Cho thuê môi trường rừng để làm du lịch và các dịch vụ khác là cách để phát huy hiệu quả đất rừng, phát triển du lịch sinh thái và tăng nguồn thu cho ngân sách.
Tại cuộc họp về gỡ vướng cho thuê môi trường rừng (MTR) mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, chủ rừng góp ý cho Sở NN-PTNT hoàn thiện hồ sơ đề án cho thuê MTR tham mưu tỉnh phê duyệt. Đây sẽ là cơ sở, là hồ sơ mẫu cho các dự án cho thuê môi trường sau này.
Du lịch tự phát trên sông thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành. Ảnh: Ban Mai |
* Phát huy giá trị của rừng
Cho thuê MTR để làm du lịch và các dịch vụ khác là cách để phát huy hiệu quả đất rừng, phát triển du lịch sinh thái và tăng nguồn thu cho ngân sách.
Luật Lâm nghiệp năm 2017 nêu rõ, các đơn vị chủ rừng được cho thuê MTR; hợp tác, liên doanh với nhà đầu tư kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo phương án quản lý rừng bền vững được cơ quan thẩm quyền nhà nước phê duyệt. Giá cho thuê MTR do các bên tự thỏa thuận nhưng không thấp hơn 1% tổng doanh thu thực hiện trong năm của bên thuê. Đơn vị thuê MTR phải lập dự án đầu tư, quá trình khai thác không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường và chức năng của khu rừng.
Trên thực tế, nhiều tỉnh, thành như: Quảng Bình, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng và một số tỉnh miền núi phía Bắc đã ban hành đề án và cho tư nhân thuê MTR để kinh doanh dịch vụ, du lịch. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu tạo đột phá trong phát triển du lịch, trong đó có du lịch sông, rừng, du lịch tâm linh.
Phó giám đốc Khu Bảo tồn TN-VH Đồng Nai, Giám đốc Trung tâm Văn hóa sinh thái lịch sử Chiến khu Đ Đinh Thị Lan Hương cho rằng, việc ban hành đề án cho thuê MTR và phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững sẽ tạo điều kiện cho các chủ rừng kêu gọi nhà đầu tư. Khi có nhiều đơn vị tư nhân cùng đầu tư dự án, hoạt động du lịch sinh thái rừng của Khu Bảo tồn TN-VH Đồng Nai sẽ phát triển. Một bộ phận người dân địa phương sẽ có việc làm tại chỗ, chuyển sang sản xuất và kinh doanh sản phẩm phục vụ du lịch. Ngoài ra, cho thuê MTR sẽ phát huy được hiệu quả đất rừng, có thêm nguồn kinh phí tái phục vụ cho bảo vệ rừng.
Ông Nguyễn Nho Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Meerkat Travel cho rằng, du lịch khám phá hiện nay đang rất thu hút giới trẻ, dân phượt. Tuy nhiên, du khách đến với Đồng Nai thường về luôn trong ngày vì các dịch vụ ẩm thực, nghỉ dưỡng chưa thực sự phát triển. Do đó, nếu cho tư nhân khai thác các khu đất ven rừng làm khu nghỉ dưỡng, khu kinh doanh dịch vụ ăn uống và trò chơi giải trí sẽ phát huy được hiệu quả du lịch rừng.
* Gỡ vướng thủ tục cho nhà đầu tư
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, Đồng Nai có nhiều lợi thế để phát triển du lịch rừng. Rất nhiều tuyến, điểm du lịch được hình thành, nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và đăng ký thực hiện dự án nhưng du lịch Đồng Nai vẫn chưa phát triển. Người Đồng Nai chưa ưu tiên chọn đi du lịch ở Đồng Nai.
Liên quan đến cho thuê MTR, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, các đơn vị chủ rừng có lợi thế về địa bàn, quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học nhưng không có chuyên môn trong quản lý và khai thác dịch vụ, vốn đầu tư cũng còn hạn chế. Do đó, phương án cho thuê hoặc liên doanh, liên kết cho thuê MTR sẽ phát huy hiệu quả, giá trị của rừng.
Do đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi yêu cầu các sở, ban, ngành, chủ rừng, đặc biệt là 2 Sở KH-ĐT, NN-PTNT phải nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật, thông tư hướng dẫn, soạn thảo văn bản hướng dẫn quy trình, thủ tục cho nhà đầu tư. Quan điểm của tỉnh là tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu thuê MTR, nhưng thủ tục phải chặt chẽ. Dự án cho thuê phải phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững và đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của đơn vị chủ rừng đã được phê duyệt. Ưu tiên bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, quảng bá tài nguyên và phát triển du lịch Đồng Nai.
Phó giám đốc Sở NN-PTNN Lê Văn Gọi cho rằng, việc kêu gọi các dự án cho thuê MTR là đúng đắn và cần thiết để thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” vốn chưa phát triển ở Đồng Nai. Tuy nhiên, nếu không làm kỹ từ đầu, sau này các dự án nhiều sẽ nảy sinh các khó khăn cho chủ rừng lẫn chủ đầu tư dự án. Đơn cử như việc tính toán doanh thu và chia lợi nhuận hằng năm; khoanh định khu vực khai thác dịch vụ như thế nào để lực lượng kiểm lâm thuận lợi kiểm kê tài sản, thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng hằng năm.
Một số sở, ngành cũng có ý kiến cho rằng, đề án cho thuê MTR phải chặt chẽ, chi tiết, tránh tình trạng gom đất rừng làm dự án, tập trung vào mục tiêu thương mại và lợi nhuận hơn là giữ gìn và phát triền tài nguyên rừng.
Ban Mai