Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảm bảo an toàn tiêm chủng ở mức cao nhất

07:03, 09/03/2021

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, vaccine phòng Covid-19 là vaccine phát triển, sản xuất và đưa vào sử dụng nhanh nhất từ trước đến nay.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, vaccine phòng Covid-19 là vaccine phát triển, sản xuất và đưa vào sử dụng nhanh nhất từ trước đến nay. Do thời gian chưa đủ dài để theo dõi toàn bộ tiến trình thử nghiệm lâm sàng, đánh giá về hiệu quả nên những khẳng định của nhà sản xuất, cơ quan nghiên cứu về hiệu quả bảo vệ có khác nhau.

Tiêm vaccine phòng bệnh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: A.YÊN
Tiêm vaccine phòng bệnh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: A.YÊN

Những phản ứng sau tiêm vaccine Covid-19 là có thể, vì không vaccine nào đảm bảo 100% an toàn. Do đó, công tác chuẩn bị cho tiêm vaccine cần được chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo tối đa an toàn tiêm chủng.

* Chỉ tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên

PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó trưởng ban điều hành dự án Tiêm chủng mở rộng cho hay, vaccine phòng Covid-19 sẽ sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia lần này là vaccine AstraZeneca do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất, đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 15-2-2021. Vaccine này đã được 25 quốc gia chấp thuận lưu hành và sử dụng, trong đó có Việt Nam.

Bộ Y tế đàm phán và Covax đã đồng ý cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều vaccine trong năm nay, đồng thời Bộ đàm phán với các hãng vaccine khác để có thêm nhiều vaccine hơn, đảm bảo tất cả người dân đều được tiếp cận vaccine. Các địa phương, đặc biệt là cán bộ tiêm chủng phải thực hiện rất nghiêm các vấn đề chuyên môn, chuẩn bị các kịch bản có thể xảy ra nếu xảy ra trường hợp sốc phản vệ sau tiêm.

Vaccine dạng dung dịch, đóng 10 liều/lọ, mỗi liều 0,5ml, bảo quản ở nhiệt độ từ 2-8OC, hạn sử dụng trong vòng 6 tháng kể từ ngày sản xuất. Lọ vaccine đã mở chỉ sử dụng trong vòng 6 giờ đồng hồ.

Loại vaccine này được chỉ định tiêm phòng cho người từ 18 tuổi trở lên. Những người từ 65 tuổi trở lên, có bệnh nền rất cần tiêm vaccine vì đây là nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng. Riêng các đối tượng như: phụ nữ có thai, người nhiễm HIV, suy giảm miễn dịch, người bị nhiễm Covid-19 trước đó, người đang mắc Covid-19, người có tiền sử sử dụng kháng thể kháng Covid-19 điều trị trước đó thì tiêm theo chỉ định của nhà sản xuất. Mỗi người sẽ được tiêm 2 mũi, mỗi mũi cách nhau từ 4-12 tuần. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên tiêm đủ 2 liều của cùng một loại vaccine phòng Covid-19. Nếu tiêm các vaccine phòng bệnh khác thì thời gian cách tối thiểu là 14 ngày.

Những phản ứng sau tiêm vaccine phòng Covid-19 AstraZeneca được ghi nhận cho đến nay gồm: đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, đau, nóng tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt nhẹ, ớn lạnh, sưng và đỏ tại vị trí tiêm.

* Tiêm không quá 100 người/buổi tiêm chủng/điểm tiêm chủng

Bà Dương Thị Hồng lưu ý, quy trình tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 được tổ chức chặt chẽ. Mỗi điểm tiêm chủng không tổ chức tiêm quá 100 đối tượng/buổi tiêm chủng. Đồng thời, sắp xếp vị trí điểm tiêm chủng theo quy tắc một chiều, đảm bảo khoảng cách giữa các bàn, vị trí tiêm chủng, giữa các đối tượng tiêm chủng.

Người dân khi vào điểm tiêm chủng sẽ được đo thân nhiệt, khám sàng lọc, được nhân viên y tế tư vấn những thông tin cần thiết. Điểm mới của lần tiêm chủng mở rộng lần này là người dân phải ký tên đồng ý tiêm chủng thì nhân viên y tế mới tiến hành tiêm. Sau tiêm chủng, người dân được theo dõi 30 phút tại cơ sở tiêm chủng, sau đó ra về và tiếp tục theo dõi sức khỏe thêm 24 giờ tại nhà.

Nhân viên y tế sẽ không tiêm liều vaccine phòng Covid-19 thứ 2 đối với các trường hợp có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau lần tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trước đó; những trường hợp quá mẫn cảm với hoạt chất hoặc bất kỳ tá dược nào trong nhóm tá dược theo quy định, mẫn cảm với nước pha tiêm.

Sẽ tạm hoãn tiêm chủng với các trường hợp đang mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng hay mạn tính tiến triển; những người đang mắc Covid-19 được xét nghiệm chẩn đoán bằng phương pháp PCR (sẽ tiêm sau 6 tháng khỏi bệnh); người có tiền sử điều trị sử dụng kháng thể kháng Covid-19 trước đó (sẽ  tiêm sau 90 ngày điều trị).

PGS-TS Dương Thị Hồng cho hay, để đảm bảo công tác tiêm chủng diễn ra an toàn, trong buổi tiêm chủng, nhân viên y tế cần kiểm tra kỹ vaccine trước khi sử dụng. Vaccine phải được bảo quản trong dây chuyền lạnh ở nhiệt độ từ 2-8OC. Lọ vaccine đã mở chỉ sử dụng trong vòng 6 giờ. Nhân viên y tế cần kiểm tra nhãn, hạn sử dụng, nếu quá hạn sử dụng phải hủy bỏ, không sử dụng nếu lọ vaccine có thay đổi về màu sắc hoặc bất kỳ sự thay đổi bất thường nào khác, không lắc lọ vaccine trước khi tiêm. Vaccine được tiêm ở bắp, liều lượng 0,5ml. Sau khi tiêm, nhân viên y tế cần ghi đầy đủ các thông tin vào phiếu/giấy xác nhận đã tiêm vaccine phòng Covid-19 trả lại cho đối tượng tiêm chủng và hẹn lần tiêm chủng sau.

Sau buổi tiêm chủng, nhân viên y tế tiếp tục bảo quản những lọ vaccine chưa mở trong hộp riêng trong môi trường lạnh từ 2-8OC. Đồng thời ghi các thông tin tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 vào danh sách quản lý đối tượng hoặc tích hợp trên hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử; thống kê báo cáo nhanh số đối tượng đã được tiêm và số vaccine đã sử dụng cho tuyến trên. Tuyến xã, huyện, tỉnh tổng hợp báo cáo dự án Tiêm chủng mở rộng, Cục Y tế dự phòng; hủy lọ vaccine sau sử dụng và bơm kim tiêm theo quy định.

Do đây là chiến dịch tiêm chủng mở rộng lớn nhất nước với trên 100 triệu mũi tiêm với loại vaccine mới nên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu tất cả cơ sở y tế tổ chức triển khai tiêm chủng phải đặt an toàn tiêm chủng lên hàng đầu, đảm bảo an toàn tối đa cho người dân và xử trí kịp thời nếu có phản ứng không mong muốn xảy ra.

13 địa phương được phân bổ vaccine phòng Covid-19 đợt đầu cần thực hiện nghiêm theo Nghị quyết 21 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận vaccine. Đối với các địa phương chưa được phân bổ vaccine phòng Covid-19 trong đợt này cần tiếp tục chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch, chỉ đạo tập huấn cho cán bộ y tế, phối hợp với các đơn vị để sẵn sàng tiếp nhận vaccine. Trong tháng 3-2021, khi có hơn 1,3 triệu liều vaccine về, Bộ Y tế sẽ phân bổ cho các địa phương để triển khai. Đến tháng 4 và tháng 5, khi lượng vaccine về nhiều hơn, Bộ Y tế sẽ tiếp tục chuyển về cho các địa phương.

An Yên

Tin xem nhiều