Báo Đồng Nai điện tử
En

Mục tiêu trong chuyển đổi số của Đồng Nai

11:05, 03/05/2021

Trong lộ trình chuyển đổi số của Đồng Nai sẽ dựa trên nền tảng sẵn có, tiếp tục đầu tư đồng bộ để đạt được kết quả cao nhất..

Trong lộ trình chuyển đổi số của Đồng Nai sẽ dựa trên nền tảng sẵn có, tiếp tục đầu tư đồng bộ để đạt được kết quả cao nhất. Tỉnh có kế hoạch cho tất cả các ngành, lĩnh vực và xác định người dân và doanh nghiệp (DN) là trung tâm của chuyển đổi số.

Một công ty sản xuất linh kiện máy móc trong Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất. Ảnh: K.Minh
Một công ty sản xuất linh kiện máy móc trong Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất. Ảnh: K.Minh

[links()]UBND tỉnh Đồng Nai có Quyết định số 5003/QĐ-UBND ngày 30-12-2020 phê duyệt chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh. Theo đó, tỉnh sẽ ứng dụng, phát triển các nền tảng số tạo cơ sở để các hệ thống, ứng dụng, dịch vụ thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tạo các hệ sinh thái chuyển đổi số.

* Hướng đến nền kinh tế số

Giai đoạn 5 năm tới (2021-2025), tỉnh sẽ tập trung xây dựng và khai thác hiệu quả các nền tảng thiết yếu cho phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Chiến lược phát triển chuyển đổi số gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, tỉnh sẽ phát huy tối đa năng lực, sức sáng tạo của mỗi tổ chức, cá nhân, xây dựng lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực theo đặc thù của Đồng Nai.  Phấn đấu đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GRDP.

Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% trong GRDP. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Đồng thời, 100% các đơn vị sự nghiệp công ứng dụng công nghệ thông tin trong giao tiếp với người dân, doanh nghiệp và áp dụng thanh toán trực tuyến.

Quá trình chuyển đổi số, người đứng đầu một cơ quan, đơn vị, DN đóng vai trò quan trọng nhất và quyết định sự thành công. Vì người đứng đầu có chú trọng, khai thác, sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý lĩnh vực thuộc đơn vị thì từ đó mới có chỉ đạo, ứng dụng toàn diện, chuyển đổi mô hình quản lý phù hợp với nền tảng công nghệ thông tin.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh, để tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, tỉnh phải phát triển kinh tế bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, hỗ trợ phát huy phong trào khởi nghiệp sáng tạo, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hướng đến nền kinh tế số.

Thời gian qua, tỉnh đã và đang thực hiện các bước trong chuyển đổi số ở hầu hết các các lĩnh vực từ quản lý nhà nước đến sản xuất, kinh doanh của các DN. Cụ thể, phía các sở, ngành, địa phương, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý giải quyết các thủ tục hành chính để đơn giản, rút ngắn thời gian, chi phí cho người dân, DN. Các thủ tục hành chính được công khai trên mạng để DN, người dân biết đăng ký, thực hiện. Nhiều lĩnh vực người dân, DN có thể đăng ký qua internet và nhận kết quả tại nhà. Các DN tại Đồng Nai cũng có kế hoạch chuyển đổi số bắt đầu từ việc chuyển đổi máy móc thiết bị hiện đại, tự động hóa nhiều khâu trong sản xuất, giảm sức lao động nhưng vẫn tăng được sản lượng hàng hóa, đảm bảo chất lượng.

* Những DN đi đầu trong chuyển đổi số

Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp, thu hút được nhiều tập đoàn đa quốc gia đến xây dựng nhà máy sản xuất như: Bosch, CP, Schaeffer Hyosung, Meggitt, Ajinomoto, Hansol Technics, Oji Paper, Intops, CJ, Fujitsu, Changshin... Các tập đoàn trên đều ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong sản xuất, kinh doanh đã góp phần thúc đẩy các DN khác đang cung ứng sản phẩm đầu vào cho mình cũng chuyển đổi sang công nghệ tiên tiến, bước vào giai đoạn đầu của chuyển đổi số. 

Tổng giám đốc Công ty TNHH Bosch Việt Nam Guru Mallikarjuna cho rằng, quá trình chuyển đổi số là rất cần thiết cho tất cả các DN không kể ngành nghề, quy mô, hình thái kinh doanh. Bosch định nghĩa chuyển đổi số là quá trình tích hợp các công nghệ số một cách toàn diện vào hoạt động kinh doanh nhằm thay đổi để làm mới, sáng tạo và định hình lại các hoạt động kinh doanh của mình cho phù hợp nhất với quá trình phát triển của thị trường. Bước đầu tiên của chuyển đổi số là cần xác định một tầm nhìn chung, một tầm nhìn có thể đủ sâu và mạnh để thúc đẩy quá trình phát triển.

Đồng Nai coi người dân và DN là trung tâm của chuyển đổi số nên ưu tiên thực hiện ở một số lĩnh vực có tác động lớn là dịch vụ công của Nhà nước, sản xuất công nghiệp, tài chính - ngân hàng, thương mại điện tử, y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường...

Theo ông Yu Hie Min, Tổng giám đốc Công ty TNHH Platel Vina thuộc Tập đoàn Intops (Hàn Quốc), công ty mới đầu tư khoảng 30 triệu USD để làm nhà xưởng sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Nhà máy sẽ được ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất để sản phẩm làm ra đạt yêu cầu của đối tác mua hàng là Tập đoàn Samsung.

Hiện nay, một số tập đoàn đa quốc gia đã đưa ra tiêu chí khi chọn DN cung ứng sản phẩm cho mình phải có nhà máy chuyển đổi số. Nhiều tập đoàn đa quốc gia khác tuy không đưa ra tiêu chí trên, nhưng chuyển đổi số ở các DN đối tác cũng là công cụ để họ tin tưởng đặt hàng nhiều hơn. Như vậy, DN muốn tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu khó có thể thiếu được cuộc chạy đua vào số hóa, tiến đến ứng dụng số hóa và bước cao nhất là chuyển đổi số.

Khánh Minh

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích