Đồng Nai đang trở thành tâm điểm thu hút các nhà đầu tư về lĩnh vực du lịch, dịch vụ… dựa trên những tiềm năng tại chỗ, cũng như khả năng thu hút khách tại các thị trường lân cận thuộc khu vực miền Nam và cả nước...
Đồng Nai đang trở thành tâm điểm thu hút các nhà đầu tư về lĩnh vực du lịch, dịch vụ… dựa trên những tiềm năng tại chỗ (điểm đến, thị trường khách du lịch…) cũng như khả năng thu hút khách tại các thị trường lân cận thuộc khu vực miền Nam và cả nước.
Đồ họa thể hiện một số mục tiêu của ngành Du lịch Đồng Nai trong giai đoạn 2021-2025 (Thông tin: Ngọc Liên - Đồ họa: Hải Quân) |
Với những lợi thế trên, trong kế hoạch phát triển du lịch Đồng Nai năm 2021, UBND tỉnh đã xác định du lịch Đồng Nai sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển du lịch hướng đến phát triển bền vững.
* Nâng cao nội lực
Du lịch sinh thái cho đến nay vẫn đang là mục tiêu, hướng đi mà du lịch Đồng Nai chọn lựa. Cơ sở để Đồng Nai nhất quán với mục tiêu phát triển du lịch sinh thái trở thành đặc trưng là bởi, Đồng Nai đang sở hữu nguồn tài nguyên rừng phong phú với hàng trăm ngàn ha. Những địa danh du lịch sinh thái rừng đã tạo nên thương hiệu riêng cho Đồng Nai những năm qua như: Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, rừng Thác Mai - bàu nước sôi, núi Chứa Chan… mỗi năm thu hút hàng trăm ngàn lượt khách.
Theo đánh giá của Sở VH-TTDL, so với thị trường khách trong những năm trước đây của du lịch Đồng Nai chủ yếu là vài tỉnh, thành lân cận trong vùng Đông Nam bộ như: TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng tàu và khách nội tỉnh, thì nay thị trường khách được mở rộng hơn như đến các tỉnh Bình Phước, Bình Thuận và một số tỉnh miền Tây. Đối với khách quốc tế, chủ yếu đến từ các nước như: Pháp, Đức, Mỹ, Anh, Australia, Hà Lan… và các chuyên gia nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam (Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản…) tập trung tham quan phần lớn tại Vườn quốc gia Cát Tiên và tham gia loại hình du lịch golf. |
Cùng với du lịch sinh thái rừng, Đồng Nai cũng đang có chiến lược phát triển du lịch cộng đồng, nông thôn song song với thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các địa phương. Theo đánh giá của lãnh đạo Sở VH-TTDL, những vùng du lịch nông thôn đang định hình tên tuổi trên thị trường du lịch trong những năm gần đây, có thể kể đến mô hình du lịch sinh thái vườn tại TP.Long Khánh trải đều ở các địa phương đã hoàn thành xây dựng NTM nâng cao, khu dân cư kiểu mẫu như: Bình Lộc, Bảo Quang, Hàng Gòn… Hay như du lịch miệt vườn tại làng bưởi Tân Triều, cam quýt Hiếu Liêm; đặc sản chuối sấy núi Chứa Chan; đặc sản hồ Trị An… Đặc biệt, kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành của Đồng Nai còn không ngừng tạo ra những sản phẩm du lịch trải nghiệm, chăm sóc sức khỏe được đánh giá có chất lượng cao, độc đáo, thu hút du khách như du lịch thiền, yoga kết hợp trị liệu âm thanh tại Nam Cát Tiên (H.Tân Phú); các tour du lịch khám phá rừng, hồ, văn hóa làng quê Việt… góp phần nâng giá trị cho ngành Du lịch địa phương.
Không chỉ đa dạng về các sản phẩm du lịch, tại các khu, điểm đến du lịch hiện nay còn khai thác tốt các dịch vụ đi kèm, vừa đáp ứng nhu cầu của du khách, vừa tăng doanh thu cho ngành Dịch vụ du lịch bằng những gian hàng ẩm thực, gian hàng trưng bày sản phẩm. Và mới đây, Đồng Nai bắt đầu triển khai đưa sản phẩm nông nghiệp trở thành những món hàng có thể bày bán tại các khu du lịch. Là một trong 2 điểm du lịch đầu tiên đặt gian hàng sản phẩm chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh, ông Trần Đăng Ninh, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Bửu Long (Khu du lịch Bửu Long) chia sẻ, với mong muốn mang thông điệp quảng bá, đưa sản phẩm sạch của địa phương đến với người tiêu dùng cũng như hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm của mình, Khu du lịch Bửu Long sẵn sàng là cánh tay nối dài, hỗ trợ nông dân, trở thành kênh tiêu thụ các sản phẩm OCOP.
* Liên kết, quảng bá thương hiệu du lịch địa phương
Là ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, có những thời điểm du lịch hoàn toàn “đóng băng” trong một thời gian. Điều này đã khiến ngành Du lịch, bao gồm cả các điểm đến cũng như các công ty lữ hành lao đao. Để ngành Du lịch có thể đứng vững trước "sóng gió", UBND tỉnh đã đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch, liên kết tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh để đạt được mục tiêu với các giải pháp gắn hoạt động du lịch với các giá trị di tích, văn hóa địa phương. Đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tổ chức các sản phẩm, dịch vụ mới.
Chèo thuyền trên hồ Trị An. Ảnh:L. Văn |
Là doanh nghiệp có thế mạnh tổ chức các tour du lịch, dã ngoại cho đối tượng học sinh, sinh viên, thời gian qua, ngay sau khi dịch Covid-19 tạm lắng, Công ty TNHH MTV Vận chuyển và du lịch Thái Loan (TP.Biên Hòa) liền bắt tay tạo ra những sản phẩm, sân chơi cho học sinh bằng các hoạt động ngoại khóa. Bà Nguyễn Thái Tường Vân, Giám đốc doanh nghiệp cho biết, Thái Loan đã liên kết với một số điểm, khu du lịch nội tỉnh để tổ chức các hoạt động dã ngoại, học tập cho học sinh. Là người từng chủ động liên kết các doanh nghiệp, bà Vân cho rằng, trong bối cảnh này, nếu các doanh nghiệp có sự liên kết cùng nhau hỗ trợ, phát triển thì khó khăn sẽ qua nhanh hơn. Doanh nghiệp thuận lợi hơn trong kinh doanh.
Bà Nguyễn Thị Mộng Bình, Phó giám đốc Sở VH-TTDL cho biết, hằng năm, du lịch Đồng Nai luôn tổ chức các hoạt động liên kết giữa các doanh nghiệp, giữa Đồng Nai và các địa phương khác… Trong năm 2021, Đồng Nai sẽ tổ chức cùng các doanh nghiệp của tỉnh khảo sát một số tuyến du lịch của tỉnh Lâm Đồng và tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch trong cả nước để quảng bá hình ảnh du lịch địa phương. Đối với du lịch nội tỉnh, ngoài nâng chất các sản phẩm du lịch sẵn có, Đồng Nai tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư mở rộng và nâng cấp các loại hình vui chơi giải trí, các mô hình trò chơi mới tại các khu, điểm du lịch hiện hữu. Đồng thời thúc đẩy, tạo điều kiện để doanh nghiệp đẩy nhanh đầu tư phát triển tuyến du lịch đường sông, các tuyến du lịch rừng...
Theo kế hoạch phát triển du lịch của UBND tỉnh năm 2021, du lịch Đồng Nai phấn đấu đón khoảng 2,3 triệu lượt khách tham quan và lưu trú du lịch, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, khách nội địa đạt khoảng 2,25 triệu lượt; khách quốc tế khoảng 50 ngàn lượt; doanh thu dịch vụ du lịch đạt 1.150 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020. Đến hết quý I-2021, tổng lượt khách đến tham quan và lưu trú ước đạt 550 ngàn lượt (trong đó 4,8 ngàn lượt khách quốc tế là những chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam), giảm 41,4% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu dịch vụ du lịch đạt 246 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ. |
Ngọc Liên