Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu phát triển

11:10, 29/10/2021

Thời gian qua, nhiều ngành, lĩnh vực ở Đồng Nai đã có nhiều tiến bộ trong chuyển đổi số. Tuy nhiên, việc trang bị "kiến thức số", "kỹ năng số" cho người dân dường như chưa được chú trọng.

[links()]Trong thời gian qua, nhiều ngành, lĩnh vực ở Đồng Nai đã có nhiều tiến bộ trong chuyển đổi số. Tuy nhiên, việc trang bị “kiến thức số”, “kỹ năng số” cho người dân dường như chưa được chú trọng.

Sở TN-MT chú trọng đầu tư về công nghệ thông tin. Ảnh: T.Vi
Sở TN-MT chú trọng đầu tư về công nghệ thông tin. Ảnh: T.Vi

Vì thế, người dân khó có thể thích nghi và ứng xử phù hợp trên môi trường số.

* Những điểm sáng trong chuyển đổi số

Theo chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, có 8 ngành, lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số trước gồm: Y tế, Giáo dục, Tài chính - ngân hàng, Nông nghiệp, GT-VT và logistics, Năng lượng, TN-MT và Sản xuất công nghiệp. Đây là những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hằng ngày đến người dân.

Thực tế, những ngành, lĩnh vực này tại Đồng Nai trong những năm qua cũng đã có những chuyển biến lớn trong chuyển đổi số. Trong đó, ngành TN-MT được xem là một điểm sáng.

Hiện nay, Sở TN-MT có một trung tâm công nghệ với hệ thống điều hành và tích hợp dữ liệu được trang bị hiện đại; có trung tâm tích hợp dữ liệu dự phòng, đảm bảo dữ liệu an toàn tuyệt đối trong mọi trường hợp thảm họa xảy ra.

Với đội ngũ cán bộ, nhân viên có chuyên môn giỏi về công nghệ thông tin, Sở TN-MT đã tự thiết kế, phát triển và đưa vào sử dụng 9 phần mềm chuyên ngành. Trong đó, nổi bật nhất là phần mềm ứng dụng tra cứu nhanh thông tin đất đai tỉnh Đồng Nai (DNAI.LIS). Ứng dụng tích hợp ảnh vệ tinh, bản đồ tìm địa điểm và dẫn đường; có thể tra cứu thửa đất bằng mã vạch in trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; theo dõi kết quả giải quyết thủ tục hành chính, thông báo thuế (nếu có); thông tin, dữ liệu đất đai được cập nhật thường xuyên…

Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở TN-MT cho biết: “Hiện nay, cả nước có 3 ứng dụng tra cứu nhanh thông tin đất đai. Trong đó, chỉ có ứng dụng của Đồng Nai là do Sở tự phát triển và được đánh giá cao. Nhiều tỉnh, thành đã tìm hiểu và cũng có mong muốn được chuyển giao, tuy nhiên do vướng quy định nên Sở không thể chuyển giao được”.

Là lĩnh vực ưu tiên số 2 trong chương trình Chuyển đổi số quốc gia, trong 2 năm qua, cùng với cả nước, ngành Giáo dục Đồng Nai đã có bước tiến dài. Nhiều nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong chương trình Chuyển đổi số quốc gia đối với lĩnh vực giáo dục đã được triển khai thành công. Tất nhiên, đại dịch Covid-19 có sức tác động lớn đối với sự phát triển này.

Theo đó, ngành Giáo dục đã phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. 100% các cơ sở giáo dục triển khai dạy và học từ xa; trong giai đoạn hiện nay, 100% học sinh, sinh viên đều đang học trực tuyến. Tất nhiên, các giáo viên đều đã ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và sử dụng trong kiểm tra, đánh giá…

Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý trong ngành Giáo dục vẫn còn chậm. Ông Võ Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho hay: “Hiện nay, ngành Giáo dục mới chỉ có cơ sở dữ liệu đầu ra để quản lý, dữ liệu đầu vào không đầy đủ, còn rời rạc…”.

* Cần trang bị kiến thức về chuyển đổi số

Trong chuyển đổi số, không chỉ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp mà tất cả cá nhân trong xã hội đều góp phần tham gia. Tuy nhiên, trong khi khái niệm chuyển đổi số được nhắc đến khá thường xuyên thì việc trang bị kiến thức về chuyển đổi số dường như chưa được chú trọng. Không chỉ người dân mà ngay cả cán bộ, nhân viên làm trong hệ thống các cơ quan nhà nước cũng chưa thực sự hiểu về chuyển đổi số, thiếu các kiến thức, kỹ năng, thậm chí là văn hóa ứng xử trên môi trường số…

Những điều này được bộc lộ rất rõ nét trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra, khi đa phần người dân phải làm việc, học tập trên môi trường mạng. Một số clip về ứng xử thiếu tế nhị, thậm chí là phản giáo dục của giáo viên trong giờ dạy online được phát tán trên mạng xã hội trong thời gian qua là minh chứng rõ nét.

Bà Huỳnh Ngọc Kim Mai, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh cho rằng, Sở TT-TT với thế mạnh là đơn vị quản lý các cơ quan báo chí, truyền thông cần tăng cường chỉ đạo việc thông tin, tuyên truyền về chuyển đổi số, trong đó có văn hóa ứng xử trên môi trường mạng.

Tháng 9-2020, Bộ TT-TT đã cho ra mắt sách Cẩm nang chuyển đổi số. Cẩm nang gồm hơn 20 câu hỏi lớn và 100 câu hỏi nhỏ, tóm lược những điều quan trọng và thiết yếu của chuyển đổi số. Đây là tài liệu miễn phí dành cho mọi người và được cung cấp phiên bản điện tử tại địa chỉ: https://dx.mic.gov.vn.

Tường Vi

Tin xem nhiều