Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng cường kiểm tra cơ sở đào tạo liên kết

08:04, 07/04/2021

Liên kết đào tạo là mô hình giáo dục nhằm tạo cơ hội học tập cho toàn xã hội được nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam triển khai từ nhiều năm nay. Nhờ mô hình này, nhiều người có điều kiện học tập nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu công việc, nhất là với những người ở vùng sâu, vùng xa, trước đó vì nhiều lý do chưa có cơ hội học tập đúng ngành nghề yêu thích.

Liên kết đào tạo là mô hình giáo dục nhằm tạo cơ hội học tập cho toàn xã hội được nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam triển khai từ nhiều năm nay. Nhờ mô hình này, nhiều người có điều kiện học tập nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu công việc, nhất là với những người ở vùng sâu, vùng xa, trước đó vì nhiều lý do chưa có cơ hội học tập đúng ngành nghề yêu thích.

Liên kết đào tạo được tổ chức theo 2 hình thức. Thứ nhất là liên kết phối hợp đào tạo, trong đó cơ sở giáo dục phối hợp đào tạo tham gia giảng dạy một phần chương trình đào tạo, phối hợp quản lý quá trình đào tạo và đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện liên kết đào tạo. Thứ hai là liên kết đặt lớp đào tạo. Cơ sở giáo dục đặt lớp đào tạo không tham gia giảng dạy, chỉ phối hợp quản lý và đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện liên kết đào tạo.

Hiện cả 2 hình thức này được nhiều cơ sở giáo dục trong cả nước áp dụng. Thậm chí, không ít trường trung cấp nghề dù không đủ điều kiện về cơ sở vật chất vẫn tổ chức liên kết với các trường đại học để liên thông đào tạo. Đây được xem là nguồn thu chính của các trường nghề, nhất là trong bối cảnh hệ trung cấp đang có ít người học và việc học lên đại học là xu thế chung của nhiều người nhằm chuẩn hóa bằng cấp, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công việc.

Thông tư 07/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành năm 2017 quy định về liên kết đào tạo trình độ đại học đã nêu rõ, cơ sở đào tạo muốn thực hiện liên kết đào tạo phải thẩm định các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo tại cơ sở giáo dục phối hợp đào tạo, cơ sở giáo dục đặt lớp đào tạo. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo phải thực hiện các quy định về báo cáo định kỳ, đồng thời chịu trách nhiệm giải trình với cơ quan có thẩm quyền và với xã hội khi được yêu cầu.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc liên kết đào tạo để lộ ra một số hạn chế như: các cơ sở giáo dục đại học còn thiếu kinh nghiệm trong quản lý hoạt động, chưa bám sát các quy định khi triển khai thực hiện liên kết đào tạo, chưa chủ động trong công tác tự thanh tra, kiểm tra để phát hiện và kịp thời chấn chỉnh hoạt động liên kết đào tạo dẫn đến chất lượng đào tạo còn chưa thực sự như mong muốn. Trong khi đó, cơ sở đặt lớp đào tạo lại thiếu các điều kiện về cơ sở vật chất, còn dễ dãi trong quản lý sinh viên…

Chính vì vậy, đã và đang xảy ra nhiều bất cập trong việc thực hiện liên kết đào tạo. Đáng lo nhất là chất lượng từ hình thức đào tạo này chưa cao. Không ít cơ sở đào tạo vì chạy theo lợi nhuận, sẵn sàng “vơ bèo vạt tép”, việc đăng ký học chương trình liên thông, liên kết trúng tuyển dễ dàng; chương trình học thiếu sự kiểm tra, giám sát, dẫn đến bị cắt xén không đảm bảo nội dung, yêu cầu đề ra…

Trước thực trạng này, ngành chức năng cần phải tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo thực hiện liên kết đào tạo; đồng thời, xử lý nghiêm các cơ sở đào tạo chưa đáp ứng các yêu cầu theo các quy định hiện hành về liên kết đào tạo hoặc có vi phạm trong quá trình thực hiện. Có như thế, mô hình liên kết đào tạo mới phát huy được hiệu quả, thực sự trở thành một hình thức đào tạo hữu ích, có chất lượng.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều