Đến đầu năm 2021, Đồng Nai có gần 3,8 triệu thuê bao điện thoại các loại, bao gồm thuê bao di động và thuê bao internet. Doanh số của các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) đạt trên 5,3 ngàn tỷ đồng...
Đến đầu năm 2021, Đồng Nai có gần 3,8 triệu thuê bao điện thoại các loại, bao gồm thuê bao di động và thuê bao internet. Doanh số của các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) đạt trên 5,3 ngàn tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách nhà nước 200 tỷ đồng/năm.
Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính của tỉnh. Ảnh: C.NGHĨA |
Giám đốc Sở TT-TT Lê Hoàng Ngọc chia sẻ: “Ngành đang đối mặt với nhiều vấn đề lớn, nhất là những nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin. Điều này đặt ra nhiệm vụ phải tăng cường hơn nữa công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông suốt trong tình hình mới khi Việt Nam thực hiện chiến lược xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia”.
* Những bước phát triển mới
Theo lãnh đạo Sở TT-TT, đến nay toàn tỉnh có trên 300 DN hoạt động trên lĩnh vực bưu chính, viễn thông và CNTT. Trong số này có 7 DN viễn thông đang hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, truy cập internet cố định và 22 DN bưu chính. Các DN bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh không ngừng đầu tư phát triển mạng lưới rộng khắp tới địa bàn vùng sâu, vùng xa, đáp ứng đầy đủ các loại hình dịch vụ phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Trong phát triển hạ tầng viễn thông, CNTT, các DN viễn thông tại Đồng Nai đã phát triển được 3.170 trạm phát sóng thông tin di động BTS, triển khai 100% hạ tầng cáp quang đến các trung tâm xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Nhờ hệ thống trạm thu phát sóng được trải rộng, hệ thống cáp quang vươn đến mọi nơi, từ đó việc kết nối của các cơ quan, đơn vị và các hộ gia đình ngày càng thuận lợi hơn. |
Thành tựu lớn của tỉnh về ứng dụng CNTT là đến nay đã vận hành chính thức Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh giai đoạn 2, mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được triển khai kết nối từ tỉnh đến 100% UBND các huyện, các phòng, ban chuyên môn cấp huyện. Đến nay, có 100% cơ quan nhà nước đã có hệ thống mạng nội bộ, từ đó giúp cho việc trao đổi hoạt động giữa các cấp, các ngành và địa phương được nhanh chóng. Tỉnh đã hoàn thành kết nối liên thông gửi nhận văn bản điện tử giữa Văn phòng UBND tỉnh với Văn phòng Chính phủ thông qua trục liên thông quốc gia, hoàn thành việc tích hợp chữ ký số chuyên dùng trên phần mềm quản lý văn bản và thực hiện ký số được trên các thiết bị di động.
Không chỉ là kết nối liên thông nhận và gửi văn bản, thực hiện chữ ký số chuyên dùng, tại Đồng Nai, nhiều cuộc họp của UBND tỉnh với các địa phương, sở, ngành đã được triển khai bằng hình thức trực tuyến, tiết kiệm được khá nhiều thời gian và chi phí so với các hình thức họp truyền thống. Hình thức họp trực tuyến đã thực sự phát huy hiệu quả trong hơn 1 năm “sống chung” với dịch bệnh Covid-19… Đơn vị điển hình trong việc ứng dụng CNTT viễn thông là UBND TP.Biên Hòa. Đến nay, với hệ thống họp trực tuyến, thành phố có thể họp với lãnh đạo các phường, xã vào bất cứ lúc nào, chỉ với một thông báo nhanh.
Còn tại Sở GD-ĐT, Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ cho biết: “Nhờ đề án Trường học tiên tiến hiện đại mà việc ứng dụng CNTT trong ngành ngày càng hiệu quả. Cụ thể là trong năm học 2020-2021, ngành đã thực hiện dạy và học trực tuyến trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19. Ngoài ra còn phải kể đến là những buổi họp trực tuyến giữa lãnh đạo Sở với 11 phòng GD-ĐT và các trường THPT trực thuộc. Từ hiệu quả mang lại, Sở GD-ĐT đang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đầu tư trên diện rộng cho đề án Trường học tiên tiến hiện đại”.
* Gia tăng tội phạm mạng
Trong những năm qua, lĩnh vực viễn thông, CNTT có sự tiến bộ vượt bậc, đã và đang giữ vai trò quan trọng trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, lãnh đạo Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh cho biết, lợi dụng sự phát triển của mạng viễn thông, nhất là internet, các thế lực thù địch trong và ngoài nước, các loại tội phạm ngày càng có chiều hướng gia tăng. Một trong những hoạt động rõ nhất là hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”. Các thế lực thù địch không ngừng sử dụng các biện pháp tấn công làm chuyển biến về chính trị tư tưởng, kích động, chia rẽ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với đất nước.
Trung tâm Điều hành thông minh của TP.Biên Hòa với trang thiết bị công nghệ thông tin hiện đại đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm. Ảnh: CÔNG NGHĨA |
Thượng tá Hoàng Cao Thắng, Phó trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh cho biết, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng CNTT và thực tế công tác, phục vụ cho việc lãnh đạo, chỉ huy và điều hành sản xuất kinh doanh… Tuy nhiên, nhận thức về nguy cơ mất an ninh thông tin và thiệt hại khi xảy ra sự cố mạng của nhiều cơ quan, tổ chức và DN còn nhiều hạn chế. Còn một số cơ quan, DN sử dụng trang thiết bị CNTT chưa đúng quy định như: nối mạng nội bộ, mạng máy tính sử dụng đường truyền số liệu chuyên dùng với internet; sử dụng máy tính kết nối internet để soạn thảo, lưu trữ tài liệu mật đã vô tình làm lộ, lọt các dữ liệu lưu trữ, tài liệu mật…
Cũng liên quan đến tội phạm hoạt động trên môi trường internet, lợi dụng internet, các nhóm tin tặc nước ngoài thường xuyên thực hiện các hoạt động tấn công vào hệ thống thông tin nhằm chiếm đoạt thông tin, tài liệu hoặc tấn công phá hoại, kiểm soát hệ thống dữ liệu máy tính thông qua các chiến dịch phát tán mã độc. Ngoài ra, lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các cơ quan, DN, tổ chức, cá nhân đã thực hiện chuyển đổi nhiều hoạt động sang môi trường mạng, sử dụng các ứng dụng online để chia sẻ tài liệu thuyết trình, lên lịch họp, học tập trực tuyến. Các tin tặc triệt để tấn công vào các lỗ hổng trên các ứng dụng trực tuyến để đánh cắp thông tin người dùng, chèn liên kết, tạo các ứng dụng giả mạo nhằm phát tán mã độc…
Lãnh đạo Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh cảnh báo, một trong những loại tội phạm hoạt động trên internet phổ biến và được nhiều người biết đến hiện nay, đó chính là tình hình tội phạm sử dụng internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm nhục người khác có xu hướng gia tăng. Tội phạm đang sử dụng các ứng dụng phổ biến có nhiều người dùng để tiến hành các hành vi phạm tội, như dùng như Zalo, Facebook làm quen, kết bạn với nạn nhân và đặt vấn đề chuyển tiền USD về Việt Nam để đầu tư, nhưng yêu cầu nạn nhân phải chuyển tiền nộp lệ phí và đóng phạt. Bên cạnh đó, bọn tội phạm còn thông qua mạng xã hội nhắn tin đến các tài khoản Zalo, Facebook của người dùng với nội dung đã trúng thưởng và yêu cầu người trúng thưởng nộp phí để nhận thưởng.
* Quyết liệt tấn công tội phạm mạng
Thực hiện chương trình phối hợp giữa Công an tỉnh và Sở TT-TT, từ năm 2019 đến nay, Công an tỉnh đã tiếp nhận 40 đơn tố giác tội phạm liên quan đến tội phạm sử dụng internet, viễn thông làm phương thức hoạt động. Công an tỉnh đã quyết liệt điều tra, xác minh và khởi tố 17 vụ án có dấu hiệu tội phạm, đồng thời phối hợp xác minh 21 đối tượng có hành vi mua bán các loại hóa chất tiền chất nổ trên không gian mạng. Các phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh đã gọi hỏi, đấu tranh với 13 đối tượng...
Cán bộ Sở TT-TT kiểm tra vận hành tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh |
Công an tỉnh phối hợp với Sở TT-TT tổ chức kiểm tra về các lĩnh vực internet, thông tin điện tử đối với 32 lượt tổ chức, cá nhân (29 đại lý internet, trò chơi điện tử công cộng, 3 tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin trên mạng). Các ngành chức năng của tỉnh còn ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính 7 tổ chức, cá nhân, đình chỉ hoạt động từ 1-2 tháng đối với nhiều đại lý internet, trò chơi điện tử công cộng, đồng thời nhắc nhở, hướng dẫn và yêu cầu các tổ chức, cá nhân có thiếu sót, sai phạm có biện pháp khắc phục, xử lý…
Theo lãnh đạo Công an tỉnh và Sở TT-TT, từ khi dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đến nay, 2 đơn vị đã theo dõi, nắm tình hình và xử lý nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook tung tin thất thiệt về diễn biến của dịch bệnh, gây hoang mang dư luận. Qua việc theo dõi và xử lý nghiêm các đối tượng đã góp phần ổn định tâm lý người dân, góp phần tích cực vào kết quả phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh và cả nước.
Còn theo lãnh đạo Công an TP.Biên Hòa, chỉ tính riêng các điểm dịch vụ truy cập internet công cộng, toàn thành phố đã có hơn 600 điểm với hàng chục ngàn máy. Trong thời gian qua, Công an thành phố thường xuyên nắm bắt diễn biến tình hình trên không gian mạng, qua đó đã phát hiện được 8 đối tượng chia sẻ và phát tán những nội dung xuyên tạc sai sự thật về tình hình đất nước. Công an TP.Biên Hòa còn mời làm việc để làm rõ hành vi phát tán thông tin không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận và xử phạt một số đối tượng tung tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh Covid-19 với số tiền trên 12 triệu đồng, đồng thời yêu cầu cam kết không tái phạm.
Công Nghĩa