Các hiệp định thương mại tự do (FTA) được coi là chìa khóa để mở cánh cửa thông thương hàng hóa của Việt Nam ra thị trường quốc tế, tuy nhiên đó mới chỉ là điều kiện cần...
Các hiệp định thương mại tự do (FTA) được coi là chìa khóa để mở cánh cửa thông thương hàng hóa của Việt Nam ra thị trường quốc tế, tuy nhiên đó mới chỉ là điều kiện cần. Ở mỗi quốc gia khác nhau lại có những nhu cầu về sản phẩm khác nhau, đồng thời chính quyền các nước cũng có xu hướng sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ sản phẩm nội địa.
Doanh nghiệp Đồng Nai và Nhật Bản tìm hiểu cơ hội hợp tác. Ảnh: V.Thế |
[links()]Do vậy, đối với doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng xuất khẩu, muốn bán được cho đối tác trước hết phải nắm rõ thị trường.
* Thay đổi tư duy sản xuất để tiếp cận thị trường mới
Cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu là rất lớn nhưng để hiện thực hóa cơ hội, trước tiên, DN cần phải tự đổi mới mình để nâng cao năng lực sản xuất. Trong đó, chủ động đầu tư và đổi mới trang thiết bị công nghệ theo chiều sâu, đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo sự liên kết để xây dựng chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh lâu dài là giải pháp quan trọng.
Ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tân Seiko (TP.Biên Hòa), một DN chuyên sản xuất sản phẩm nhựa, khuôn ép nhựa công nghiệp, nhựa gia dụng, linh kiện, phụ tùng ngành nhựa phục vụ các DN ngành y tế và sản xuất đồ gia dụng cho hay, mục tiêu trong những năm tới của công ty là cố gắng bán được hàng cho Nhật Bản. Để đạt được mục tiêu này, DN đã không ngừng nâng cấp năng lực sản xuất, hiện nay sản phẩm của công ty được khá nhiều DN trong khu vực đặt hàng, tuy nhiên để có thể đạt được mục tiêu cung ứng hàng một cách bền vững cần phải nỗ lực nhiều hơn.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc thay đổi tư duy sản xuất còn là sự chủ động để tìm kiếm thông tin thị trường thay vì để khách hàng tự tìm tới mình. Có được thông tin là DN sẽ có điều kiện xây dựng kế hoạch đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện cho sản phẩm xuất khẩu. Thông qua đó, tránh những rủi ro đáng tiếc hay thiệt hại về kinh tế như tình trạng sản xuất đại trà, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, không xuất khẩu được và ùn ứ, tồn kho… DN Việt Nam trước khi xuất khẩu cần tìm hiểu và đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật tại các thị trường muốn xuất khẩu. Các hiệp định thương mại chủ yếu đem lại cơ hội về giảm thuế, nhưng vấn đề về kỹ thuật thì “vẫn còn nguyên ở đó”.
Trong một thế giới biến đổi từng ngày, các mối quan hệ kinh tế chằng chịt, phụ thuộc lẫn nhau thì bất cứ cấp độ quốc gia hay cấp độ DN cũng phải tìm sự liên kết để có được thông tin. Thị trường hiện nay không chỉ bó hẹp ở một địa phương hay một quốc gia, mà còn là thế giới và đối tác. Trong một thế giới đổi thay như hiện nay, muốn đi nhanh phải đi với thị trường và những xu thế mới. Với công nghệ hiện nay, không chỉ bán cái thị trường cần, mà phải biết tạo dựng cả thị trường dựa trên những sản phẩm phù hợp xu thế.
* Cẩn trọng đối với các thị trường mới
Việc tìm kiếm thị trường mới, đảm bảo cho sự phát triển ổn định của DN xuất khẩu cũng cần phải đặc biệt cẩn trọng trong việc nắm bắt thông tin có thể chỉ “sai một ly nhưng đi cả dặm”, hậu quả cuối cùng gánh chịu không ai khác chính là DN.
Vào tháng 4-2020, Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Gambia, Mali, Niger và Senegal đã phải phát thông báo đã nhận được thư của một số DN Việt Nam trao đổi về những khó khăn trong khâu thanh toán xuất, nhập khẩu với đối tác châu Phi.
Theo đó, tranh chấp trong hợp đồng xuất, nhập khẩu thường xảy ra khi các nhà nhập khẩu châu Phi thường đề nghị mua hàng trả chậm, hình thức CIF (giao hàng tại cảng đến) và không mở thư tín dụng (Letter of Credit L/C) do chi phí cao. Trả chậm là phương thức thanh toán không an toàn, gây bất lợi cho DN Việt Nam.
Ngoài ra, còn xuất hiện một số vấn đề khác trong khâu thanh toán như đối tác lừa đảo để lấy bộ chứng từ không qua ngân hàng. Sau khi nhận được bộ chứng từ, khách làm thủ tục lấy hàng từ cảng mà không thanh toán qua ngân hàng. Một số vụ việc đã có sự tiếp tay của nhân viên ngân hàng với khách hàng để không thanh toán.
Không chỉ khu vực châu Phi, một số nước khu vực Trung Đông, Nam Mỹ… cũng là thị trường chưa phải trọng điểm đối với DN xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, do vậy cần phải thật sự am hiểu trước khi tính toán hợp tác. Đó là chưa kể có sự lừa đảo trên thị trường. Tháng 7-2020, Bộ Công thương đưa ra khuyến cáo, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu khi tiến hành hợp tác thương mại với các công ty Na Uy cần xác minh cẩn thận về đối tác để tránh bị lừa đảo. Đối tượng lừa đảo lập các website giả danh các công ty xuất khẩu thủy sản có thật với đầu mối liên hệ là giả mạo. Do vậy, DN cần tìm hiểu kỹ để tránh những rắc rối, thậm chí khiếu kiện phát sinh.
Chính vì vậy mà một số DN vẫn còn khá ngần ngại trong việc độc lập xuất khẩu. Theo đại diện một DN chuyên làm hàng gỗ xuất khẩu ở Biên Hòa, sản phẩm của đơn vị đáp ứng được các yếu tố chất lượng, mẫu mã cho cả những nước Âu, Mỹ, tuy nhiên hiện nay hàng xuất khẩu vẫn đang làm theo hình thức gia công. Lý do là DN vẫn chưa thật sự chuẩn bị sẵn sàng sản xuất gia công cho những nhãn hàng lớn là một cách để học học kinh nghiệm trước khi có những kế hoạch dài hơi hơn.
Vương Thế