Báo Đồng Nai điện tử
En

Làn sóng FDI đổ về Đồng Nai

02:01, 26/01/2021

Sau hơn 30 năm thực hiện thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Đồng Nai là một trong những địa phương thành công nhất của cả nước về lĩnh vực này và hiện nay vẫn là "điểm đến" hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Sau hơn 30 năm thực hiện thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Đồng Nai là một trong những địa phương thành công nhất của cả nước trong lĩnh vực này. Mặc dù trong khoảng 10 năm trở lại đây, tỉnh đã có sự chọn lọc trong thu hút FDI, tuy nhiên Đồng Nai vẫn là “điểm đến” hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Hằng năm, nguồn vốn FDI “đổ” vào tỉnh vẫn đạt từ 1,3-1,5 tỷ USD, vượt kế hoạch 30-50%.

Sản xuất thiết bị máy móc tại Công ty TNHH Công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom). Ảnh: Hương Giang
Sản xuất thiết bị máy móc tại Công ty TNHH Công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom). Ảnh: Hương Giang

Theo Sở KH-ĐT, tính đến cuối tháng 1-2021, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.550 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 31,7 tỷ USD. Đồng Nai vẫn đang là một trong những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Cùng với đó, việc giải ngân nguồn vốn FDI của tỉnh khá tốt, các dự án sớm hoàn thành, đưa vào khai thác.

* Thu hút hơn 8 tỷ USD

Trong giai đoạn 2016-2020, Đồng Nai thu hút nguồn vốn FDI được hơn 8,3 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra trên 3 tỷ USD. Các dự án thu hút được có ngành nghề đa dạng, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh là: ưu tiên ngành Công nghiệp hỗ trợ, sản xuất chi tiết máy móc, thiết bị, linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu cho ngành Dệt may... Thống kê cho thấy, hơn 40% dự án cấp mới trong giai đoạn này thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho các ngành sản xuất chủ lực của tỉnh, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Đồng Nai hiện đã thu hút được nguồn vốn đầu tư của 45 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Hàn Quốc chính là quốc gia dẫn đầu về nguồn vốn đầu tư vào địa bàn tỉnh với khoảng 425 dự án, tổng vốn đăng ký gần 7 tỷ USD; tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc) với 266 dự án, tổng vốn gần 5,4 tỷ USD và thứ ba là Nhật Bản với 265 dự án, tổng vốn đăng ký gần 4,9 tỷ USD. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia khác thuộc khu vực ASEAN, châu Âu cũng mở rộng đầu tư vào Đồng Nai trong giai đoạn 5 năm qua.

Theo Sở KH-ĐT, đến tháng 1-2021, có 7 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh có nguồn vốn lớn trên 1 tỷ USD là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Bristish Virgin Island. Các DN Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc chủ yếu đầu tư vào sản xuất công nghiệp. Còn DN Thái Lan, Singapore đầu tư vào các dự án bất động sản khu dân cư, khu đô thị, nông nghiệp. Trong đó, có 166 dự án đầu tư ngoài KCN với tổng vốn trên 4,8 tỷ USD.

Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà, mặc dù thu hút đầu tư của Đồng Nai trong giai đoạn 2016-2020 có chọn lọc rất kỹ, những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, sử dụng nhiều lao động, công nghệ lạc hậu đều bị từ chối, thế nhưng, dòng vốn FDI vào tỉnh hằng năm đều vượt kế hoạch đề ra. Năm 2020, dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xúc tiến đầu tư với các nước bị hạn chế, nhưng thu hút đầu tư FDI của Đồng Nai vẫn đạt 1,3 tỷ USD, vượt 30% so với kế hoạch năm. “Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ luôn coi Đồng Nai là đối tác chiến lược để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh” - ông Hồ Văn Hà cho biết.

Đặc biệt, trong vòng 5 năm trở lại đây, dòng vốn từ Hàn Quốc và Nhật Bản đầu tư vào tỉnh mỗi năm đều tăng khá cao từ 200-300 triệu USD. Cụ thể cuối năm 2019, nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc vào Đồng Nai đạt khoảng 6,5 tỷ USD, đến tháng 12-2020 đã tăng lên 6,83 tỷ USD và đến cuối tháng 1-2021, con số này đã đạt gần 7 tỷ USD. Tương tự tháng 12-2019, nguồn vốn đầu tư của các DN Nhật Bản đạt 4,6 tỷ USD, đến tháng 1-2021, đã tăng lên 4,9 tỷ USD.

Ông Ueda Masaya, Tổng thư ký Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM cho biết: “Khoảng 5 năm trở lại đây, các DN Nhật Bản đã liên tục mở rộng và đầu tư mới vào Đồng Nai trên lĩnh vực công nghiệp. Các dự án đầu tư vào tỉnh hầu hết có công nghệ hiện đại, sử dụng ít lao động, thân thiện với môi trường, phù hợp với yêu cầu của tỉnh. Đồng Nai là điểm đến được nhiều DN Nhật Bản lựa chọn vì các dự án đầu tư vào tỉnh hầu hết đều thành công”.

Các DN Nhật Bản chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, sản xuất máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, máy tính, linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu cho ngành Dệt may... DN Hàn Quốc đầu tư nhiều vào lĩnh vực sản xuất nguyên phụ liệu, vải, sợi cho ngành Dệt may, Giày dép, Sản xuất gỗ.

* Góp phần xây dựng thương hiệu Đồng Nai

Những năm qua, nhiều tập đoàn lớn của thế giới đã chọn Đồng Nai là điểm đến đầu tiên khi quyết định đầu tư vào Việt Nam. Đơn cử như Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) hiện đang dẫn đầu trong các DN FDI đầu tư vào tỉnh với nguồn vốn hơn 1,5 tỷ USD. Sau khi đầu tư vào Đồng Nai thành công, tập đoàn này đã mở rộng ra các tỉnh, thành khác.

Tập đoàn CP (Thái Lan) hiện cũng đã có hơn 25 năm đầu tư vào tỉnh. Khởi đầu với việc đầu tư nguồn vốn vào lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, sau khi đạt được nhiều thành công, hiện CP đã đầu tư thêm nguồn vốn, mở rộng lĩnh vực kinh doanh, hình thành chuỗi khép kín trong chăn nuôi. CP hiện đã có nhà máy trải dài từ Nam ra Bắc.

Hiện nay, Đồng Nai đã được Chính phủ quy hoạch 38 KCN, trong đó 32 KCN được thành lập với tổng diện tích 16,7 ngàn ha, diện tích đã cho thuê chiếm tỷ lệ trên 82% diện tích đất dùng cho thuê. Trong nguồn vốn thu hút vào các KCN trên địa bàn tỉnh có gần  86% thuộc các DN FDI.

Tương tự, Tập đoàn Amata (Thái Lan) sau khi đạt được thành công trong lĩnh vực kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (KCN) tại Đồng Nai đã tiếp tục mở rộng đầu tư ra tỉnh Quảng Ninh...

Bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Công ty CP Amata Việt Nam cho biết, KCN Amata (TP.Biên Hòa) do công ty đầu tư được đánh giá là KCN kiểu mẫu của Việt Nam. Đây là KCN thu hút được nhiều DN FDI từ các nước vào đầu tư và hoạt động rất hiệu quả. Sau thành công bước đầu, hiện công ty tiếp tục mở rộng đầu tư ở Đồng Nai với 4 dự án khác tại H.Long Thành gồm: 1 dự án KCN công nghệ cao và 3 dự án khu đô thị, dịch vụ. Đồng thời, công ty cũng thực hiện đầu tư thêm dự án tại tỉnh Quảng Ninh.

Theo các tổng lãnh sự, chủ tịch hiệp hội DN nước ngoài ở Đồng Nai, trong khu vực phía Nam, Đồng Nai là nơi có nhiều tiềm năng, do đó các tập đoàn FDI rất muốn đầu tư. Phần lớn những DN đã có nhà máy sản xuất trên địa bàn tỉnh đều muốn mở rộng đầu tư để cung ứng sản phẩm cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.

Đồ họa thể hiện một số kết quả về thu hút đầu tư FDI của Đồng Nai trong giai đoạn 2016-2020 (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện một số kết quả về thu hút đầu tư FDI của Đồng Nai trong giai đoạn 2016-2020 (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Ông Kim Byunggi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hansol Electronics Vietnam Hochiminhcity (thuộc Tập đoàn Hansol Technics, Hàn Quốc) cho biết: “Sau khi đầu tư vài chục triệu USD vào nhà máy trong KCN Amata hoạt động hiệu quả, mới đây, công ty quyết định đầu tư tiếp một dự án khác ở KCN Hố Nai giai đoạn 2 với tổng vốn 100 triệu USD. Dự kiến khoảng 1 năm sau, nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào sản xuất, gia công và lắp ráp linh kiện điện tử cung ứng cho Tập đoàn Samsung”.

Các tập đoàn FDI lớn đầu tư vào tỉnh hiệu quả đã góp phần xây dựng thương hiệu cho Đồng Nai, giúp các DN FDI tin tưởng hơn vào môi trường đầu tư của tỉnh. Đặc biệt, các tập đoàn FDI khi vào Đồng Nai thường thu hút thêm các DN FDI trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đến để sản xuất, cung ứng sản phẩm đầu vào. Vì thế, các doanh nghiệp FDI đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh. Trong giai đoạn 2016-2020, DN FDI đóng góp gần 47% trong GRDP của tỉnh.

Trong giá trị sản lượng công nghiệp của tỉnh, DN FDI chiếm tỉ trọng 62%, giải quyết việc làm cho gần  600 ngàn lao động trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, mỗi năm DN FDI đóng góp cho ngân sách trên 1 tỷ USD. “Nguồn vốn FDI đã trở thành một bộ phận quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đồng Nai đã có sự phát triển mạnh về công nghiệp, quy mô giá trị sản xuất công nghiệp tăng 8-9%/năm có sự góp sức lớn từ DN FDI” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đánh giá.

Trong 5 năm qua, không chỉ trên lĩnh vực công nghiệp, nguồn vốn FDI cũng đã chuyển hướng, đầu tư sang các lĩnh vực dịch vụ, nông nghiệp, nông thôn... Do đó, năm 2020, dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng GRDP của Đồng Nai vẫn giữ mức tăng trưởng 4,4%, cao hơn bình quân cả nước 1,49%. Nguồn vốn FDI đầu tư vào tỉnh đã giúp cho cơ cấu ngành biến đổi nhanh theo hướng giảm tỉ trọng nông nghiệp, tăng tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ và nâng cao thu nhập của người dân trên địa bàn tỉnh.

Hương Giang

Tin xem nhiều