Báo Đồng Nai điện tử
En

Có công bằng trong đào tạo và học tập?

11:04, 07/04/2021

Từ ngày 1-3, theo Luật Giáo dục sửa đổi, bằng tốt nghiệp đại học sẽ không còn ghi loại hình học tập, điều này cũng đồng nghĩa với việc không phân biệt loại hình đào tạo chính quy, tại chức, liên thông.

Từ ngày 1-3-2021, theo Luật Giáo dục sửa đổi, bằng tốt nghiệp đại học sẽ không còn ghi loại hình học tập, điều này cũng đồng nghĩa với việc không phân biệt loại hình đào tạo chính quy, tại chức, liên thông. Đây chính là những băn khoăn lớn không chỉ với người học mà còn cả với các cơ sở giáo dục đại học về sự công bằng.

Tân cử nhân dược sĩ hệ liên thông của Trường đại học Công nghệ Miền Đông trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: Thành Nam
Tân cử nhân dược sĩ hệ liên thông của Trường đại học Công nghệ Miền Đông trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: Thành Nam

[links()]Khi cơ chế quá thoáng

Nhiều ý kiến của lãnh đạo các đơn vị đào tạo cho rằng, nhu cầu đào tạo liên thông, đào tạo tại chức đã tạo điều kiện cho nhiều người học có điều kiện nâng cao trình độ. Tuy nhiên, đây cũng là bất cập khiến cả những đơn vị đào tạo và người học cùng nhau “bắt tay” coi nhẹ việc nâng cao chất lượng đào tạo. Thậm chí, việc buông nhẹ công tác quản lý, kiểm tra, giám sát công tác đào tạo liên thông, tại chức sẽ còn tạo điều kiện để nảy sinh tiêu cực. Khi đơn vị đào tạo lẫn người học không nghiêm túc còn ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng nguồn nhân lực của xã hội.

Ông Lâm Thành Hiển, Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng cho rằng, hệ liên thông đại học, hệ đại học tại chức có nhiều khác biệt về điều kiện đầu vào, quá trình đào tạo và yêu cầu về đầu ra so với hệ chính quy. Cụ thể, hệ chính quy thí sinh phải trải qua quá trình đảm bảo chất lượng đầu vào như xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ. Trong khi đó, để trúng tuyển các khóa đào tạo liên thông, đào tạo từ xa, phương thức xét tuyển đảm bảo ngưỡng đầu vào khá đơn giản, chỉ cần đậu tốt nghiệp THPT, có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng là đủ.

Ông Hiển cũng cho rằng, đơn vị đào tạo hệ đại học chính quy phải đầu tư rất bài bản cho cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên và tiến hành đào tạo tập trung từ 4 năm trở lên, trong khi thực tế một số đơn vị tham gia đào tạo liên thông đại học lại chủ yếu “đánh bắt xa bờ” dựa chủ yếu trên cơ sở vật chất của các trường trung cấp và cao đẳng điều kiện thấp hơn. Quá trình học tập của sinh viên 2 hệ chính quy và liên thông cũng khác nhau khá nhiều. Trong khi sinh viên hệ chính quy phải học tập trung liên tục từ 4 năm trở lên thì sinh viên hệ liên thông và tại chức chỉ học một số buổi trong tuần, hoặc học tập trung trong 2 ngày nghỉ cuối tuần.

* Cần kiểm soát vì chất lượng nguồn nhân lực

Chất lượng nguồn nhân lực là một trong những đòi hỏi cao trong quá trình phát triển đất nước, trong đó vai trò của các cơ sở đào tạo rất quan trọng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định việc đầu tư nâng cao nguồn nhân lực là một nhiệm vụ cần tạo sức đột phá. Để hạn chế tình trạng có bằng cấp nhưng lại thiếu chuyên môn, tay nghề thì phải siết khâu đào tạo. Cần có những cuộc kiểm định chất lượng đào tạo với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để các cơ sở này đào tạo đúng với trình độ đã được cho phép.

Theo hiệu trưởng một số trường đại học, các trường trung cấp và cao đẳng nên chấp nhận một cuộc cạnh tranh sòng phẳng về chất lượng đào tạo do người học, doanh nghiệp và xã hội công nhận. Không nên lấy lý do vì xã hội không có người học trung cấp hay cao đẳng nữa để cố bắt tay với các trường đại học đào tạo liên thông hệ đại học ngay trong trường trung cấp, cao đẳng với điều kiện cơ sở vật chất không tương thích với yêu cầu đào tạo trình độ đại học. Những bất cập này sẽ ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng nguồn nhân lực, người học thì không có kiến thức lẫn kỹ năng thật sự, còn xã hội vẫn tiếp tục thừa thầy thiếu thợ.

Ông Huỳnh Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường đại học Công nghệ Đồng Nai cho rằng, hằng năm phải thanh tra, kiểm tra việc mở các lớp đào tạo liên thông đại học, đại học tại chức xem có thực hiện đúng các quy định về điều kiện liên kết, cơ sở vật chất, các thủ tục giấy phép và văn bản đồng ý của các sở, ngành, UBND tỉnh về việc cho phép mở lớp đào tạo. Bởi, nếu các đơn vị đào tạo ngoài tỉnh kém chất lượng nhưng lại cứ ồ ạt liên kết với các trường trung cấp, cao đẳng tuyển sinh đào tạo liên thông, không bám sát nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh sẽ dẫn đến những lãng phí rất lớn cho người học, nhất là nhu cầu nhân lực chất lượng cao của tỉnh trong tình hình mới.

Tại Chương V Thông tư 07/2017/TT-BGDĐT ban hành Quy định về liên kết đào tạo trình độ đại học, Bộ GD-ĐT đã quy định rõ: Cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo, cơ sở giáo dục phối hợp đào tạo, cơ sở giáo dục đặt lớp đào tạo bị xử lý khi vi phạm một trong những quy định sau về liên kết đào tạo: Thực hiện liên kết đào tạo khi chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định, tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu, đặt lớp đào tạo không đúng địa điểm quy định, chưa có quyết định cho phép thực hiện liên kết đào tạo của cơ quan có thẩm quyền.

Thành Nam

 

Tin xem nhiều