Hạ tầng tốt sẽ dẫn dắt kinh tế phát triển nhanh. Đây là đúc kết quan trọng và cũng là mục tiêu chiến lược đã được tỉnh thực hiện. Những năm tới, việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng tiếp tục được tỉnh xác định là động lực chính để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Hạ tầng tốt sẽ dẫn dắt kinh tế phát triển nhanh. Đây là đúc kết quan trọng và cũng là mục tiêu chiến lược đã được tỉnh Đồng Nai thực hiện trong nhiều năm qua. Những năm tới, việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ tiếp tục được tỉnh xác định là động lực chính để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và tỉnh Đồng Nai nhấn nút khởi công dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1. Ảnh: P.Tùng |
* Tập trung, ưu tiên các dự án kết nối vùng
Đồng Nai có vị trí nằm ở trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là “cửa ngõ” của đô thị lớn TP.HCM. Với vị trí đó, Đồng Nai được xem là đầu mối giao thông quan trọng trong mạng lưới giao thông kết nối liên vùng. Do đó, hàng loạt dự án hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông quan trọng cũng được Trung ương triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Với tổng vốn đầu tư 16 tỷ USD, trong đó, riêng giai đoạn 1 là hơn 4,6 tỷ USD, Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành chính là dự án đầu tư xây dựng lớn nhất của cả nước được triển khai thực hiện từ trước đến nay. Đây cũng là một trong 2 dự án trọng điểm quốc gia được triển khai trên địa bàn tỉnh.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường, sân bay Long Thành và các tuyến đường cao tốc là những dự án rất quan trọng để Đồng Nai tăng tốc phát triển. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, tỉnh đang quy hoạch các khu đô thị vệ tinh để kết nối với sân bay Long Thành. Đồng Nai không làm những đô thị xung quanh sân bay vì sau này sẽ gây khó khăn trong cất, hạ cánh máy bay mà tỉnh có những đô thị vệ tinh kết nối. Đây là cơ hội để Đồng Nai phát triển, nhất là phát triển đô thị hóa gồm các khu đô thị, khu du lịch, đô thị thông minh. |
Ngày 5-1 vừa qua, dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 đã chính thức được khởi công. Theo dự kiến, vào cuối năm 2025, sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ chính thức hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác.
Trước đó, vào tháng 9-2020, dự án Xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, một dự án trọng điểm quốc gia khác cũng đã được khởi công xây dựng.
Ngoài 2 dự án trên, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông quốc gia khác đã và đang được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh như các đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Tân Phú, Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3… Các dự án giao thông quốc gia đang được triển khai trên địa bàn tỉnh đều hướng đến mục tiêu tạo sự kết nối giao thông liên vùng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng. “Sân bay Long Thành có vị trí địa lý và khí hậu thuận lợi, được đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ hàng không tiên tiến, có khả năng tiếp thu các loại máy bay dân dụng lớn nhất, hệ thống giao thông kết nối đồng bộ. Khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh các đường bay trong nước và quốc tế, tạo nền tảng phát triển cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy kết nối nền kinh tế nước ta với thị trường ASEAN, khu vực châu Á và toàn cầu” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại lễ khởi công dự án diễn ra vào ngày 5-1 vừa qua.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, các dự án hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông được Trung ương triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, địa phương luôn xác định tập trung tối đa nguồn lực để thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai dự án. Đơn cử như dự án Sân bay Long Thành, Đồng Nai đã điều động gần 200 cán bộ từ các sở, ban, ngành và các địa phương khác về hỗ trợ cho H.Long Thành để thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng cho dự án.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, Đồng Nai là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, trách nhiệm của Đồng Nai đối với đất nước rất lớn. Chính vì vậy, trong những năm tới, Đồng Nai sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao, cụ thể là công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án hạ tầng do Trung ương triển khai trên địa bàn. “Các công trình liên vùng của Trung ương trên địa bàn, Đồng Nai phải tập trung thực hiện, ưu tiên làm để kết nối vùng” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
* Đồng bộ hệ thống hạ tầng
Xác định tiềm năng, lợi thế từ các dự án hạ tầng quốc gia đang triển khai trên địa bàn, Đồng Nai cũng đã sớm có quy hoạch các dự án hạ tầng của địa phương. Mục tiêu cao nhất mà tỉnh đặt ra là tạo sự kết nối đồng bộ giữa hệ thống hạ tầng của địa phương với các dự án hạ tầng quốc gia, đặc biệt là hạ tầng giao thông để phát huy tối đa lợi thế mà các dự án này mang lại.
Thi công xây dựng đường cao tốc Bến Lức- Long Thành đoạn qua địa bàn xã Phước Thái, H.Long Thành |
Trong năm 2020, dự án Xây dựng cầu Vàm Cái Sứt và Hương lộ 2 (đoạn 1, giai đoạn 1) đã chính thức được khởi công thực hiện. Đây là những dự án giao thông để giúp kết nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Từ đó, kết nối trung tâm hành chính, rút ngắn khoảng cách và thời gian lưu thông giữa TP.Biên Hòa với TP.HCM. Đồng thời, góp phần giảm tải lượng phương tiện trên quốc lộ 51 đang bị quá tải.
Tương tự, các dự án: Xây dựng tuyến đường nối cảng Phước An, đường 319 (đoạn từ ngã ba Bến Cam đến đường nối cảng Phước An, H.Nhơn Trạch)… được hoàn thành trong năm 2020 cũng đã tạo ra trục kết nối giữa H.Nhơn Trạch, địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất của tỉnh với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động tại các khu công nghiệp trên địa bàn H.Nhơn Trạch phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đối với “siêu sân bay” Long Thành, Đồng Nai xác định đây là dự án sẽ tạo ra sự đột phá để phát triển đối với nhiều vùng huyện của tỉnh. Do đó, thời gian qua, tỉnh đã tập trung cho công tác quy hoạch các dự án hạ tầng giao thông kết nối để có thể phát huy tối đa lợi thế của sân bay Long Thành.
Tháng 10-2020, tỉnh Đồng Nai đã chính thức bàn giao gần 2,6 ngàn ha đất trong tổng diện tích 5 ngàn ha cho Bộ GT-VT để triển khai dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1. Đối với dự án Xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đến nay, Đồng Nai đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng 96% trên tổng số 51,5km đoạn tuyến dự án đi qua địa bàn tỉnh. Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, hiện Đồng Nai đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đạt hơn 98%. |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, tất cả những gì lợi thế mà sân bay Long Thành mang lại Đồng Nai sẽ được nghiên cứu để đưa vào quy hoạch. Sau đó, tỉnh sẽ triển khai từng nội dung quy hoạch một. “Cái nào là ngân sách nhà nước làm, cái nào phải huy động vốn, kêu gọi nguồn đầu tư để thành một vùng xung quanh sân bay phát triển một cách đồng bộ và tận dụng được tối đa các lợi thế mà sân bay đem lại” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết.
Ông Nguyễn Bôn, Phó giám đốc Sở GT-VT cho biết, với mục tiêu lấy sân bay Long Thành làm trung tâm, xây dựng hệ thống giao thông kết nối các địa phương với sân bay Long Thành, đến nay Đồng Nai đã thực hiện bổ sung quy hoạch giao thông vận tải đường bộ tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, sẽ thực hiện mở mới 3 tuyến đường và nâng cấp, cải tạo, mở rộng nhiều tuyến đường khác kết nối với sân bay Long Thành.
Chủ tịch UBND Cao Tiến Dũng khẳng định, đối với các dự án hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông trên địa bàn, Đồng Nai đã có các chương trình cụ thể để triển khai thực hiện trong thời gian tới. “Tỉnh đã có chương trình cụ thể, có sự chuẩn bị nguồn lực để thực hiện các dự án nhằm bảo đảm tăng trưởng cho giai đoạn 5 năm tới” - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Phạm Tùng