Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển bền vững ngành chế biến lâm sản

04:03, 24/03/2021

Chế biến lâm sản là ngành sản xuất có vị trí quan trọng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là ngành có kim ngạch xuất khẩu đứng tốp đầu.

Chế biến lâm sản là ngành sản xuất có vị trí quan trọng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là ngành có kim ngạch xuất khẩu đứng tốp đầu.

Đồ họa thể hiện sản lượng gỗ khai thác và nhu cầu về gỗ nguyên liệu trên địa bàn tỉnh hiện nay (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện sản lượng gỗ khai thác và nhu cầu về gỗ nguyên liệu trên địa bàn tỉnh hiện nay (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)

Đồng Nai đang xây dựng đề án sản xuất, chế biến lâm sản bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với nhiều nội dung lớn như: phát triển rừng trồng để chủ động nguồn nguyên liệu gỗ trong chế biến lâm sản; đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này; chú trọng đào tạo lao động, đổi mới công nghệ để phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn và đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

* Ngành thuộc tốp đầu xuất khẩu

Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động tới nhập khẩu gỗ nguyên liệu và chế biến lâm sản cũng như thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Cụ thể, theo nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ trên địa bàn Đồng Nai, trong những tháng đầu năm 2020, hơn 50% số đơn hàng của nhiều doanh nghiệp bị hủy hoặc tạm ngưng khiến doanh thu của doanh nghiệp bị sụt giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất, thậm chí tạm ngưng hoạt động và phải mất vài năm để ngành này khôi phục trở lại.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi yêu cầu, sau khi đề án được phê duyệt, Sở NN-PTNT cần phối hợp với các sở, ngành để đề án có sự thống nhất cao trong triển khai thực hiện; phải tổ chức sơ kết đánh giá kết quả triển khai đề án để đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu đề án. Đơn vị tư vấn đề án và các sở, ngành, địa phương cần rà soát lại thực tế sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở trong ngành chế biến lâm sản để có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong phát triển ngành chế biến lâm sản bền vững, hiện đại.

Tuy nhiên, trong năm này, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của cả nước vẫn đạt gần 13,2 tỷ USD, tăng 16,4% so với năm 2019, đóng góp 31% tổng giá trị xuất khẩu ngành Nông nghiệp, đạt gần 5% tổng giá trị xuất khẩu của quốc gia. Trong đó, Đồng Nai là tỉnh có ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển tốp đầu cả nước. Theo Cục Thống kê Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ năm 2020 đạt hơn 1,68 tỷ USD, tăng trên 180 triệu USD (tương đương hơn 11%) so với năm 2019. Đây là một trong những mặt hàng của Đồng Nai vẫn giữ mức tăng trưởng dương khá cao trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo báo cáo của Phân viện Điều tra, quy hoạch rừng Nam bộ, đơn vị tư vấn đề án sản xuất, chế biến lâm sản bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh hiện có 1.454 cơ sở, doanh nghiệp chế biến lâm sản, trong đó doanh nghiệp là 904, tập trung chủ yếu ở các địa phương gồm TP.Biên Hòa, các huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch, Định Quán, Long Thành… Trong đó, có 115 doanh nghiệp phân bố trong các cụm, khu công nghiệp, chiếm 12,7% tổng số doanh nghiệp trong ngành gỗ, tập trung đông ở các khu công nghiệp Tam Phước, Biên Hòa 1 và Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom). Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp đạt mức trung bình, tiên tiến.

Đây là ngành sản xuất có vị trí quan trọng trong ngành Công nghiệp của tỉnh với tỷ trọng giá trị sản xuất đạt 5,87%, chiếm tỷ trọng cao nhất so với các nhóm ngành công nghiệp chủ lực khác; hằng năm đóng góp ngân sách chiếm khoảng 16% tổng tiền nộp ngân sách của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngành chế biến gỗ cũng là ngành thu hút nhiều lao động nhất trong nhóm các ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh, chiếm 38% tổng lao động của các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp với khoảng 110 ngàn lao động. Ngoài ra, còn khoảng 150-200 ngàn lao động hoạt động trong lĩnh vực trồng rừng, khai thác, vận chuyển cung ứng nguyên liệu chế biến gỗ tại các vùng nông thôn.

Sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản của Đồng Nai có truyền thống lâu đời, nhiều vùng sản xuất đã có tiếng trên thị trường trong nước và quốc tế không chỉ nhờ chất lượng mà còn có thế mạnh về mẫu mã đẹp, chủng loại đa dạng, đáp ứng tốt thị hiếu người tiêu dùng. Thị trường xuất khẩu sản phẩm lâm sản liên tục được mở rộng ra 5 châu lục và trên 120 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn và khó tính như: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Cơ hội phát triển ngành chế biến lâm sản còn rất lớn, nhất là khi nhiều hiệp định thương mại tự do mở ra cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho đồ gỗ Việt Nam nói chung và sản phẩm gỗ của doanh nghiệp chế biến gỗ Đồng Nai nói riêng tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu.

* Nâng cao vị thế toàn ngành

Mục tiêu đề án đặt ra, phấn đấu giai đoạn 2021-2022, kim ngạch xuất khẩu lâm sản của tỉnh tăng từ 3-5%/năm và từ giai đoạn 2023-2025 tăng trưởng bình quân đạt từ 6-8%/năm, đưa kim ngạch xuất khẩu từ gỗ, lâm sản đến năm 2025 đạt hơn 2 tỷ USD.

Sản xuất tại một doanh nghiệp chế biến gỗ ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Vương Thế
Sản xuất tại một doanh nghiệp chế biến gỗ ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Vương Thế

Mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,8 tỷ USD/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8%/năm. Ngoài ra, ngành này cũng sử dụng khoảng 200 ngàn lao động và lao động được đào tạo tại chỗ đạt 70% vào năm 2025 và tiếp tục tăng lên 250 ngàn lao động vào năm 2030. Ngành chế biến gỗ cũng phát triển theo hướng sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên rừng, thân thiện với môi trường. Xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu gỗ và lâm sản ngoài gỗ ổn định gắn với công nghiệp chế biến để hình thành các cụm công nghiệp chế biến lâm sản ứng dụng công nghệ hiện đại, tự động hóa, phù hợp với tiềm năng và thị trường. Đẩy mạnh chế biến đồ mộc, đồ gỗ cao cấp, gỗ ghép, ván sàn, bàn ghế và các sản phẩm hoàn thiện bằng gỗ có giá trị cao. Phát triển các khu sản xuất chế biến gỗ truyền thống theo hướng cơ giới hóa tại các vùng nông thôn, nơi có tiềm năng cung cấp nguyên liệu.

Ông Đỗ Văn Thông, Phân viện trưởng Phân viện Điều tra, quy hoạch rừng Nam bộ nhận xét, Đồng Nai có lợi thế là tỉnh công nghiệp nên quá trình chuyển đổi ngành chế biến gỗ từ quy mô cơ giới nhỏ lẻ sang quy mô lớn, tập trung, chế biến tổng hợp với các thiết bị và công nghệ thích hợp đáp ứng các yêu cầu chất lượng sản phẩm sẽ không gặp nhiều khó khăn nếu có quy hoạch đúng và sự chỉ đạo sát sao của tỉnh. Để ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển bền vững, hiện đại, tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp như: đổi mới công nghệ; đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp; bổ sung, hoàn thiện về cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả; có giải pháp về phát triển thị trường; về tài chính đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực; phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành chế biến lâm sản…

Bình Nguyên

Tin xem nhiều