Báo Đồng Nai điện tử
En

Bất cập trong đào tạo liên thông, liên kết

03:04, 08/04/2021

Một số trường trung cấp nghề của tỉnh đang "âm thầm" liên kết với một số trường đại học ngoài tỉnh tuyển sinh hệ liên thông từ trung cấp lên đại học, thậm chí có đơn vị "lách luật" liên kết đào tạo cả trình độ thạc sĩ....

Một số trường trung cấp nghề của tỉnh đang “âm thầm” liên kết với một số trường đại học ngoài tỉnh tuyển sinh hệ liên thông từ trung cấp lên đại học, thậm chí có đơn vị “lách luật” liên kết đào tạo cả trình độ thạc sĩ. Cuộc “chạy đua” tuyển sinh đang đặt ra những câu hỏi lớn về chất lượng thực sự của nguồn nhân lực từ những chương trình đào tạo liên thông này.

Sinh viên hệ liên thông của Trường cao đẳng Lê Quý Đôn (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) trong giờ thực hành. Ảnh minh họa: C.NGHĨA
Các trường trung cấp, cao đẳng ngày càng khó khăn trong tuyển sinh và đào tạo do nguồn tuyển thấp. Trong ảnh: Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 tham gia ngày hội tuyển sinh tại Đồng Nai

[links()]Hiệu trưởng một trường trung cấp nghề tại TP.Biên Hòa cho biết, trường được phép tuyển sinh và đào tạo hệ trung cấp nghề, tuy nhiên hiện xã hội chẳng còn mấy học viên lựa chọn hình thức đào tạo này. Cách để trường có thể tồn tại nhiều năm nay là “sống dựa” vào nguồn thu từ hoạt động liên thông, liên kết với các trường đại học ngoài tỉnh.

* Đăng ký là trúng tuyển

Chị M. từng tốt nghiệp hệ trung cấp. Để nâng cao trình độ, chị  đã chọn xét tuyển vào chương trình liên kết đào tạo hệ đại học liên thông giữa một trường nghề tại TP.Biên Hòa với một trường đại học. Chị cho biết, điều kiện trúng tuyển chương trình liên thông khá đơn giản, cứ đăng ký là đậu. Nói về quá trình học để lấy được bằng, chị M. cho hay, thời gian toàn khóa học là 3 năm nhưng thực tế chỉ học vào thứ bảy và chủ nhật. Ngày nào trường bố trí được giảng viên thì học dồn dập 2 ngày cuối tuần nhưng cũng có khi sinh viên đến lớp rồi giảng viên mới nhắn tin được nghỉ.

Một cán bộ làm công tác giáo vụ tại một trường cao đẳng trên địa bàn TP.Biên Hòa chia sẻ, trường liên kết với một trường đại học tại Cần Thơ để tuyển sinh hệ liên thông từ trung cấp lên đại học ngành Điều dưỡng. Trường có nhiệm vụ tuyển sinh, xét tuyển và quản lý lớp, thu học phí, còn chuyện bố trí giảng viên, dạy, thi cử là do trường đại học liên kết phụ trách. Lợi nhuận thu được từ quá trình đào tạo được chia theo thỏa thuận giữa 2 đơn vị liên kết đào tạo, trong đó trường đại học trực tiếp cấp bằng được hưởng phần nhiều hơn.

Vị giáo vụ này cho biết thêm: “Trong thời buổi tuyển sinh khó khăn, chẳng có trường nào “dại” mà siết chặt đầu vào, vì siết thì không đủ số lượng sinh viên mở lớp, do vậy thí sinh đăng ký xét tuyển là chắc chắn đến 99% cơ hội trúng tuyển”.

Vấn đề các trường lo chạy theo số lượng tuyển sinh, tuyển được càng nhiều càng tốt, trong khi chất lượng thì phó mặc cho người học và xã hội lãnh hậu quả thực sự là một hồi chuông báo động về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là những ngành nghề đào tạo không đạt chất lượng sẽ gây tổn thương cho xã hội như sức khỏe, sư phạm… Cán bộ giáo vụ một trường cao đẳng tại TP.Biên Hòa “bật mí” về những góc khuất trong công tác tuyển sinh giữa các chương trình đào tạo liên thông, liên kết: “Mục đích chính của các đơn vị trong tuyển sinh đào tạo liên thông, liên kết là lợi nhuận, vì thế họ luôn mở “toang cửa” để đón người học, miễn sao thu được tiền. Thậm chí chương trình đào tạo cũng bị “cắt gọt” để tiết kiệm chi phí mời giáo viên thỉnh giảng, chi phí điện nước, quản lý lớp… Điều đáng buồn là nhiều sinh viên cũng muốn trường dạy càng ít buổi càng tốt, miễn sao là đến cuối khóa lấy được bằng trong tay”.

Các trường trung cấp, cao đẳng ngày càng khó khăn trong tuyển sinh và đào tạo do nguồn tuyển thấp Trong ảnh: Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 tham gia ngày hội tuyển sinh tại Đồng Nai
Sinh viên hệ liên thông của Trường cao đẳng Lê Quý Đôn (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) trong giờ thực hành. Ảnh minh họa: C.NGHĨA

Phó hiệu trưởng một trường đại học tại TP.Biên Hòa chia sẻ, do những chính sách tuyển sinh ngày càng dễ dàng hơn nên rất nhiều trường đại học đua nhau tìm đến các trường trung cấp và cao đẳng thực hiện liên kết đào tạo. Vị phó hiệu trưởng này cho biết, hơn 4 năm trước, ngành Dược sĩ hệ đại học là ngành “hot”, tuy nhiên đây lại là ngành “nhạy cảm”, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, phải siết chặt chất lượng đầu vào lẫn đầu ra. Chính vì siết mạnh để có chất lượng đào tạo nên không ít sinh viên bỏ học sang một trường đại học khác trên địa bàn tỉnh vì đơn vị đó “dễ” cả đầu vào lẫn đầu ra.

* Chạy theo… tấm bằng

Học tập nâng cao trình độ là một nhu cầu có thật, hoàn toàn chính đáng. Có được tấm bằng đại học trong tay còn là điều kiện để người học thuận lợi trong tìm kiếm cơ hội việc làm, thăng tiến trong công việc ở những vị trí cao hơn. Đáp ứng nhu cầu của người học nên các trường đại học đã mở khá nhiều hệ đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của người học. Ngoài hệ đào tạo chính quy còn có thêm nhiều hệ đào tạo khác như: liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học, đào tạo từ xa, đào tạo tại chức, đào tạo trực tuyến… Trong khi nhiều người muốn đi học để có kiến thức làm việc tốt hơn thì cũng có không ít người đi học cốt chỉ để hợp thức hóa bằng cấp.

Theo anh T., hiện đang theo học hệ đào tạo liên thông từ trung cấp dược lên hệ dược sĩ đại học tại một trường đại học tại Đồng Nai, để trúng tuyển vào hệ đại học chính quy ngành Dược là không hề dễ nên cách học liên thông vẫn là con đường đơn giản hơn cả. Chỉ cần nộp bảng điểm và bản sao bằng trung cấp dược sĩ là chắc chắn trúng tuyển. Hơn nữa, chương trình đào tạo hệ liên thông “nhẹ nhàng” hơn rất nhiều so với hệ chính quy. Chỉ cần không nghỉ quá số buổi quy định là có cơ hội tốt nghiệp đúng hạn. Anh T. cho biết thêm: “Nếu có được tấm bằng dược sĩ trong tay chỉ cần cho người khác thuê đứng tên tiệm thuốc là sống khỏe, vì hiện nay quy định mở tiệm thuốc tây phải có bằng dược sĩ đại học”.

Còn chị C., sinh viên lớp liên thông trình độ cao đẳng lên đại học tại một trường trung cấp ở TP.Biên Hòa cho hay, do từ thứ hai đến thứ sáu bận đi dạy ở trường nên việc xin nghỉ dạy để đi học các lớp chính quy không khả thi. Để có được tấm bằng đại học sư phạm chuẩn hóa trình độ giáo viên, chị không còn phương án nào khác là đăng ký theo chương trình liên thông lên đại học của một trường đại học mở tại TP.Biên Hòa vào dịp cuối tuần. Khi được hỏi về chất lượng đào tạo chương trình liên thông này, chị C. cho biết: “Nếu so sánh với chương trình đạo chính quy học tập trung thì không thể nào bằng, vì một tuần chỉ học 2 buổi vào cuối tuần. Thậm chí, khi có lịch học nhưng vì trường đại học tổ chức lớp không thể bố trí được giáo viên nên phải tự nghiên cứu tài liệu theo hướng dẫn “từ xa” mà không được tổ chức học bù”.

* Bỏ ngỏ quản lý

Theo thông tư số 07/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành quy chế về liên kết đào tạo trình độ đại học năm 2017, các lớp liên kết đào tạo phải đặt tại cơ sở chính của cơ sở giáo dục phối hợp đào tạo, cơ sở giáo dục đặt lớp đào tạo, hoặc cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo. Quy định của Bộ GD-ĐT là cụ thể, tuy nhiên thực tế hiện nay hầu hết các lớp đào tạo trình độ liên thông đại học lại không thực hiện đúng quy định mà thường đặt ở các trường trung cấp, cao đẳng được liên kết không chịu trách nhiệm chính đào tạo cấp phát bằng..

Theo giảng viên của một số trường đại học, công tác tuyển sinh và đào tạo các hệ đại học liên thông, đại học tại chức hiện nay không chỉ bị chính các trường bỏ ngỏ chất lượng mà các cơ quan quản lý cũng chưa thực sự quyết liệt trong công tác thanh kiểm tra. Một số trường trung cấp, cao đẳng đứng ra liên kết với các trường đại học chủ yếu quan tâm đến số lượng tuyển sinh để thu học phí. Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy còn nhiều bất cập, chưa thực sự coi trọng việc đầu tư giáo án, tâm huyết cho việc giảng dạy. Người học thì thiếu cả cơ hội thực tập làm quen thực tế, khó đảm bảo cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

Không chỉ có những lỗ hổng trong hoạt động đào tạo đại học liên thông, đại học tại chức, trên địa bàn tỉnh hiện có một số trường trung cấp, cao đẳng còn “bắt tay” liên kết với một số trường đại học ngoài tỉnh “lách luật” đào tạo cả trình độ thạc sĩ ở một số ngành. TS Q., cán bộ quản lý và giảng dạy của một trường đại học tại TP.Biên Hòa bức xúc cho biết, theo quy định, các trường trung cấp và cao đẳng không được tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ ngay tại trường mình. Tuy nhiên, họ vẫn cố “bắt tay” với các trường đại học được phép tuyển sinh đào tạo thạc sĩ để mở lớp bằng cách chiêu sinh và bồi dưỡng ở một số nội dung đào tạo nâng cao. Sau khi cơ bản hoàn thành các nội dung bồi dưỡng nâng cao thì “gom” học viên về trường đại học để tiếp tục hướng dẫn bảo vệ đề tài thạc sĩ.         

Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ:

Phải tuân thủ đúng quy định về đào tạo liên thông

Các trường đại học muốn hợp tác đào tạo liên thông với các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh phải có sự chấp thuận của Bộ GD-ĐT về chủ trương cho phép đào tạo, đáp ứng các yêu cầu và quy định về đào tạo, đồng thời phải được phép của các sở ngành và UBND tỉnh. Quá trình đào tạo phải đi đúng với định hướng phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo quyền lợi cho người học. Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với Sở LĐ-TBXH kiểm tra, rà soát việc hợp tác đào tạo liên thông của các trường đảm bảo đúng quy định và chất lượng, đồng thời sẵn sàng kiến nghị với Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TBXH xử lý nghiêm nếu có đơn vị đào tạo sai phạm.

Đặng Công

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích