Báo Đồng Nai điện tử
En

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tăng trưởng bền vững

03:12, 31/12/2020

Trong một năm mà thế giới biến động mạnh vì đại dịch Covid-19, đặc biệt đối với nền kinh tế thiên về xuất khẩu của Việt Nam thì sự phụ thuộc vào thị trường thế giới là rất lớn.

Trong một năm mà thế giới biến động mạnh vì đại dịch Covid-19, đặc biệt đối với nền kinh tế thiên về xuất khẩu của Việt Nam thì sự phụ thuộc vào thị trường thế giới là rất lớn. Bài toán đa dạng hóa thị trường xuất khẩu một lần nữa được đặt ra khi một số thị trường lớn, bạn hàng truyền thống của nước ta tạm thời đóng cửa để hạn chế dịch bệnh khiến cho xuất khẩu lao đao theo.

Đồ họa thể hiện tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Đồng Nai trong năm 2020 - Nguồn: Cục Thống kê Đồng Nai. (Thông tin: Văn Gia - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Đồng Nai trong năm 2020 - Nguồn: Cục Thống kê Đồng Nai. (Thông tin: Văn Gia - Đồ họa: Hải Quân)

[links()]Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tăng trưởng bền vững trong tương lai, tránh tổn thất do biến động thế giới là yêu cầu tất yếu, song để tìm kiếm thị trường mới cũng không dễ. Ngoài những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp (DN) thì sự định hướng, tạo thuận lợi thương mại nhằm tận dụng những ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết là rất quan trọng.

* Nỗ lực tìm kiếm thị trường xuất khẩu trong đại dịch

Là nền kinh tế có độ mở lớn, xuất - nhập khẩu đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, việc tìm kiếm thị trường để tránh phụ thuộc vào một số thị trường nhất định đang được Bộ Công thương tập trung thực hiện nhằm đạt mục tiêu mà Chính phủ kỳ vọng.

Theo các chuyên gia thương mại, với tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu, Việt Nam đang nỗ lực để từng bước đa dạng hóa thị trường, tránh rủi ro khi phụ thuộc vào một số bạn hàng truyền thống, thị trường lớn. Kết quả của nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là Việt Nam đã và đang ký kết 16 FTA song phương, đa phương với các đối tác quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI) nhận định, các FTA mang lại nhiều lợi thế cho xuất khẩu của Việt Nam. Để trợ giúp DN tìm kiếm thị trường, VCCI đang cố gắng tổ chức các chương trình phổ biến kiến thức thương mại giúp DN nắm rõ hơn các cam kết, từ đó có bước đi, lộ trình phù hợp.

 

Năm 2020 là một năm kinh tế đầy biến động do tác động của dịch Covid-19. Ngay từ đầu năm, nông sản của Việt Nam phải liên tục kêu gọi “giải cứu” vì Trung Quốc đóng cửa một số cửa khẩu để hạn chế dịch bệnh. Hàng loạt mặt hàng nông sản như: thanh long, dưa hấu, chuối, bưởi... rớt giá thảm hại.

Điều này cũng đã lặp đi lặp lại nhiều lần trước đó đối với xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc do quá phụ thuộc vào thị trường này. Nếu  không có giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu sẽ khiến phát triển nông nghiệp thiếu bền vững.

Đến giữa năm, khi dịch bệnh bùng phát ở các nước Mỹ và châu Âu thì các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng như Đồng Nai như gỗ, dệt may, da giày, nông sản… lại càng bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Hàng loạt quốc gia đóng cửa thương mại tạm thời hoặc hạn chế nhập khẩu lại, trong nước thì trải qua đợt giãn cách xã hội… cũng tác động không nhỏ.

Theo Bộ Công thương, khi đại dịch xuất hiện kéo theo hàng loạt khó khăn khiến các chuỗi cung ứng đứt gãy, hàng loạt ngành nghề sản xuất bị đình/hoãn, chậm trả, thậm chí dừng/hủy đơn hàng đã khiến DN lao đao. Đứng trước bối cảnh này, nhiều giải pháp khơi thông các thị trường có chung đường biên giới đã được mở ra như việc tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng tìm kiếm đối tác, bạn hàng trong cả chiều cung ứng nguồn nguyên liệu đầu vào lẫn hướng đầu ra cho sản phẩm hàng hóa. Nhiều lĩnh vực, ngành hàng đã tìm hướng đi và “thoát hiểm” từ các thị trường ngách, sản xuất các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch bệnh mà thị trường ngoài nước đang khan hiếm như khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ y tế

Bốc dỡ hàng hóa xuất, nhập khẩu tại cảng Đồng Nai. Ảnh: CTV
Bốc dỡ hàng hóa xuất, nhập khẩu tại cảng Đồng Nai. Ảnh: CTV

Với sự nỗ lực của cộng đồng DN cùng sự định hướng, hỗ trợ, thúc đẩy giải pháp từ các ngành liên quan, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt được sự tăng trưởng ấn tượng. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2020, xuất khẩu của hầu hết các quốc gia đều giảm nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019. Thặng dư thương mại trong năm đạt 19,1 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Riêng Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu đạt 18,7 tỷ USD, chưa đạt được như kỳ vọng, song điều tích cực là xuất siêu của tỉnh khoảng 4,3 tỷ USD, là một trong những địa phương có mức xuất siêu cao nhất cả nước.

Cùng với đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Điều này hoàn toàn phù hợp với lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

* Đổi mới xúc tiến thương mại để hỗ trợ xuất khẩu

Năm 2020 cũng là năm đầy thách thức trong lĩnh vực xúc tiến thương mại (XTTM). Theo thống kê sơ bộ, hơn 70% hoạt động XTTM trong năm phải điều chỉnh kế hoạch hoặc hủy thực hiện. Trong bối cảnh các hoạt động XTTM truyền thống trong nước và quốc tế đều phải hủy hoặc hoãn lại thì việc linh hoạt, đổi mới phương thức xúc tiến, ứng dụng môi trường số được đẩy mạnh. Song song đó, tập trung triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá thương hiệu sản phẩm, tổ chức các phiên kết nối cung - cầu hàng hóa với sự lồng ghép giữa chương trình XTTM quốc gia, chương trình khuyến công, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Bộ Công thương đã chỉ đạo Cục XTTM định hướng lại hoạt động XTTM trên cả nước, hướng dẫn các địa phương, hiệp hội rà soát và điều chỉnh kế hoạch triển khai hoạt động XTTM nhằm ứng phó diễn biến của thị trường và tình hình dịch bệnh.

Mở rộng xuất khẩu hàng hóa sẽ giúp cho nền kinh tế tăng trưởng ổn định. Trong ảnh: Bốc dỡ hàng hóa xuất, nhập khẩu tại cảng Đồng Nai. Ảnh: V.GIA
Mở rộng xuất khẩu hàng hóa sẽ giúp cho nền kinh tế tăng trưởng ổn định. Trong ảnh: Bốc dỡ hàng hóa xuất, nhập khẩu tại cảng Đồng Nai. Ảnh: V.GIA

Tại Đồng Nai, hàng hóa của tỉnh hiện đã xuất khẩu vào 170 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng lâu nay chỉ tập trung ở những thị trường lớn như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Sự thay đổi của thế giới cũng là lúc để các DN trên địa bàn tỉnh xem xét điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất, xuất khẩu với các thị trường cho phù hợp để tránh bị lệ thuộc vào một vài thị trường lớn. Vì vậy, các DN đang gấp rút khai thác thêm những thị trường lâu nay chưa chú trọng như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ hay một số quốc gia lân cận khu vực Đông Nam Á… để tăng khả năng tiêu thụ.

Không chỉ là “thị trường mới” ở cấp độ quốc gia, địa phương mà mở rộng xuất khẩu bắt đầu ngay từ thị trường mới của các DN. Từ việc xuất khẩu được sản phẩm sang các thị trường nhất định thì việc mở rộng các nước khác chỉ là vấn đề thời gian. Ông Võ Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty CP An Phú Thịnh (H.Long Thành), chuyên sản xuất găng tay bảo hộ lao động cho biết, sản phẩm của công ty đã xuất khẩu được vào thị trường Nhật Bản từ vài năm nay. Trong chiến lược phát triển của mình, ngoài thị trường trong nước và thị trường Nhật Bản, DN đang tích cực tìm kiếm thêm thị trường mới và mở rộng nhà máy sản xuất ra các tỉnh miền Trung. “Về chất lượng sản phẩm của chúng tôi đã được kiểm chứng và xuất khẩu từ nhiều năm nay sang Nhật Bản, do đó triển vọng xuất khẩu vào các thị trường mới rất triển vọng” - ông Tuấn tin tưởng.

Cùng với tình hình chung của cả nước, hoạt động XTTM địa phương buộc phải thay đổi. Tỉnh đã bám sát các chương trình của Bộ Công thương, hỗ trợ thông tin để các DN tham gia nhiều sàn giao dịch thương mại trực tuyến với các quốc gia, vùng lãnh thổ.

Nhưng XTTM cần đổi mới ra sao? Cộng đồng DN cho rằng thay vì chạy theo số lượng nhưng hiệu quả thực tế chưa thật cao, ngành Công thương nên chú trọng đến nhu cầu của DN, có dự báo tình hình thị trường để từng đơn vị có kế hoạch quảng bá sản phẩm phù hợp. Bên cạnh đó, dịch bệnh đã cho thấy XTTM ứng dụng công nghệ, xúc tiến trên các diễn đàn online cũng là giải pháp cần được chú trọng để sàng lọc thông tin trước khi các DN, đối tác trực tiếp gặp gỡ nhau. Điều này vừa giúp tiết giảm chi phí lại có thể có được thông tin nhanh, tránh được những “hạt sạn” trước khi hợp tác.

Văn Gia

Tin xem nhiều