Trong 5 năm tới, Đồng Nai được đánh giá là nơi được nhiều tập đoàn có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chọn làm nơi đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư vào một số lĩnh vực như: công nghiệp, thương mại dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật...
Trong 5 năm tới, Đồng Nai được đánh giá là nơi được nhiều tập đoàn có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chọn làm nơi đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư vào một số lĩnh vực như: công nghiệp, thương mại dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật... Hiện nay, nhiều tập đoàn FDI đang đợi các khu công nghiệp (KCN) hoàn thành hạ tầng, các công trình hạ tầng giao thông khởi động, kết nối để xin cấp phép đầu tư các dự án.
Đồ họa thể hiện kết quả thu hút vốn FDI của tỉnh trong quý I-2021 và tổng vốn thu hút FDI của tỉnh tính đến cuối tháng 3-2021. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân) |
Theo Sở KH-ĐT, kế hoạch của tỉnh năm 2021 sẽ thu hút vốn đầu tư FDI khoảng 700 triệu USD. Tuy nhiên, gần 3 tháng đầu năm nay, tỉnh đã thu hút được xấp xỉ 320 triệu USD, đạt hơn 45,7% kế hoạch năm. Vừa qua, nhiều tập đoàn FDI lớn đến tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh với dự tính sẽ “rót” vốn lớn vào địa phương trong những năm tới.
* Ưu tiên hàng đầu vẫn là công nghiệp
Từ đầu năm 2021 đến nay, dù dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng nhiều tập đoàn FDI vẫn đến Đồng Nai tìm hiểu các chính sách và tham quan thực tế những khu vực có tiềm năng để đầu tư. Trong đó, công nghiệp là lĩnh vực được các doanh nghiệp (DN) FDI chú ý nhất. Vì theo các DN, trong 3-5 năm tới, nhiều tuyến giao thông quan trọng kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực Tây nguyên, Nam Trung bộ, Tây Nam bộ được hoàn thành và đưa vào khai thác, Đồng Nai sẽ trở thành trung tâm giao thông vùng. Do đó, đặt nhà máy sản xuất tại Đồng Nai rất thuận lợi cho công tác vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh, thành khác trong cả nước. Bên cạnh đó, trong những năm tới, vận tải hàng không, đường thủy, đường sắt tại Đồng Nai cũng sẽ phát triển mạnh, giúp cho thời gian, chi phí vận chuyển hàng hóa trong nước, xuất khẩu giảm nhiều.
Đến cuối tháng 3-2021, đã có 45 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai với gần 32 tỷ USD. Trong đó, có 7 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh trên 1 tỷ USD là Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, British Virgin Islands. |
Ông Watanabe Nobuhiro, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM nhận định: “Trong giai đoạn 5 năm tới, Đồng Nai tiếp tục là điểm đến của nhiều DN Nhật Bản trên lĩnh vực công nghiệp. Các DN Nhật Bản đang đợi dịch bệnh lắng xuống, việc đi lại thuận lợi sẽ đến tỉnh thuê đất trong các KCN để đầu tư nhà máy sản xuất, cung ứng cho các tập đoàn FDI tại Việt Nam và xuất khẩu”. Cũng theo ông Watanabe Nobuhiro, Đồng Nai nên sớm hoàn thành hạ tầng các KCN mở rộng hoặc KCN mới, có sẵn quỹ đất sạch để DN FDI có nhu cầu có thể thuê đất triển khai ngay dự án.
Ngoài Nhật Bản thì nhiều tập đoàn của Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, các nước châu Âu... cũng muốn đầu tư các nhà máy tại Đồng Nai.
Ông Lee Jeong Man, Trưởng đại diện Văn phòng đại diện tỉnh Gyeongnam (Hàn Quốc) tại TP.HCM cho biết: “Các DN Hàn Quốc cũng như tỉnh Gyeongnam dự tính sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư vào Đồng Nai trên nhiều lĩnh vực trong những năm tới. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp được DN Hàn Quốc đầu tư nhiều hơn, vì đầu tư vào tỉnh, DN dễ dàng kết nối cung ứng sản phẩm cho các DN FDI tại Đồng Nai cũng như cả nước. Thế mạnh trên lĩnh vực công nghiệp của Hàn Quốc là sản xuất các thiết bị điện tử, linh kiện, nguyên phụ liệu đầu vào cho dệt may, giày dép, linh kiện máy móc”.
Từ đầu năm đến nay, Hàn Quốc dẫn đầu trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh với tổng vốn đăng ký gần 150 triệu USD, chiếm trên 45% trong tổng vốn FDI Đồng Nai thu hút được.
Tuy nhiên, so với các tỉnh lân cận như: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu thì thu hút đầu tư FDI của tỉnh có dấu hiệu chậm lại. Theo các DN FDI, nguyên nhân chính là do các KCN của Đồng Nai diện tích đất còn ít, giá đất cho nhà đầu tư thứ cấp tăng cao, tỉnh sàng lọc kỹ và chỉ lựa chọn các dự án có công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao.
* Nhiều lĩnh vực vẫn mời gọi đầu tư
Hiện nay, Đồng Nai đang tiến hành chỉnh sửa, bổ sung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030 và trong đó sẽ đồng nhất các quy hoạch xây dựng và quy hoạch khác để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Tính đến nay, tỉnh đã được quy hoạch 39 KCN với gần 19 ngàn ha.
Đến thời điểm này, mới chỉ có 31 KCN hoàn thành hạ tầng và tỷ lệ đất cho thuê hơn 82%. Diện tích đất còn lại chưa cho thuê đa số vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng nên chưa xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật để cho DN thuê đất. Tỉnh dự tính sẽ triển khai nhanh việc đầu tư các KCN mới để có diện tích đất lớn cho các DN FDI thuê đất làm nhà máy sản xuất công nghiệp. Nếu các KCN sớm hoàn thành sẽ thu hút được nhiều tập đoàn FDI đầu tư vào. Các tập đoàn FDI vào tỉnh triển khai dự án đi vào khai thác sẽ đóng góp rất lớn cho thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho người lao động và thúc đẩy những lĩnh vực khác như: thương mại dịch vụ, logistics, du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản phát triển theo.
Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech thuộc Tập đoàn Vision ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 chuyên sản xuất các loại ắc quy, pin xuất khẩu. Trong ảnh: Công nhân trên chuyền sản xuất |
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết: “Trong giai đoạn 2021-2025, ngoài thu hút đầu tư FDI vào sản xuất công nghiệp, Đồng Nai mời gọi các tập đoàn FDI có kinh nghiệm, tài chính đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu sản phẩm nông sản, thực phẩm; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; logistics; thương mại dịch vụ; khu đô thị. Tỉnh sẽ dành sẵn quỹ đất và thống nhất các quy hoạch để DN FDI đầu tư vào tỉnh ở những lĩnh vực trên có thể thực hiện nhanh các dự án”.
Đồng Nai có lợi thế là đã thu hút FDI hơn 30 năm, nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới đã đầu tư vào tỉnh như: Hyosung, Formosa, CP, Amata, Forval, Sojitz, Ajinomoto, Fujitsu, Syngenta, CJ, Hansol Technics, Oji Paper, Intops, Schaeffler, Bosch, Vision Group... Hầu hết các tập đoàn trên sau một thời gian đầu tư vào tỉnh đều tăng vốn từ 1,5-4 lần so với ban đầu.
Ông Hanif Salim, Tổng lãnh sự Indonesia tại TP.HCM cho biết: “Đồng Nai là nơi có nhiều tiềm năng trên các lĩnh vực để đầu tư. Tới đây, tôi sẽ giới thiệu cho các DN Indonesia đến Đồng Nai đầu tư vào những lĩnh vực tỉnh đang mời gọi đầu tư”.
Vừa qua, Tập đoàn LG (Hàn Quốc) đã đến tìm hiểu môi trường đầu tư của Đồng Nai với mong muốn sẽ liên kết, hỗ trợ, đầu tư các hạng mục liên quan đến chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh. Theo đại diện của Tập đoàn LG, hiện LG đang liên kết với một số tập đoàn lớn trên thế giới sản xuất, cung ứng sản phẩm công nghệ 4.0 cho thành phố thông minh ở nhiều quốc gia. Tỉnh đang triển khai thành phố thông minh, LG muốn tham gia một số hạng mục về KCN thông minh, giao thông thông minh, nhà máy thông minh, logistics thông minh... Năm 2020, Tập đoàn Amata (Thái Lan) đã đề xuất chuyển 2 dự án khu đô thị tại H.Long Thành sang triển khai thành phố thông minh và nguồn vốn đầu tư sẽ tăng cao hơn nhiều so với dự tính ban đầu.
Kế hoạch của tỉnh giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân hằng năm trên 8,5%, duy trì tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ trong GRDP trên 90%. Mục tiêu nâng thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2025 đạt trên 8 ngàn USD. Để đạt được kết quả trên, Đồng Nai dự tính huy động nguồn vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm tới là hơn 500 ngàn tỷ đồng. Riêng dòng vốn FDI khả năng thu hút 6-8 tỷ USD.
Hương Giang