hay.
Tương tự, từ đầu tháng 10 đến nay, đơn vị thi công dự án Xây dựng cầu Vàm Cái Sứt (TP.Biên Hòa) cũng đã tiến hành tuyển dụng thêm lao động để phục vụ thi công. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhà thầu vẫn chưa tuyển dụng thêm được lao động nào.
Công nhân thi công tại một công trình thuộc dự án Xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Ảnh: Phạm Tùng |
“Thời điểm trước đây, trên toàn công trường có khoảng 60 công nhân, kỹ sư tham gia thi công. Khi địa phương thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 thì lực lượng lao động tại công trường chỉ còn khoảng 20 người. Do đó, chúng tôi đã tuyển dụng thêm lao động để tăng cường thi công, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa tuyển được lao động nào” - ông Ngô Đông Chí, Giám đốc Ban điều hành liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 và Công ty TNHH Phúc Hiếu, nhà thầu thi công dự án cho biết.
Cũng theo ông Ngô Đông Chí, nguồn nhân lực bị thiếu hụt chính là khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện mục tiêu tăng tiến độ dự án bên cạnh khó khăn về nguồn vật tư, vật liệu. Bởi, thực tế hiện nay, các công nhân đang trực tiếp thi công trên công trường có nguyện vọng được trở về quê vẫn rất lớn. Trong khi đó, những công nhân đã trở về quê thì vẫn chưa có ý định quay trở lại công trường để làm việc do lo ngại ảnh hưởng của dịch bệnh. Chính vì vậy, việc tuyển thêm lao động mới để phục vụ thi công rất hạn chế.
* Khó tăng ca vì thiếu nhân lực
Trong thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, phần lớn các công trình xây dựng thuộc các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh đều bị chậm tiến độ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tiến độ giải ngân nguồn vốn đến thời điểm này của tỉnh đang ở mức thấp.
Cùng với việc nới lỏng dần các biện pháp giãn cách xã hội, từng bước trở lại trạng thái “bình thường mới”, việc khởi động lại các công trình xây dựng thuộc các dự án đầu tư công cũng được gấp rút thực hiện để vừa đẩy nhanh tiến độ, vừa thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư. Đặc biệt, để bù đắp tiến độ bị chậm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, việc tăng ca tại các công trường xây dựng được xem là một trong những giải pháp trọng tâm.
“Để bù đắp cũng như đẩy nhanh tiến độ các dự án thì phải thực hiện tăng ca, thi công thêm vào ban đêm” - Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho hay.
Ngay từ cuối tháng 9, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, đơn vị được giao làm chủ đầu tư nhiều dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh cũng đã yêu cầu các nhà thầu thi công tại các dự án lên kế hoạch thực hiện việc tăng ca tại các công trường xây dựng. Tuy nhiên, hiện nay mục tiêu thực hiện tăng ca để bù đắp và đẩy nhanh tiến độ các dự án rất khó thực hiện do thiếu hụt lao động.
Theo ông Ngô Đông Chí, để thực hiện tăng ca đòi hỏi lực lượng lao động tại công trường phải nhiều hơn hoặc ít nhất cũng ngang bằng với thời điểm bình thường. Do đó, với tình trạng thiếu hụt lao động như hiện nay, việc tăng ca là rất khó khăn. “Một công nhân không thể làm nhiều ca trong một ngày, nên để tăng ca phải tăng được lực lượng công nhân thi công. Tuy nhiên, việc tuyển dụng thêm lao động hiện rất khó khăn” - ông Chí cho hay.
Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho rằng, hai khó khăn lớn nhất trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án, từ đó thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh hiện nay là vấn đề giải phóng mặt bằng và nguồn lao động cho các công trình xây dựng.
“Vấn đề nguồn lao động cho các công trình xây dựng hiện nay rất khó khăn, cùng với đó là công tác giải phóng mặt bằng còn chậm. Vì vậy, mục tiêu giải ngân đạt trên 95% nguồn vốn đầu tư công trong năm 2021 như kỳ vọng đặt ra là rất khó để thực hiện” - ông Hồ Văn Hà cho biết.
Vào đầu tháng 10 vừa qua, khi đi kiểm tra tiến độ xây dựng các công trình tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn thuộc dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành, Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh ghi nhận các công trình tại đây đều đã tái thi công. Tuy nhiên, về nguồn lao động thi công thì các công trình đều mới đạt khoảng 40-50% về số lượng so với hồ sơ dự thầu. |
Phạm Tùng