Thế giới năm 2020 đã trải qua biến động chưa từng có dưới tác động của dịch Covid-19. Những tác động tiêu cực bao phủ hầu hết các mặt của đời sống, trong đó có vấn đề giao thương quốc tế. Là một nước có độ mở kinh tế lớn, sự tăng trưởng, phát triển bền vững của Việt Nam phụ thuộc một phần quan trọng từ thị trường xuất khẩu.
Thế giới năm 2020 đã trải qua biến động chưa từng có dưới tác động của dịch Covid-19. Những tác động tiêu cực bao phủ hầu hết các mặt của đời sống, trong đó có vấn đề giao thương quốc tế. Là một nước có độ mở kinh tế lớn, sự tăng trưởng, phát triển bền vững của Việt Nam phụ thuộc một phần quan trọng từ thị trường xuất khẩu. Trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng đến kế hoạch xuất khẩu của đất nước, của từng doanh nghiệp (DN) thì yêu cầu phải thay đổi để thích ứng càng đặt ra bức thiết.
Ở góc độ quốc gia, những năm qua, Việt Nam đã có những thành quả tích cực, hàng loạt hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương mà Việt Nam tham gia là cơ hội lớn cho DN tiếp cận một cách thuận lợi hơn đối với thị trường nước ngoài. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của đất nước liên tục có những kỷ lục mới nhưng nhìn nhận một cách khách quan, thị trường xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc khá lớn vào một số thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Ngoài các thị trường trọng điểm thì trách nhiệm từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương là sự nỗ lực hỗ trợ thêm cho cộng đồng DN tiến chân vào các thị trường mới thông qua những chương trình xúc tiến thương mại, giao thương cả trực tiếp lẫn gián tiếp qua internet. Việc xúc tiến thương mại cũng cần được đổi mới, thay đổi hạn chế truyền thống là mang những cái mình có nhưng thế giới lại không thực sự có nhu cầu. Thay đổi ở đây là thay đổi tư duy, định hướng thị trường, nắm được xu thế phát triển, thị hiếu khách hàng để có sản phẩm, giải pháp phù hợp.
Theo quan điểm của marketing hiện đại thì mở rộng thị trường không chỉ là việc phát triển thêm các thị trường mới mà còn là tăng thị phần của các sản phẩm ở các thị trường cũ. Gia tăng sản phẩm, chủng loại hàng hóa mà Việt Nam có thể cung ứng, đa dạng hóa sức cạnh tranh của sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam cũng là cách nâng tầm thương hiệu quốc gia trên thị trường quốc tế. Do vậy, yêu cầu của đổi mới xúc tiến thương mại còn là đa dạng, linh hoạt và lồng ghép các nguồn lực trong, ngoài nước để quảng bá năng lực sản xuất, thế mạnh của sản phẩm Việt Nam để trở thành quốc gia xuất khẩu có năng lực,
uy tín.
Đối với cộng đồng DN nói chung và từng DN nói riêng, các hiệp định thương mại tự do là cánh cửa để mở rộng xuất khẩu song từng đơn vị có thể vào được cửa hay không là vấn đề khác. Hạn chế lớn nhất của DN hiện nay chính là khả năng tuân thủ các luật lệ, tiêu chuẩn quốc tế còn yếu.
Nếu DN chỉ xem việc tuân thủ các yêu cầu về phát triển bền vững sẽ làm tăng chi phí mà chưa nhận thấy nguy cơ nếu không cải thiện chất lượng hàng hóa gắn với phát triển bền vững thì sẽ bị hạn chế xuất khẩu trong bối cảnh phòng vệ thương mại gia tăng trong tương lai. Bởi mỗi quốc gia vẫn có thể dựng lên bức tường phòng vệ để bảo vệ sản phẩm của DN trong nước trước sự cạnh tranh từ quốc gia khác. Thay đổi tư duy sản xuất, tư duy hội nhập vì thế ngày càng trở nên quan trọng.
Vi Lâm