Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải ngân vốn đầu tư công: Vẫn "đủng đỉnh" vào đầu năm

04:04, 07/04/2021

Thực trạng "đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng" trong việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công có nguy cơ tái lập cao khi hết quý I-2021, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn vẫn đạt thấp, chưa đáp ứng được kỳ vọng đặt ra.

Thực trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng” trong việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công có nguy cơ tái lập cao khi hết quý I-2021, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn vẫn đạt thấp, chưa đáp ứng được kỳ vọng đặt ra.

Đồ họa thể hiện kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh tính đến ngày 26-3-2021  (Thông tin: Phạm Tùng - Đồ họa: Hải Quân). Thi công các công trình hạ tầng tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách trung ương.Ảnh: P.TÙNG
Đồ họa thể hiện kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh tính đến ngày 26-3-2021 (Thông tin: Phạm Tùng - Đồ họa: Hải Quân).

* Tái lập kịch bản “mùa khô lập hồ sơ, mùa mưa khởi công”

Năm 2021, tổng nguồn vốn đầu tư công toàn tỉnh được bố trí hơn 14,2 ngàn tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương hơn 9 ngàn tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương hơn 5,1 ngàn tỷ đồng và nguồn bội chi ngân sách địa phương 5,4 tỷ đồng.

Theo Sở KH-ĐT, tính đến ngày 26-3, Đồng Nai đã thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công hơn 1,5 ngàn tỷ đồng, đạt gần 11% kế hoạch. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương được giải ngân hơn 775 tỷ đồng, đạt hơn 15%. Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương giải ngân hơn 773 tỷ đồng, đạt hơn 8,5%.

Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà, để làm rõ nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công bị chậm thì cần phải xem xét lại một nội dung quan trọng là việc xây dựng kế hoạch bố trí vốn. Cần làm rõ có hay không việc bố trí vốn theo kiểu “lắt nhắt”. Bởi nếu có kế hoạch bố trí vốn cụ thể ngay từ đầu năm thì các đơn vị chủ đầu tư sẽ chủ động hơn trong việc giải ngân nguồn vốn. “Nếu có kế hoạch giao vốn tốt ngay từ đầu năm thì chủ đầu tư sẽ định hướng được các công việc cụ thể; còn bố trí vốn theo kiểu từng đợt, khi thiếu vốn mới bố trí bổ sung sẽ làm tính chủ động của các đơn vị chủ đầu tư bị hạn chế”.

Đánh giá về tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong quý I-2021, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công còn thấp so với kỳ vọng của lãnh đạo UBND tỉnh đặt ra.

Cùng chung nhận định, Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho rằng, trong 3 tháng đầu năm, kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công vẫn còn rất khiêm tốn, đặc biệt đối với nguồn vốn ngân sách tỉnh. “Đối với nguồn vốn ngân sách trung ương, tiến độ giải ngân là khá tốt. Tuy nhiên, đối với nguồn vốn ngân sách địa phương, nhất là nguồn vốn do UBND cấp huyện giao chỉ tiêu kế hoạch thì kết quả giải ngân còn thấp” - ông Hồ Văn Hà cho biết.

Thống kê của Sở KH-ĐT cho thấy, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công do UBND cấp huyện giao chỉ tiêu, kế hoạch trong 3 tháng đầu năm đang ở mức khá “báo động”. Cụ thể, tính đến thời điểm ngày
26-3, mới chỉ có 2 huyện Thống Nhất và Xuân Lộc đạt tỷ lệ giải ngân hơn 20% đối với nguồn vốn này. Trong khi đó, có đến 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10%, trong đó TP.Biên Hòa đứng “đội sổ” với tỷ lệ giải ngân chỉ đạt hơn 1,6% nguồn vốn.

Năm 2021, Đồng Nai tiếp tục đặt ra mục tiêu giải ngân hơn 95% nguồn vốn đầu tư công. Tuy nhiên, với tiến độ hiện tại, sẽ rất khó để kỳ vọng việc giải ngân nguồn vốn đạt được mục tiêu đề ra. Quan trọng hơn, việc “nâng chất” công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công thông qua việc đưa giá trị tiền vào các công trình, dự án, từ đó, tạo động lực để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội sẽ rất khó để thực hiện.

Thực tế, nhiều năm qua, việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công thường xảy ra tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng”. Theo đó, thời điểm cuối năm, các chủ đầu tư thường thực hiện tạm ứng hợp đồng để có thể đạt chỉ tiêu về giải ngân nguồn vốn đầu tư công.

Theo ông Hồ Văn Hà, Chính phủ cũng như tỉnh, thành đều xác định lấy đầu tư công để dẫn dắt, kích thích các lĩnh vực, ngành nghề khác phát triển. Muốn làm được điều này, nguồn vốn đầu tư công cần được “chuyển hóa” vào các công trình, dự án phục vụ cho nhu cầu phát triển. Tuy nhiên, với tình trạng chậm trễ trong việc triển khai thực hiện các dự án, mục tiêu này rất khó để đạt được. “Thực tế hiện nay, câu chuyện cũ diễn ra nhiều năm qua là “mùa khô thì chúng ta lập hồ sơ, mùa mưa chúng ta khởi công công trình” đang được lặp lại” - ông Hồ Văn Hà chia sẻ.

* Nhiều bất cập trong thực hiện giải ngân nguồn vốn

Một trong những nguyên nhân “muôn thuở” trong “câu chuyện” chậm giải ngân vốn đầu tư công nhiều năm qua là những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện các công trình dự án. Tính đến thời điểm này, đây vẫn là một trong những “điểm nghẽn” lớn nhất “níu chân” tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công.

Thi công các công trình hạ tầng tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách trung ương. Ảnh: P.TÙNG
Thi công các công trình hạ tầng tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách trung ương. Ảnh: P.TÙNG

Ông Trần Văn Thanh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết, mặt bằng vẫn là thách thức lớn nhất đối với đơn vị trong quá trình thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Hiện nay, có đến 11 công trình, dự án được UBND tỉnh giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư còn gặp vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Điều này khiến cho tiến độ giải ngân nguồn vốn dù muốn đẩy nhanh cũng rất khó thực hiện.

Theo Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Thường, trong công tác giải phóng mặt bằng, các địa phương thường làm rất chậm khâu kiểm đếm, áp giá bồi thường. Điều này dẫn đến tình trạng các địa phương trình giá đất cụ thể để tính giá bồi thường, sau khi được phê duyệt thì không kịp thực hiện công tác bồi thường. Thời gian kéo dài nên sau đó lại phải thực hiện lại công tác định giá đất. Cùng với đó, việc thực hiện công tác bồi thường của một dự án kéo dài, chia làm nhiều đợt cũng làm khó khăn thêm cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Bởi cùng một dự án nhưng giá bồi thường đợt sau lại cao hơn đợt trước.  

Ngoài vấn đề mặt bằng, một trong những nguyên nhân “nổi cộm” khiến các công trình, dự án chậm được triển khai hiện nay là sự yếu kém trong công tác lập hồ sơ, thủ tục thực hiện các dự án.

Ông Vũ Xuân Dự, Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính, Sở GT-VT cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, đơn vị đã nhận được 17 hồ sơ thủ tục các dự án. Tuy nhiên, phần lớn chất lượng các hồ sơ đều rất kém. “Sở GT-VT đã phải trả lại 11 hồ sơ trên tổng số 17 hồ sơ đã nhận. Do đó, cần thiết phải xem xét lại năng lực của các đơn vị tư vấn lập hồ sơ. Bởi việc trả đi trả lại hồ sơ sẽ kéo dài thời gian thực hiện, làm chậm tiến độ dự án cũng như việc giải ngân nguồn vốn” - ông Vũ Xuân Dự nêu vấn đề.

Thẳng thắn thừa nhận tình trạng kém chất lượng trong công tác lập hồ sơ, thủ tục các dự án, ông Nguyễn Hữu Ký, Chủ tịch UBND H.Tân Phú cho rằng, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chậm tiến độ trong công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn huyện trong năm 2020 và đầu năm 2021. “Tiến độ lập hồ sơ chậm, chất lượng hồ sơ không đảm bảo làm kéo dài thời gian thực hiện dẫn đến chậm tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công của huyện” - ông Nguyễn Hữu Ký cho biết.

Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cũng cho rằng, hiện nay chất lượng các đơn vị tư vấn lập hồ sơ chuẩn bị đầu tư, hồ sơ nghiên cứu báo cáo tiền khả thi, hồ sơ nghiên cứu báo cáo khả thi, lập bản vẽ thi công kém chất lượng bị trả lại khá cao. “Như báo cáo của Sở GT-VT thì số lượng hồ sơ bị trả lại là hơn 50%. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có những “địa chỉ vàng” về tư vấn lập hồ sơ chứ không thể đi thuê các đơn vị thiếu năng lực làm ảnh hưởng đến tiến độ chung” - ông Hồ Văn Hà nhấn mạnh.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều