Dưới góc nhìn kinh tế, giới doanh nghiệp (DN) đang lo lắng trước nguy cơ một cuộc "khủng hoảng kép" đang dần hiển hiện khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng và "tấn công" vào nhiều nhà máy, trên phạm vi cả nước lẫn Đồng Nai.
Dưới góc nhìn kinh tế, giới doanh nghiệp (DN) đang lo lắng trước nguy cơ một cuộc “khủng hoảng kép” đang dần hiển hiện khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng và “tấn công” vào nhiều nhà máy, trên phạm vi cả nước lẫn Đồng Nai. Cuộc “khủng hoảng kép” mà DN lo lắng là vừa khủng hoảng vì dịch bệnh, vừa khủng hoảng về kinh tế mà một trong những dấu hiệu đầu tiên là nguy cơ lạm phát hiển hiện rõ, khi giá cả nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất thời gian qua tăng phi mã dưới sức ảnh hưởng ghê gớm của đại dịch toàn cầu.
Lãnh đạo một số DN có vị thế trong các ngành sản xuất giày dép, thực phẩm, vật liệu xây dựng… cho biết, nhiều loại nguyên liệu đầu vào đang tăng giá mạnh đã đành, nhưng không phải cứ có tiền là mua được, bởi nhiều chuỗi cung ứng đang có sự đứt gãy, tạo nên sự khan hiếm nguyên liệu đầu vào và điều này trở thành một áp lực rất lớn cho DN. Khan hiếm, chậm giao hàng, giá cao… khiến nhiều DN lao đao, khó chồng thêm khó giữa bộn bề những thách thức khác đến từ dịch bệnh.
Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2021, thống kê sơ bộ cho thấy giá các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp tiếp tục leo thang với mức tăng từ 30-80%, cá biệt có những mặt hàng tăng 100%, chẳng hạn như thép xây dựng. Những DN có nguồn vốn lớn thì cho biết, họ phải mua sẵn nguyên liệu tích trữ để duy trì hoạt động sản xuất trong 4-8 tháng, thay vì chỉ mua dự trữ từ 1-2 tháng như trước đây. Song không phải DN nào cũng làm được điều này vì nó đòi hỏi nhiều điều kiện: nguồn cung cấp, vốn liếng, kho bãi, đơn hàng… Do đó, hiện các DN nhỏ không xoay xở được nguồn vốn đủ lớn để dự trữ vật tư đầu vào đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, do có những đơn hàng đã chốt giá bán với khách trước khi nguyên liệu tăng giá, chưa kể còn khó khăn đến từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng ở từng thời điểm do dịch bệnh bùng lên như hiện nay.
Cách đây hơn 10 năm, giới DN Việt Nam cũng đã từng đối diện với cuộc khủng hoảng kinh tế đáng nhớ (giai đoạn 2009-2011) với mức lạm phát tăng phi mã và lãi suất ngân hàng cao ngất ngưởng. Nhiều DN phá sản, song thực sự nhìn lại thì cuộc khủng hoảng đó được đánh giá là “dễ thở” hơn so với tình thế hiện tại: vừa chống dịch, vừa lo bảo toàn sản xuất và DN phải chuẩn bị tinh thần cho cả khủng hoảng do dịch bệnh lẫn khủng hoảng kinh tế (có thể xảy ra như một hệ lụy từ cuộc khủng hoảng toàn cầu do dịch bệnh).
Khủng hoảng cách đây hơn 10 năm được Chính phủ trợ lực cho DN vượt qua bằng cách điều chỉnh các chính sách vĩ mô về tiền tệ, lãi suất, kích cầu, khuyến khích sản xuất… Song ở tình thế hiện tại, dù cũng nỗ lực để hỗ trợ DN, nhưng rõ ràng các nguồn lực ưu tiên phải dành cho công tác phòng, chống dịch bệnh - nguyên nhân của mọi khó khăn hiện tại.
Vì vậy, dù rất khó khăn, song sự chủ động của mỗi DN trong bối cảnh này đóng vai trò then chốt, từ chủ động nguồn nguyên liệu đến đảm bảo phòng dịch để chủ động nguồn lao động, năng động để vẫn bán được hàng (ít nhất đủ để duy trì), cắt giảm chi phí, tiết kiệm nguồn lực… Vì nói cho cùng, tất cả mọi khó khăn chỉ có thể được giải quyết một khi dịch bệnh tạm lùi.
Vi Lâm