CPTPP là hiệp định mở nên các nước có nhu cầu tham gia đều có thể đăng ký đàm phán. Vì thế, các doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam phải "chạy đua" cùng thời gian với thị trường này để khai thác hết các tiềm năng...
CPTPP là hiệp định mở nên các nước có nhu cầu tham gia đều có thể đăng ký đàm phán. Vì thế, các doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam phải “chạy đua” cùng thời gian với thị trường này để khai thác hết các tiềm năng. Nếu chậm, các nước khác có hàng hóa tương tự với Việt Nam nhanh chân tham gia, DN Việt sẽ mất đi cơ hội.
Gỗ là một trong 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai có nhiều ưu thế vào thị trường CPTPP. Trong ảnh: Sản xuất gỗ tại Công ty TNHH Asy Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Ảnh: K.Minh |
Hiện nay, Thái Lan và một số nước khác cũng rất quan tâm đến CPTPP và dự kiến sẽ tham gia đàm phán để có thêm những ưu thế cho hàng hóa xuất khẩu. Do đó, thời gian “vàng” cho DN tại Việt Nam khai thác thị trường trên có thể từ 2-4 năm.
* Còn nhiều thị trường bỏ ngỏ
Trong khối CPTPP còn 4 thị trường DN Việt Nam cũng như Đồng Nai còn khai thác được rất ít là: Chile, New Zealand, Peru và Brunei. Năm 2019 và 9 tháng của năm 2020, Việt Nam xuất khẩu vào mỗi nước trên chỉ được từ 100-300 triệu USD. Hiệp định đã có hiệu lực gần 2 năm mà kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường trong khối như vậy là quá ít. Trong khi, nhiều nước thành viên CPTPP cam kết xóa bỏ từ 74-85% dòng thuế cho Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực và các mặt hàng khác sẽ theo lộ trình xóa bỏ dần đến gần 100%.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều là những sản phẩm các thị trường trên đang cần và phải nhập từ những nước khác. Hàng hóa của Việt Nam đã đưa vào Nhật Bản được thì cũng dễ dàng bán qua các nước khác, vì Nhật Bản là nước đòi hỏi rất cao về chất lượng, mẫu mã.
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Trường đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ: “Tham gia vào CPTPP, các DN tại Việt Nam có rất nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu mặt hàng nông sản, thủy sản vào các nước trong khối. Trước tiên chúng ta hãy xuất sản phẩm thô, tươi, sau đó nghiên cứu kỹ nhu cầu của từng thị trường tìm đối tác liên kết hoặc ký kết để chế biến sâu nông sản và bán cho họ. Sản phẩm nông sản chế biến sâu xuất khẩu sẽ giúp nông dân có đầu ra ổn định và tăng giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam gấp 4-10 lần”.
PGS-TS Thịnh còn chia sẻ thêm, Đồng Nai là nơi có sản lượng heo, gà, trái cây lớn của cả nước nhưng lâu nay chủ yếu cung ứng cho thị trường trong nước, ít xuất khẩu. Tới đây, tỉnh nên chú ý đến việc ưu tiên mời gọi DN tham gia vào chế biến những mặt hàng trên để tăng xuất khẩu vào CPTPP. Tỉnh có lợi thế là nguyên liệu có sẵn và đã được chăn nuôi, trồng trọt theo quy trình an toàn nên dễ dàng đáp ứng được các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hóa.
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khai thác khá tốt các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, còn các DN trong nước khai thác chưa được nhiều.
Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 ờ một số nước đã lắng xuống, các nước đã mở cửa giao thương trở lại, DN tại Việt Nam nên nắm cơ hội này tăng xuất khẩu vào những nước trong CPTPP, đặc biệt những nước kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam còn ít. Đồng Nai là nơi có công nghiệp phát triển, hàng hóa đã xuất vào hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ, song chỉ tập trung vào một số thị trường nên rủi ro rất lớn. Đây là dịp để các DN khai thác những thị trường đang có ưu thế để tránh bị lệ thuộc, sản xuất sẽ đảm bảo.
* Tăng thu hút đầu tư
CPTPP không chỉ giúp DN có thêm thị trường xuất khẩu với nhiều ưu đãi mà còn giúp thu hút nguồn vốn đầu tư từ các nước trong khối CPTPP và các quốc gia khác.
Ông Peter Wu, Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai cho biết: “Đài Loan đang xếp thứ hai trong đầu tư vào Đồng Nai với tổng vốn đăng ký hơn 5,5 tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. DN Đài Loan đang có chính sách hướng Nam và Việt Nam là điểm đến được lựa chọn nhiều, vì là nước dẫn đầu thế giới về hội nhập với 13 hiệp định thương mại song phương, đa phương đã được ký kết, có hiệu lực và còn nhiều hiệp định quan trọng khác đang tiếp tục đàm phán và ký kết trong thời gian tới”.
Đồng Nai hiện là nơi được nhiều DN Đài Loan lựa chọn đầu tư mới, mở rộng sản xuất do đây là trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của Việt Nam. DN nước ngoài đầu tư vào sẽ dễ dàng kết nối cung ứng sản phẩm cho nhau hoặc hợp tác để sản xuất và xuất khẩu.
Trong gần 10 tháng của năm 2020, dù xảy ra dịch bệnh Covid-19, song thu hút đầu tư nước ngoài của Đồng Nai vẫn đạt trên 900 triệu USD. Dự kiến năm 2021, khi dịch bệnh qua đi, thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh khả năng sẽ đạt 2 tỷ USD, gấp gần 2 lần so với năm nay.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đánh giá: “Trong những năm tới, Đồng Nai có khả năng cao là tỉnh thu hút được nhiều dòng vốn nước ngoài trên các lĩnh vực, bởi tỉnh có ưu thế về hạ tầng kỹ thuật, một số lĩnh vực còn nhiều tiềm năng chưa khai thác hết. Tỉnh sẽ chuẩn bị sẵn đất đai, quy hoạch để mời gọi các dự án có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, đóng góp nhiều cho địa phương”.
CPTPP là một trong hai hiệp định lớn nhất đã được Việt Nam ký kết nên tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ DN xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại để khai thác tốt tiềm năng từ thị trường trên và tăng thu hút đầu tư từ các quốc gia trong khối.
Khánh Minh