Ngày 8-3, những mũi tiêm vaccine phòng Covid-19 đầu tiên được triển khai tại tỉnh Hải Dương - địa phương có nhiều ca mắc Covid-19 trong thời gian qua. Thời gian tới, khi lượng vaccine dồi dào, Bộ Y tế sẽ phân bổ cho các địa phương khác trong cả nước.
Ngày 8-3, những mũi tiêm vaccine phòng Covid-19 đầu tiên trong cả nước được triển khai tại tỉnh Hải Dương - địa phương có nhiều ca mắc Covid-19 trong thời gian qua. Những người đang trực tiếp làm công tác phòng, chống dịch bệnh, điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại các cơ sở y tế được tiêm vaccine trước nhất để giảm thiểu yếu tố nguy cơ lây nhiễm.
Bác sĩ khám sàng lọc cho người có nhu cầu tiêm vaccine trước khi tiêm vaccine phòng bệnh. Ảnh: H.DUNG |
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, do số lượng vaccine phòng Covid-19 còn hạn chế nên 13 tỉnh, thành phố có ghi nhận ca mắc Covid-19 từ ngày 27-1 được ưu tiên cấp vaccine trước. Thời gian tới, khi lượng vaccine dồi dào, Bộ Y tế sẽ phân bổ cho các địa phương khác trong cả nước.
* Quy trình tiếp nhận vaccine về địa phương
Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chia sẻ, vaccine là giải pháp lâu dài trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc có vaccine không có nghĩa là người dân lơ là quy định 5K. Ngay cả khi người dân đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 vẫn phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, khử khuẩn, không tập trung đông người và thực hiện khai báo y tế để đảm bảo hiệu quả phòng dịch.
Hiện tại, vaccine phòng Covid-19 Pfizer có hiệu lực bảo vệ trên 90%, vaccine Moderna có hiệu lực bảo vệ 94%, vaccine AstraZeneca có hiệu lực bảo vệ 76% sau mũi 1 và 84% sau mũi 2. Do hiệu lực bảo vệ không đạt 100% nên song song với việc tiêm vaccine, người dân vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt tuân thủ tốt quy định 5K của Bộ Y tế. |
Căn cứ vào Nghị quyết số 21 của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19 mới ban hành, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn tiếp nhận, bảo quản vaccine phòng Covid-19.
Theo đó, những đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine: lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch gồm: người làm việc trong các cơ sở y tế, người tham gia phòng, chống dịch (thành viên ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ Covid dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên…); lực lượng quân đội, công an.
Tiếp đó là nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh. Những người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước... Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người. Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi. Người sinh sống tại các vùng có dịch. Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội. Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài và các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng, chống dịch.
Về công tác tiếp nhận vaccine phòng Covid-19, Bộ Y tế đã giao cho dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia hoàn thiện các thủ tục nhập khẩu từ nước ngoài hoặc tiếp nhận vaccine, vật tư tiêm chủng từ nhà phân phối tại Việt Nam. Sau khi tiếp nhận vaccine, trong vòng 7 ngày, dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia có nhiệm vụ vận chuyển vaccine đến các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur và các đơn vị.
Tiêm vaccine phòng bệnh cho người lớn tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sáng 9-3. Ảnh: HẠNH DUNG |
Tại tuyến tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ tiếp nhận và bảo quản vaccine tại kho của tỉnh. Đồng thời, thực hiện cấp phát vaccine cho các trung tâm y tế cấp huyện chậm nhất 3 ngày trước khi tổ chức tiêm; cấp cho các bệnh viện trung ương, khu vực, tỉnh, bệnh viện ngành thuộc tỉnh chậm nhất 1 ngày trước khi tiêm hoặc ngay trước buổi tiêm.
Từ ngày 7 đến 10-3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tham mưu cho Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện việc lập danh sách đối tượng tiêm chủng. Trung tâm y tế tổng hợp danh sách đơn vị tiêm chủng và số lượng đối tượng tiêm chủng để thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổng hợp danh sách đơn vị, số lượng đối tượng tiêm chủng thông báo cho Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để được cung ứng vaccine. Trong vòng 7 ngày sau khi Bộ Y tế ban hành kế hoạch tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản và sử dụng vaccine phòng Covid-19, sở y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh xây dựng kế hoạch sử dụng vaccine Covid-19 tại địa phương hoặc trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách.
* Phân chia các đối tượng được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng
Căn cứ vào kế hoạch của Bộ Y tế, các cơ sở tiêm chủng của các bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện sẽ tiến hành tiêm vaccine cho cán bộ y tế của cơ sở, nhân viên tham gia phòng, chống dịch tại cơ sở, các đối tượng đang điều trị tại bệnh viện và các đối tượng khác theo kế hoạch của địa phương. Bên cạnh đó, tổ chức các đội cấp cứu tại đơn vị mình và hỗ trợ điểm tiêm chủng, đặc biệt là các xã ở vùng đi lại khó khăn ít nhất 1 đội cấp cứu lưu động tại mỗi cụm 3-4 xã.
Người dân đăng ký tiêm vaccine phòng bệnh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh |
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng lưu ý, trong thời gian triển khai tiêm chủng, bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh phải dự phòng một cơ số giường bệnh hồi sức tích cực, tối thiểu là 5 giường để sẵn sàng xử trí những trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng (nếu có).
Các trạm y tế cấp xã tổ chức tiêm chủng tại trạm và điểm tiêm lưu động cho nhân viên y tế, nhân viên tham gia phòng chống dịch, lực lượng quân đội, công an, giáo viên trên địa bàn xã, những người cung cấp các dịch vụ thiết yếu, người già trên 65 tuổi đang sinh sống trên địa bàn và những trường hợp mắc bệnh mạn tính không điều trị nội trú theo kế hoạch của địa phương. Sau chiến dịch tiêm vaccine Covid-19, trạm y tế cấp xã phải tiến hành tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm.
Các bệnh viện, bệnh xá, cơ sở y tế thuộc các Bộ, ngành có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm cho đối tượng thuộc ngành mình. Riêng các cơ sở tiêm chủng dịch vụ thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng theo chỉ đạo của Sở Y tế.
Lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu tất cả các điểm tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 phải bố trí các trang thiết bị, phương tiện xử trí cấp cứu tại chỗ, phương án hỗ trợ cấp cứu trong trường hợp cần thiết.
Tại Đồng Nai, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bảo, tỉnh đang xây dựng đề án về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 để trình HĐND tỉnh thông qua.
Thông tin từ Sở Y tế Đồng Nai - đơn vị thực hiện dự thảo đề án cho hay, căn cứ vào nguồn cung ứng vaccine hiện nay, mục tiêu của đề án này trong giai đoạn 2021-2022 là đảm bảo 100% đối tượng nguy cơ được tiêm vaccine phòng Covid-19; phấn đấu 100% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine phòng Covid-19 khi có đủ nguồn vaccine; tiếp nhận, cung ứng kịp thời và tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng theo tình hình dịch; đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng vaccine phòng Covid-19.
Dự thảo đề án cũng phân chia giai đoạn thực hiện đề án thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 dự kiến từ tháng 3-2021 đến tháng 12-2021 (vaccine do COVAX Facility viện trợ); giai đoạn 2 dự kiến từ tháng 1-2022 đến tháng 12-2022 (sử dụng vaccine do tỉnh mua).
BS CKII Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, tỉnh đang chờ chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia tập huấn cho các giảng viên tuyến tỉnh những kiến thức liên quan đến công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Theo kế hoạch, khoảng nửa tháng trước khi phân bổ vaccine phòng Covid-19 về địa phương, Bộ Y tế sẽ thông báo cho các địa phương được biết. Trong nửa tháng chờ đợi vaccine, tùy vào từng loại vaccine phòng Covid-19 được cấp về, các giảng viên tuyến tỉnh sẽ triển khai tập huấn cho nhân viên y tế tham gia tiêm chủng tuyến huyện, tuyến xã. Đến nay, tất cả những người tham gia tiêm chủng của tỉnh đều đã có giấy chứng nhận về an toàn tiêm chủng, thuần thục các kiến thức, kỹ thuật liên quan đến tiêm chủng nói chung. Do đó, nội dung tập huấn chỉ tập trung xoay quanh những điểm khác biệt của vaccine mới so với các loại vaccine phòng bệnh thông thường. Khi vaccine được phân bổ về địa phương, ngành Y tế sẽ chủ trì thực hiện công tác tiêm chủng mở rộng theo đúng quy định của Chính phủ và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. |
Hạnh Dung