Trong những ngày này, cùng với các chỉ đạo của chính quyền địa phương thì cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực để phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh...
[links()]Trong những ngày này, cùng với các chỉ đạo của chính quyền địa phương thì cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực để phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sau nhiều tháng tạm đóng băng, nền kinh tế quý III của cả nước đã tăng trưởng âm và đó cũng là tình trạng chung của đại đa số DN.
Công ty CP Tổng công ty may Đồng Nai (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, TP.Biên Hòa) đang phục hồi sản xuất. Ảnh: H.Giang |
Nỗ lực hồi phục song trước những khó khăn về nguồn vốn (được coi là mạch máu của DN) cùng các yếu tố khác như: đối tác, nguồn cung nguyên vật liệu và đặc biệt sự sụt giảm nguồn cung lao động đang là vấn đề đặt ra cho DN.
* Sản xuất công nghiệp giảm sút
Số liệu của Cục Thống kê Đồng Nai cho thấy, 9 tháng của năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 2,91% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng thấp nhất của nhiều năm qua. Nguyên nhân là do ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, cộng thêm một số nước trên thế giới là khách hàng, thị trường, đối tác quan trọng vẫn đang phải vật lộn với đại dịch khiến cho nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất bị thiếu hụt, tiêu thụ hàng hóa gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, trong quý III-2021, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 9,37% so với quý II. Một số ngành giảm mạnh như: chế biến chế tạo giảm 9,07%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước giảm 19,75%...
Đó là bức tranh chung của nền kinh tế cũng như các DN. Tại Công ty TNHH Tương Lai (H.Long Thành, chuyên sản xuất sản phẩm cao su và nhựa kỹ thuật thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ) có 78 trong tổng số trên 140 lao động trong đơn vị hoạt động “3 tại chỗ”. Nhờ thực hiện nghiêm quy định 5K, cùng với việc giám sát kỹ quá trình luân chuyển hàng hóa nên mô hình “3 tại chỗ” vẫn duy trì được, tuy nhiên công suất nhà máy chỉ ở mức dưới 50%. Hơn nữa, duy trì phương án này làm gia tăng chi phí trong khi năng suất lao động giảm, công nhân thiếu an tâm khi phải cách ly dài ngày.
Ông Trương Quốc Cường, Giám đốc công ty cho hay, cùng với cả tỉnh, DN của ông đang từng bước hồi phục sản xuất nhưng trong điều kiện khó khăn chung vẫn rất trông chờ vào các gói hỗ trợ từ Chính phủ.
Với Công ty CP An Phú Thịnh (H.Long Thành) chuyên sản xuất quần áo bảo hộ lao động, găng tay xuất khẩu thì trong đợt dịch lần thứ 4, dù gặp nhiều khó khăn nhưng DN vẫn duy trì sản xuất “3 tại chỗ”. Lợi thế của DN là từ trước đó đã quan tâm xây dựng khu lưu trú cho người lao động trong khuôn viên công ty, nhờ vậy không bị xáo trộn quá nhiều. Tuy nhiên, ông Võ Thanh Tuấn, Giám đốc công ty cho hay, những tháng dịch bệnh, tiêu thụ sản phẩm của DN giảm sút do hàng loạt công ty trong nước phải tạm ngưng sản xuất. Từ đó kéo theo nhu cầu sử dụng găng tay lao động cũng ít đi.
Tương tự, một DN sản xuất trong ngành gỗ tại khu vực làng gỗ Tân Hòa (TP.Biên Hòa) cũng đã thông báo cho người lao động về việc chuẩn bị mở cửa trở lại. Trong những tháng qua, ngoài việc nỗ lực để duy trì phúc lợi cho người lao động khi công ty nằm trong vùng giãn cách, phong tỏa thì DN này cũng cố gắng đồng hành cùng địa phương để hỗ trợ người dân gặp khó khăn trên địa bàn.
* Lạc quan nhưng vẫn nhiều nỗi lo
Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê về triển vọng sản xuất, kinh doanh quý IV toàn quốc thì có 43,4% DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III; 26,3% DN dự báo khó khăn hơn và 30,3% cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ ổn định. Trong đó, khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài có đánh giá lạc quan nhất với 79,4% dự báo quý IV tốt và ổn định hơn so với quý III; tỷ lệ này ở khu vực DN ngoài nhà nước và DN nhà nước lần lượt là 71,8% và 68,8%...
Đối với cộng đồng DN, những vấn đề về nguồn vốn, đơn hàng, vận tải… đang là khó khăn vì sau nhiều tháng đóng băng, nguồn tiền đã cạn khi phải chi nhiều nhưng doanh thu, lợi nhuận không có. Đại diện một DN ngành chế biến hoa quả, nông sản cho rằng, đối với nhiều DN việc hồi phục sản xuất sẽ cần thời gian rất dài. Nguyên do là trong những tháng dịch bệnh, doanh thu rất ít, thậm chí không có nhưng chi phí vẫn phải giữ nguyên, nguồn tiền dữ trự trong những năm qua phải lấy ra để bù vào. DN phải nỗ lực lắm trong vài ba năm tới mới có thể hồi phục được những khoản này. Đó là chưa kể các mất mát khác như uy tín, đối tác… cũng rơi rụng một phần.
Bên cạnh các yếu tố nói trên còn có một nguy cơ khác là thiếu hụt lao động cho việc phục hồi sản xuất. Tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai những tháng qua đã có hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn người lao động buộc phải rời bỏ phố thị để quay trở lại quê vì nhiều tháng không có việc làm. Điều này trước mắt để lại gánh nặng an sinh xã hội, phòng, chống dịch cho nhiều tỉnh, thành nhưng về lâu dài thì đứt gãy nguồn cung lao động đang hiện hữu.
Ông VÕ THANH TUẤN, Giám đốc Công ty CP An Phú Thịnh, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai nhận xét, nguồn lao động đang là khó khăn lớn đặt ra cho DN của ông và các hội viên của Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai. Nguồn lao động đã rời công ty sẽ không sớm được bù đắp ngay được mà còn tùy thuộc vào diễn tiến trong thời gian tới, dự báo ngày càng khó khăn hơn. “Trong bối cảnh đó, các DN vừa phải lo giải quyết các khó khăn trước mắt, vừa phải tính toán đầu tư làm sao để hạn chế được việc sử dụng nhiều lao động trong nhà máy. Đầu tư cho công nghệ là bước đi nhưng nguồn lực DN đã suy giảm mạnh, hơn lúc nào hết, khi bình thường mới trở lại, DN rất cần các chính sách hỗ trợ” - ông Tuấn kỳ vọng. |
Vương Thế