Chuyển đổi số đang là cuộc "chạy đua" được nhiều doanh nghiệp (DN) quan tâm. Vì trong cuộc cạnh tranh để giữ và mở rộng thị trường, DN nào chuyển đổi số nhanh sẽ chiếm được nhiều lợi thế.
Chuyển đổi số đang là cuộc "chạy đua" được nhiều doanh nghiệp (DN) trên toàn thế giới quan tâm. Vì trong cuộc cạnh tranh để giữ và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, DN nào chuyển đổi số nhanh sẽ chiếm được nhiều lợi thế. Tại Đồng Nai, các DN sản xuất công nghiệp cũng ưu tiên chuyển đổi số.
Đồ họa thể hiện mục tiêu của Đồng Nai về phát triển kinh tế số đến năm 2025. (Thông tin: Khánh Minh - Đồ họa: Hải Quân) |
[links()]Từ năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hầu hết các DN trên thế giới, giao thương giữa các nước bị hạn chế, chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị đứt đoạn trong một thời gian. Để khơi thông chuỗi cung ứng toàn cầu, các DN tại Việt Nam và thế giới đã đầu tư, tập trung khai thác các lợi thế từ chuyển đổi số.
* Kết quả từ chuyển đổi số
Khoảng 4-5 năm trở lại đây, nhiều DN ở Việt Nam đã chuyển đổi số tương đối thành công, tạo ra các đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Thông qua đó, nhiều DN đã vươn lên khẳng định thương hiệu của mình, ký kết được các hợp đồng lớn để bán hàng hóa cho đối tác trong nước, nước ngoài, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu.
Chuyển đổi số cũng giúp nhiều DN Việt, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm bớt được áp lực thiếu lao động khi mở thêm các nhà máy, dây chuyền sản xuất. Đồng thời, sản phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại phần lớn đa dạng về mẫu mã và chất lượng đảm bảo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong nước và nước ngoài.
Trên thế giới, nhiều tập đoàn đa quốc gia chiếm lĩnh và làm chủ thị trường toàn cầu là nhờ tiên phong về công nghệ. Đơn cử như: các tập đoàn Amazon, Microsoft, Alphabet, Apple, Alibaba, Tencent, Samsung, Nestlé, Vodafone, Maersk, Facebook... |
Ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) cho biết: “Thaco đã tiến hành chuyển đổi số bắt đầu từ tự động hóa các dây chuyền sản xuất ở các nhà máy, rồi từng bước thay đổi quy trình, công nghệ, quản trị và đạt được những thành công đáng kể. Hiện nay, Thaco vẫn đang trong lộ trình chuyển đổi số ở cả 5 lĩnh vực đầu tư gồm: ô tô, nông nghiệp, xây dựng, logistics và thương mại dịch vụ”. Cũng theo ông Tài, DN muốn hàng hóa sản xuất ra bán được cho người tiêu dùng thì sản phẩm phải có chất lượng tốt, giá cạnh tranh, chuyển đổi số sẽ giúp DN đáp ứng các yêu cầu trên của khách hàng.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ Khí Duy Khanh kiêm Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí điện TP.HCM (HAMEE) cho hay: “Từ 5 năm trước, Công ty Duy Khanh đã thực hiện chuyển đổi số và trở thành DN tiên phong ở TP.HCM trên lĩnh vực này. Kết quả của chuyển đổi số giúp công ty tiết kiệm được nhiều chi phí trong quá trình sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh thông qua tự động hóa”. Ông Tống cũng cho rằng, từ khi thực hiện chuyển đổi số, khâu vận hành công ty, kết nối giao thương, giao dịch với khách hàng rất thuận lợi. Do đó, DN chuyển đổi số sớm sẽ tăng khả năng cạnh tranh, thu được nhiều lợi ích, nhất là khi hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng gắn chặt và phụ thuộc vào nền kinh tế số.
Công ty TNHH Bosch Việt Nam là doanh nghiệp công nghệ cao tham gia chuyển đổi số gặt hái nhiều thành quả Ảnh: HƯƠNG GIANG |
Ông Trần Duy Hy, Tổng giám đốc Công ty CP Sản xuất nhựa Duy Tân (TP.HCM) chia sẻ: “Nhựa Duy Tân phát triển tốt, trở thành một trong những thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam là do DN đã kịp thời ứng dụng công nghệ hiện đại và có lộ trình chuyển đổi số khá sớm và coi đây là đầu tư cần thiết trong chiến lược phát triển công ty”.
* Cần có lộ trình phù hợp
Theo một số chuyên gia kinh tế, muốn tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tiến đến nền sản xuất thông minh thì các DN phải chuyển đổi số. Quá trình thực hiện, DN cần khoảng thời gian dài và có lộ trình để triển khai từng bước. Vì chuyển đổi số đòi hỏi 3 yếu tố chính là thay đổi nhận thức từ người lao động đến lãnh đạo công ty và tất cả phải đồng lòng mới triển khai được; đào tạo nguồn nhân lực làm chủ được công nghệ; có nguồn vốn lớn để đầu tư máy móc thiết bị đồng bộ, hiện đại.
Ở Đồng Nai, nhiều DN tham gia vào nền kinh tế số mới ở giai đoạn đầu là đưa máy móc hiện đại vào sản xuất để giảm lao động, tăng công suất, chất lượng sản phẩm. Số DN ứng dụng số hóa và chuyển đổi số ở cấp độ cao còn ít, nhưng nhiều DN đã có kế hoạch để thực hiện từng bước, theo kịp nhu cầu phát triển của thế giới.
Ông Lê Trí Minh, Giám đốc Công ty TNHH Đại Á Thành kiêm Chi hội trưởng Chi hội DN công nghiệp hỗ trợ Đồng Nai nhận xét, các DN vừa và nhỏ tham gia vào chuyển đổi số rất khó khăn do thiếu vốn, nhân lực. Tuy nhiên, để sản phẩm làm ra có thể cung ứng cho các DN FDI tại Việt Nam, các DN Việt buộc phải đầu tư máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất, đây là bước đầu của quá trình chuyển đổi số. Quá trình này được DN lựa chọn các máy móc, thiết bị đồng bộ để sau này kết nối ứng dụng công nghệ 4.0 sẽ thuận lợi. Trong chi hội có hơn 30 DN trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, hàng hóa chủ yếu bán cho DN FDI tại Đồng Nai và các tỉnh, thành khác nhờ chịu đầu tư vào công nghệ. Những DN Việt không ứng dụng công nghệ hiện đại dễ bị thụt lùi, khó tìm được đầu ra cho sản phẩm ở cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.
Việt Nam tham gia vào hội nhập sâu để tạo thêm cơ hội cho DN có vốn đầu tư trong nước, DN FDI mở rộng sản xuất, xuất khẩu. Tuy nhiên, các DN có sản phẩm tiêu thụ ở thị trường nội địa cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của hàng hóa cùng loại từ nước ngoài tràn vào. Cuộc cạnh tranh giành thị phần ở sân chơi trong nước, quốc tế sẽ nghiêng về những DN có sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đa dạng, tiện lợi và giá cạnh tranh.
Ông Nguyễn Phước Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật tự động ETEC (DN hàng đầu trong lĩnh vực tự động hóa công nghiệp tại Việt Nam), Phó chủ tịch Hội Tự động hóa TP.HCM cho rằng, từ đầu năm 2020 đến nay, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp tăng cao dẫn đến DN gặp khó khăn. Bên cạnh đó, các DN sản xuất còn phải chịu thêm gánh nặng là giá thuê đất công nghiệp, chi phí thuê lao động tăng cao. Do đó, DN muốn tạo ra bứt phá trong sản xuất thì chuyển đổi số là giải pháp tối ưu nhất và coi giải pháp trên là đầu tư quan trọng và cần thiết. DN sản xuất thuê đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để hỗ trợ xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi số cho phù hợp và hiệu quả. Nguồn lực về tài chính, nhân lực trong các DN nhỏ, siêu nhỏ không đủ khả năng thực hiện quá trình số hóa, ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong sản xuất có thể liên kết với một số hiệp hội, DN FDI để được hỗ trợ. Vì đây là chương trình đang được nhiều hiệp hội, DN FDI hỗ trợ thực hiện nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN để cùng tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm.
Công ty TNHH Kỹ thuật tự động ETEC (TP.HCM), một trong những thương hiệu hàng đầu Việt Nam về thiết bị tự động hóa công nghiệp, giới thiệu sản phẩm robot. Ảnh: H.Giang |
Những năm gần đây, Chính phủ rất coi trọng việc chuyển đổi số, nhiều quy định, chính sách hỗ trợ đã được ban hành để hướng đến nền kinh tế số, giúp Việt Nam tiếp tục khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế.
Hương Giang