Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảm bảo trực cấp cứu Tết Nguyên đán

09:01, 26/01/2021

Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang cận kề. Các bệnh viện trong tỉnh đã và đang lên kế hoạch chuẩn bị cho công tác trực cấp cứu những ngày nghỉ Tết Nguyên đán.

Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang cận kề. Các bệnh viện trong tỉnh đã và đang lên kế hoạch chuẩn bị cho công tác trực cấp cứu những ngày nghỉ Tết Nguyên đán.

Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung (trái) động viên các y, bác sĩ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thực hiện tốt nhiệm vụ cấp cứu dịp Tết Nguyên đán 2021. Ảnh: Hạnh Dung
Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung (trái) động viên các y, bác sĩ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thực hiện tốt nhiệm vụ cấp cứu dịp Tết Nguyên đán 2021. Ảnh: Hạnh Dung

Năm nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường nên bên cạnh việc lên kế hoạch trực cấp cứu thông thường, các bệnh viện cũng luôn trong tư thế sẵn sàng, chủ động để ứng phó với tình huống khi có dịch bệnh bất ngờ xảy ra.

* Không lo thiếu nguồn máu dự trữ

BS CKII Lê Văn Thống Nhất, Trưởng khoa Huyết học truyền máu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, những tháng cuối năm 2020 và tháng đầu của năm 2021, lượng máu dự trữ tại bệnh viện khá ổn định. Nguyên nhân là do những tháng đầu năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến việc tập trung đông người để tổ chức tiếp nhận máu hiến rất khó khăn. Những tháng sau đó, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt nên các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh, các bệnh viện đã phối hợp với Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tổ chức nhiều đợt tiếp nhận máu và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía người dân. Chính vì vậy, từ nay đến Tết Nguyên đán 2021, bệnh viện không lo xảy ra thiếu máu phục vụ công tác cấp cứu và chữa bệnh cho bệnh nhân.

Những bệnh cấp cứu thường gặp trong những ngày nghỉ tết gồm: rối loạn tiêu hóa, tai nạn giao thông, tai nạn thương tích, đả thương. Đối với trẻ em, người lớn cần đề phòng các tai nạn do trẻ chơi các trò chơi, ngạt nước khi bơi hoặc bị điện giật, bỏng nước sôi, tai nạn giao thông. Phụ huynh cần lưu ý để đảm bảo an toàn cho trẻ. Người lớn không nên uống rượu, bia rồi lái xe chở theo con nhỏ. Với những trẻ dưới 3 tuổi, phụ huynh luôn phải theo sát, để xa tầm tay của trẻ những chai, lọ, đồ ăn, thức uống nóng, các loại thuốc dạng lỏng… để tránh tai nạn đáng tiếc.

BS Thống Nhất cho hay, mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai có nhu cầu sử dụng trên dưới 40 đơn vị hồng cầu. Cơ số máu dự trữ hiện có khoảng 300 đơn vị máu, đủ đáp ứng sử dụng trong vòng từ 7-10 ngày. Nguồn máu dự trữ mà Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp cho bệnh viện khá đầy đủ, khi nào bệnh viện cần sẽ được cấp.

Quy trình cấp phát máu cho các khoa, phòng trong bệnh viện chia thành 2 nhóm: thường quy và cấp cứu. Đối với nhóm thường quy, các khoa, phòng liên quan sẽ lên kế hoạch dự trù nguồn máu đối với những bệnh nhân thiếu máu mạn hoặc có nhu cầu truyền máu, có kế hoạch phẫu thuật rồi gửi về Khoa Xét nghiệm. Khoa Xét nghiệm sẽ xem xét, khi đầy đủ các quy trình, thủ tục sẽ thông báo để các khoa, phòng lên nhận máu về khoa. Đối với nhóm cấp cứu, hiện bệnh viện có một quy trình báo động đỏ chung đối với những bệnh nhân nguy cấp. Khoa Cấp cứu sẽ báo động tất cả các chuyên khoa liên quan trong bệnh viện như: Ngoại tổng quát, Ngoại chấn thương chỉnh hình, Ngoại thần kinh, Tim mạch, Hồi sức tích cực chống độc… trong trường hợp có bệnh nhân nguy cấp. Nếu bệnh nhân cần phẫu thuật, truyền máu thì phòng mổ sẽ báo số lượng máu cần thiết và mẫu máu lên Khoa Xét nghiệm, khoa sẽ chuyển máu lên.

Điều dưỡng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chăm sóc bệnh nhân cần cấp cứu. Ảnh: Hạnh Dung
Điều dưỡng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chăm sóc bệnh nhân cần cấp cứu. Ảnh: Hạnh Dung

Đối với quy trình báo động đỏ, Khoa Xét nghiệm cam kết trong vòng 15 phút sẽ chuyển máu đến để truyền cho bệnh nhân. Dĩ nhiên, tất cả các yêu cầu, tiêu chuẩn về an toàn máu phải được đảm bảo nhằm mục đích an toàn cho bệnh nhân. Các bác sĩ chuyên khoa liên quan cũng cam kết trong vòng 5 phút sẽ có mặt tại Khoa Cấp cứu để cùng hội chẩn và thực hiện cấp cứu cho bệnh nhân.

Là bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các ca cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông trong các dịp Tết Nguyên đán trước đó, năm nay Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cũng không lo thiếu nguồn máu dự trữ.

Trưởng khoa Xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh Hồ Văn Thúc chia sẻ, nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy, Hội Chữ thập đỏ TP.Long Khánh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và cách làm linh hoạt trong tiếp nhận máu hiến của bệnh viện mà vài tháng nay, nguồn máu dự trữ tại bệnh viện luôn dồi dào.

“Trung bình mỗi tháng, bệnh viện sử dụng khoảng 300 đơn vị máu. Hiện tại, trong kho của bệnh viện còn khoảng 50 đơn vị máu dự trữ, đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng trong vòng 5-6 ngày ở điều kiện bình thường. Cứ 2-3 ngày, chúng tôi lại lên Bệnh viện Chợ Rẫy lấy máu một lần nên không lo thiếu hụt nguồn máu phục vụ cấp cứu dịp Tết Nguyên đán sắp tới” - dược sĩ Thúc nói.

* Đảm bảo đủ nhân lực, thuốc men

Theo BS CKII Nguyễn Xuân Hoàng, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, dịp Tết Nguyên đán, các phòng khám đa khoa tư nhân đều đóng cửa, lại là năm đầu tiên thực hiện thông tuyến tỉnh điều trị nội trú bảo hiểm y tế nên dự báo Tết Nguyên đán năm nay, lượng bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai sẽ đông hơn những năm trước.

Thời điểm này, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã phân công lịch trực Tết Nguyên đán 24/24 giờ đối với các bác sĩ, nhân viên trong khoa. Những ngày Tết Nguyên đán, ngoài kíp trực thông thường, khoa còn bổ sung thêm một kíp trực thường trú (bao gồm những bác sĩ không phải trong ca trực, có thể ở nhà nhưng phải luôn luôn mở điện thoại để bất kể khi nào bệnh viện gọi điện và cần sẽ có mặt kịp thời trong vòng 30 phút để hỗ trợ công tác cấp cứu). Cơ số máy móc, thuốc men, trang thiết bị phục vụ công tác cấp cứu cũng đã được khoa chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng để đáp ứng với từng cấp độ số lượng bệnh nhân cấp cứu. Tổng số cán bộ, y, bác sĩ cơ hữu trong Khoa Cấp cứu hiện là 100 người, trong đó có 15 bác sĩ. Mỗi 3 tháng, sẽ có thêm 20 bác sĩ của các khoa khác trong bệnh viện xuống tăng cường. Như vậy, mỗi tháng ở Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai có khoảng 120 cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên làm việc.

“Mỗi kíp trực thường trực ở Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai có 6 bác sĩ, 20 điều dưỡng; kíp trực thường trú gồm 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng. Yêu cầu đối với bác sĩ trưởng tua phải có kinh nghiệm, chuyên môn vững, kinh nghiệm trong giao tiếp, uy tín trong kíp trực. Trong tình huống bệnh nhân đông đột xuất thì trực lãnh đạo bệnh viện sẽ huy động nhân viên ở các khoa, trại khác trong bệnh viện đến Khoa Cấp cứu để tăng cường” - BS Hoàng cho biết.

Còn BS CKI Trần Đức Anh, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai bộc bạch, những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, lượng bệnh nhân thường đông gấp đôi, gấp 3 so với ngày thường (khoảng 100-120 ca/ngày), tập trung chủ yếu là các bệnh đường tiêu hóa, chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn thương tích. Vì thế, khoa đã sắp xếp tăng cường tua trực, thuốc men, vật tư, hóa chất để phục vụ công tác trực cấp cứu, nhằm đảm bảo đủ nhân lực, thuốc men để vận hành trơn tru.

Khoa Cấp cứu Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai hiện có 7 bác sĩ và 20 điều dưỡng. Ngày Tết, các bác sĩ, điều dưỡng trong khoa thường phải tăng cường, thời gian ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Mỗi kíp trực tại Khoa Cấp cứu gồm từ 1-2 bác sĩ chuyên về cấp cứu và 6-7 điều dưỡng. Các chuyên khoa khác cũng đều có bác sĩ trực riêng.

Đối với Bệnh viện đại học y dược Shing Mark (TP.Biên Hòa), nơi thường xuyên tiếp nhận những ca tai nạn giao thông trên tuyến quốc lộ 51, hiện cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết cả về nhân lực lẫn trang thiết bị, máy móc để trực cấp cứu dịp Tết Nguyên đán 2021. Bệnh viện đã dự trù và chuẩn bị lượng thuốc gấp đôi, gấp ba ngày bình thường trong những ngày nghỉ tết. Những trang thiết bị y tế cần thiết như: máy giúp thở cố định, điện tim, siêu âm, máy sốc điện, máy giúp thở di động… cũng được chuẩn bị sẵn sàng. Bệnh viện đã chuẩn bị 2 xe cấp cứu cùng đội cấp cứu chuyển viện để đảm bảo công tác chuyển viện an toàn, nhanh chóng đối với những trường hợp bệnh nặng, vượt quá khả năng.

* Xây dựng kịch bản ứng phó khi có dịch bệnh Covid-19

Thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, trẻ em được gia đình cho đi chơi nhiều nên có khả năng xảy ra các tai nạn thương tích nhiều hơn so với ngày thường. Do đó, việc đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán rất quan trọng.

Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Lê Đa Hà chia sẻ, hiện tại, Khoa Cấp cứu và Khoa Khám bệnh cũ của bệnh viện đã được đập bỏ để sửa chữa. Do đó, Khoa Khám bệnh và Khoa Cấp cứu được di chuyển vào phía trong bệnh viện, gần khu vực Khoa Bệnh nhiệt đới. Việc Khoa Cấp cứu được đưa vào phía trong thay vì ở gần cổng ra vào như trước kia cũng ít nhiều gây khó khăn trong việc tiếp cận đối với bệnh nhân. Chính vì thế, bệnh viện đã làm các biển báo để chỉ dẫn người bệnh và thân nhân người bệnh đường đi vào Khoa Cấp cứu. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, bệnh viện cũng luôn trong tư thế chủ động, sẵn sàng để ứng phó khi có vấn đề xảy ra.

Tủ máu dự trữ tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai hiện có khoảng 300 đơn vị máu. Ảnh: Hạnh Dung
Tủ máu dự trữ tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai hiện có khoảng 300 đơn vị máu. Ảnh: Hạnh Dung

“Bệnh viện đã lên kịch bản và đã từng tổ chức diễn tập việc tiếp nhận bệnh nhi nghi bị nhiễm Covid-19. Nhân viên y tế của Khoa Cấp cứu và các khoa, phòng liên quan đã được tập huấn khá kỹ nên có thể đáp ứng tốt khi có tình huống thật xảy ra” - BS Đa Hà cho biết.

Tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, để đối phó với tình huống có bệnh nhân nhiễm Covid-19 vào cấp cứu, ngay từ đầu năm 2020, bệnh viện đã bố trí phòng cách ly đối với những trường hợp này. Đồng thời, bệnh viện tổ chức diễn tập để nhân viên y tế làm quen và biết cách thực hiện, tránh để dịch bệnh lây lan trong cơ sở y tế.

Theo quy định, dù ngày Tết hay ngày thường, tất cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân khi vào Khoa Cấp cứu nói riêng và bệnh viện nói chung đều phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay nhanh. Trường hợp bệnh nhân bị suy hô hấp phải thở máy, thở oxy thì mới không phải đeo khẩu trang. Những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ đều được đưa vào phòng cách ly để thăm khám trước.

Một trong những vấn đề khiến các y, bác sĩ cấp cứu phải “đau đầu” đó là tâm lý kích động của một bộ phận bệnh nhân, người nhà bệnh nhân khi vào khoa cấp cứu. Theo chia sẻ của nhiều bác sĩ, khi vào cấp cứu, ai cũng nghĩ mình bị bệnh nặng. Do đó, khi thấy y, bác sĩ chậm trễ thăm khám thì có những lời nói mang tính xúc phạm, thậm chí hành hung bác sĩ. Các bác sĩ cho rằng, bệnh nhân khi vào Khoa Cấp cứu thì không có ai bị bệnh nặng mà bị bỏ rơi hay chậm trễ trong việc thăm khám, điều trị. Chỉ có những trường hợp nghĩ rằng bản thân/người thân bị bệnh nặng nhưng bác sĩ đánh giá không nặng bằng những trường hợp khác nên bác sĩ sẽ ưu tiên cứu chữa những ca bệnh nặng trước. Những trường hợp nguy hiểm đến tính mạng sẽ được cấp cứu trong vòng 5 phút. Sau đó mới đến lượt những bệnh nhân bị nhẹ hơn, không nguy hiểm đến tính mạng (khám trong vòng 30 phút), và những bệnh nhân không thuộc diện phải cấp cứu (khám trong vòng 2 giờ đồng hồ do số lượng bác sĩ hạn chế).

Cũng chính bởi vì thế mà ngoài kiến thức chuyên môn thông thường, các bác sĩ, điều dưỡng Khoa Cấp cứu của các bệnh viện còn phải có kỹ năng giao tiếp tốt. Làm sao để giải thích giúp người nhà bệnh nhân và bệnh nhân hiểu được tình hình đang diễn ra và cùng phối hợp thực hiện tốt. Những trường hợp quá khích, kích động, có lời nói, hành động xúc phạm y, bác sĩ sẽ bị lực lượng bảo vệ bệnh viện cách ly hoặc giao công an xử lý.

Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh

Thực hiện Chỉ thị số 02/CT-UBT ngày 12-1-2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc Tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ đã ký văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc, cơ sở y tế trong tỉnh tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 và các bệnh có nguy cơ bùng phát theo mùa.

Thực hiện nghiêm các chỉ đạo, quy định trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo tuyệt đối an toàn đối với các hoạt động tập trung đông người; có phương án, kịch bản đáp ứng phòng, chống dịch bệnh; thực hiện phương châm 4 tại chỗ khi dịch bệnh xảy ra. Chủ động giám sát, phát hiện các tác nhân gây bệnh và xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh, không để dịch bệnh bùng phát lây lan. Cập nhật phác đồ điều trị, dự trữ thuốc, vật tư, thiết bị y tế, chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. Thực hiện nghiêm các quy định về quản lý nhập cảnh, kiểm dịch y tế. Rà soát, kiểm tra chặt chẽ giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 đối với tất cả trường hợp là chuyên gia nhập cảnh, du học sinh, Việt kiều trở về nước.

Tăng cường thanh, kiểm tra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán; phối hợp tổ chức hiệu quả công tác kiểm tra liên ngành, thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng; lấy mẫu xét nghiệm các thực phẩm nhập khẩu để xác định đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Tổ chức tốt công tác khám, chữa bệnh, các cơ sở y tế ứng trực 24/24 giờ; dự trữ đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, trang thiết bị, hóa chất, phương tiện đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, đặc biệt kịp thời xử lý các trường hợp cấp cứu do tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm. Duy trì tổ chức, thực hiện nghiêm các quy định về sàng lọc, phân loại, phân luồng, đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện, tiếp tục mở rộng xét nghiệm cho các đối tượng nghi ngờ, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống Covid-19 trong bệnh viện.

Hạnh Dung


Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung: Đề cao cảnh giác với dịch bệnh Covid-19

Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các bệnh viện trong tỉnh tăng cường trực cấp cứu, trực đường dây nóng, bảo đảm về nhân lực, thuốc men, hóa chất, nguồn máu… để bảo đảm cấp cứu 24/24 giờ cho người bệnh trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2021. Bên cạnh đó, dịp Tết người dân đi du lịch nhiều, lại là mùa lạnh nên dịch bệnh Covid-19 có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Vì vậy, các đơn vị phải luôn luôn trong tư thế sẵn sàng để đối phó với dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan nếu có ca nhiễm.

BS CKII Nguyễn Xuân Hoàng, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai: Cần có hỗ trợ tương xứng với nhân viên y tế trực tết

Tôi làm việc ở bệnh viện đã được 14 năm và có 4 năm làm ở Khoa Cấp cứu. Trong 4 năm qua, tôi chưa được về quê đón Tết vì dù có trực ở bệnh viện hay không thì điện thoại vẫn luôn phải mở và nếu bệnh viện cần hỗ trợ sẽ phải có mặt trong vòng 30 phút. Ngày Tết, ai cũng muốn ở nhà sum vầy với gia đình nhưng đặc thù công việc của ngành Y nên các y, bác sĩ khi đã chọn gắn bó với ngành đều phải chấp nhận. Tuy nhiên, so với cơ sở y tế tư nhân, chế độ, chính sách đối với các y, bác sĩ trực lễ, tết ở cơ sở y tế công lập thấp hơn rất nhiều. Điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý làm việc trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán. Chúng tôi hy vọng, những năm sau, chế độ trực Tết Nguyên đán của nhân viên y tế các bệnh viện công lập sẽ được điều chỉnh để phù hợp, tương xứng hơn.

BS CKI Trần Đức Anh, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai: Đêm giao thừa là thời điểm đông bệnh nhân nhất

Cả 7 bác sĩ và 20 điều dưỡng của Khoa Cấp cứu không có người nào quê ở Đồng Nai mà ở nhiều tỉnh, thành khác nhau trong cả nước, chủ yếu là miền Trung, Tây nguyên. Do đó, hằng năm, mọi người thay phiên phân công nhau trực cấp cứu đêm giao thừa. Đêm giao thừa là thời điểm đông bệnh nhân nhập viện cấp cứu nhất năm nên kíp trực cấp cứu khá vất vả, chủ yếu là bệnh về đường tiêu hóa, tai nạn giao thông. Sau khi tiếp nhận, phân loại, khám ban đầu, bệnh thuộc chuyên khoa nào, bác sĩ Khoa Cấp cứu sẽ mời bác sĩ của chuyên khoa đó cùng hội chẩn và đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho người bệnh. Năm nay, ngoài tình hình cấp cứu bình thường, các bác sĩ, điều dưỡng cấp cứu còn có thêm việc là trực các chốt kiểm dịch trong bệnh viện để phòng, chống dịch Covid-19.

An Yên (ghi)


 

Tin xem nhiều
Danh mục hộp quà tặng tết cho nhân viên thiết thực nhất