Báo Đồng Nai điện tử
En

Tận dụng thế mạnh để phát triển bền vững

09:03, 23/03/2021

"Cơ hội và tiềm năng phát triển ngành chế biến lâm sản của Việt Nam rất lớn" là nhận định hoàn toàn có cơ sở, dù trong bối cảnh nền kinh tế nhiều quốc gia trên thế giới đang "lao đao" do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

“Cơ hội và tiềm năng phát triển ngành chế biến lâm sản của Việt Nam rất lớn” là nhận định hoàn toàn có cơ sở, dù trong bối cảnh nền kinh tế nhiều quốc gia trên thế giới đang “lao đao” do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Cách đây chưa đầy 1 tuần, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM chia sẻ thông tin năm 2020, ngành xuất khẩu lâm sản Việt Nam đạt nhiều thành tích đáng khích lệ khi kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt gần 13,2 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2019 và vượt 5,4% so với kế hoạch năm 2020.

Tại Đồng Nai, về lĩnh vực xuất khẩu, xuất khẩu lâm sản từ lâu đã trở thành ngành xuất khẩu mũi nhọn của tỉnh. Với một năm đầy khó khăn như năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ Đồng Nai vẫn đạt hơn 1,68 tỷ USD, tăng trên 180 triệu USD (tương đương hơn 11%) so với năm 2019. Đây là một trong gần 10 mặt hàng của Đồng Nai vẫn đạt được mức tăng trưởng dương, và còn là mức tăng khá cao trong tình hình xuất khẩu nói chung gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng của nhiều ngành “đứt gãy”.

Chế biến và xuất khẩu lâm sản cũng là một trong những ngành có mức đóng góp cao vào ngân sách với mức đóng góp ngân sách bình quân hằng năm chiếm khoảng 16% tổng tiền nộp ngân sách của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là ngành thu hút nhiều lao động nhất trong nhóm các ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh, chiếm 38% tổng lao động doanh nghiệp công nghiệp khi tạo việc làm cho khoảng 110 ngàn lao động. Ngoài ra, còn có khoảng 150-200 ngàn lao động trong các hoạt động trồng rừng, khai thác, vận chuyển cung ứng nguyên liệu chế biến gỗ tại các vùng nông thôn.

Điều đáng nói là Việt Nam đã vượt qua Ba Lan, Đức, Ý và chỉ đứng sau Trung Quốc trong tốp các quốc gia xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ trên thế giới. Chính phủ cũng đã xác định, chế biến và xuất khẩu lâm sản sẽ tiếp tục là lĩnh vực được đầu tư và tạo điều kiện phát triển lâu dài. Trong định hướng chung đó, chế biến và xuất khẩu lâm sản của Đồng Nai rõ ràng cũng đang đứng trước nhiều cơ hội đổi mới và phát triển.

Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm với những điều kiện có tính thách thức. Chế biến và xuất khẩu lâm sản ngày càng đối diện với nhiều yêu cầu, điều kiện khắt khe hơn từ các thị trường nhập khẩu. Phải công khai, minh bạch nguồn gốc nguyên liệu, có chứng chỉ về xuất xứ nguyên liệu, sản phẩm phải chất lượng và mẫu mã đáp ứng thị hiếu thị trường… Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong ngành chế biến và xuất khẩu lâm sản còn phải chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các quốc gia khác về công nghệ, kinh nghiệm sản xuất và bán hàng, vốn liếng, nhân sự… Do đó, để ngành chế biến và xuất khẩu lâm sản phát triển bền vững, doanh nghiệp cũng cần nâng cao nội lực, bên cạnh sự hỗ trợ về chủ trương, chính sách. Có như thế thì ngành chế biến và xuất khẩu lâm sản của Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung mới tận dụng được thời cơ, giữ “phong độ” một cách bền vững.

Vi Lâm

Tin xem nhiều