Năm 2020, nguồn vốn đầu tư công cấp huyện được bố trí trên 3,6 ngàn tỷ đồng. Theo kế hoạch, các huyện, thành phố phải giải ngân được trên 95%, nếu không năm sau dự án sẽ bố trí vốn ít...
Năm 2020, nguồn vốn đầu tư công cấp huyện được bố trí trên 3,6 ngàn tỷ đồng. Theo kế hoạch, các huyện, thành phố phải giải ngân được trên 95%. Do đó, các địa phương đang “chạy đua” để hoàn thành kế hoạch năm, nếu không năm sau dự án sẽ bố trí vốn ít.
Đường Bùi Văn Hòa (TP.Biên Hòa) đã ghi vốn đầu tư công thực hiện nhưng vẫn chưa triển khai được. Ảnh: H.Giang |
Vốn đầu tư công phân bổ cho các huyện, TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh được dùng triển khai nhiều dự án công trình về hạ tầng kỹ thuật như: mở rộng nâng cấp các tuyến đường, công trình thủy lợi, dự án thoát nước chống ngập, xây dựng trường học, trạm y tế...
* Đẩy mạnh tiến độ giải ngân
Gần 4 tháng đầu năm 2020, công tác giải ngân vốn đầu tư công bị ách lại do vướng chính sách của Trung ương (Nghị định 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng). Sau đó xảy ra dịch bệnh Covid-19 khiến cho nhiều công trình, dự án đầu tư bằng vốn ngân sách bị chậm lại. Đến hết tháng 10-2020, giải ngân vốn đầu tư công cấp huyện mới đạt gần 60%. Vì thế, các huyện, thành phố đều cố gắng “chạy đua” cùng thời gian để trong 2 tháng cuối năm có thể hoàn thành kế hoạch.
Theo các huyện, thành phố thì khó khăn lớn nhất của Đồng Nai trong thực hiện các dự án bằng nguồn vốn ngân sách là hồ sơ thủ tục, bồi thường giải phóng mặt bằng. Vẫn còn nhiều hồ sơ các dự án, công trình không phù hợp quy hoạch về đất đai, xây dựng phải tiến hành điều chỉnh. Dự án phải thu hồi đất của nhiều hộ dân, trong đó có những hộ giải tỏa trắng nên phải bố trí tái định cư. Nhiều đơn vị thi công dự án, công trình thường ứng vốn trước và dồn đến cuối năm mới thanh toán.
Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà đánh giá: “Đến cuối tháng 10-2020, giải ngân vốn đầu tư công của các huyện, thành phố thấp hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước. Trong 2 tháng cuối năm, nếu các địa phương không phối hợp với các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân thì khó hoàn thành kế hoạch năm 2020”.
Nguồn vốn ngân sách phần lớn dành cho các dự án, công trình quan trọng, cấp thiết của địa phương và khi hoàn thành sẽ phục vụ cho cộng đồng. Đồng thời, các dự án đầu tư công trên lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật được xác định góp phần tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả khu vực lân cận.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh: “Cả nước đều gặp khó khăn như Đồng Nai trong giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, họ vẫn giải ngân nguồn vốn ngân sách khá cao nên các sở, ngành, chủ đầu tư, địa phương phải xem lại từng dự án giải ngân còn thấp, có biện pháp tháo gỡ kịp thời để dùng hết nguồn vốn tỉnh đã giao. Nếu các dự án giải ngân thấp, năm sau tỉnh sẽ giảm bố trí vốn cho dự án”.
* Có kịp về đích?
Ghi nhận tại một số huyện, TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, nguồn vốn ngân sách cấp huyện dùng để thực hiện các dự án đầu tư công dự kiến sẽ giải ngân được từ 95-98% kế hoạch. Các địa phương đang “chạy đua” từng ngày để giải ngân, theo đó số lượng vốn giải ngân tăng dần.
Ông Phạm Việt Phương, Chủ tịch UBND TP.Long Khánh cho biết: “Năm nay, thành phố được bố trí hơn 200 tỷ đồng vốn ngân sách cho những dự án đầu tư công, đến thời điểm này đã giải ngân được gần 70%. Thành phố đang gấp rút chi bồi thường cho dự án Chống ngập suối Cải để hoàn thành kế hoạch đã được UBND tỉnh giao”. Cũng theo ông Phương, nếu chi trả hết tiền bồi thường cho người dân bị thu hồi đất cho dự án Chống ngập suối Cải thì tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố có thể đạt 98% kế hoạch năm.
Tương tự các huyện, TP.Biên Hòa cũng đang hối thúc đơn vị thi công, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ công trình và làm thủ tục thanh toán, hạn chế ứng tiền cho các dự án.
Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND H.Xuân Lộc cho hay: “Đến giữa tháng 11-2020, H.Xuân Lộc đã giải ngân nguồn vốn cấp huyện được khoảng 68%. Dự kiến đến cuối tháng 12 tới sẽ đạt 95-98% kế hoạch UBND tỉnh phân bổ. Thời gian qua, huyện tập trung hoàn thành thủ tục bồi thường cho các công trình nên hiện nay chủ yếu là chi trả tiền bồi thường, thu hồi đất giao cho các đơn vị thi công nên tiến độ giải ngân sẽ nhanh hơn”.
Hiện nay, các huyện, TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh đang thực hiện cả trăm dự án đầu tư công cấp huyện. Bên cạnh đó là các dự án đầu tư công cấp tỉnh, trung ương và các địa phương phải thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Tại Đồng Nai, việc bồi thường giải phóng mặt bằng thường khó khăn hơn một số tỉnh, thành khác vì đất đai có giá cao. Trong 2 năm qua, đất trên địa bàn tỉnh đã bị “thổi” lên, vượt quá giá trị thực gây khó khăn trong áp giá bồi thường và người dân bị thu hồi đất cũng thường thắc mắc, kiến nghị ở lĩnh vực này gây mất nhiều thời gian, ảnh hưởng công tác giải ngân.
Uyển Nhi - Lê Văn