Báo Đồng Nai điện tử
En

Siết chặt an toàn lao động tại các công trình xây dựng

03:05, 22/05/2020

Vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 14-5 tại công trình xây dựng của Công ty CP AV Healthcare khiến 10 người chết... là hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng mất an toàn vệ sinh lao động...

Vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 14-5 tại công trình xây dựng của Công ty CP AV Healthcare (đường số 08, Khu công nghiệp Giang Điền, H.Trảng Bom) khiến 10 người chết và 14 người bị thương là hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng mất an toàn vệ sinh lao động tại các công trình xây dựng.

Đoàn công tác của Cục An toàn lao động thuộc Bộ LĐ-TBXH khảo sát hiện trường vụ tai nạn lao động tại Khu công nghiệp Giang Điền
Đoàn công tác của Cục An toàn lao động thuộc Bộ LĐ-TBXH khảo sát hiện trường vụ tai nạn lao động tại Khu công nghiệp Giang Điền. Ảnh: C.Nghĩa

Để không còn xảy ra những vụ tai nạn thương tâm, ngoài ý thức tự bảo vệ mình của người lao động (NLĐ), các đơn vị thi công thực hiện nghiêm vấn đề bảo hộ cho NLĐ thì các cơ quan chức năng cần siết chặt hơn nữa những quy định đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại các đơn vị, công trình xây dựng đang thi công.

* Nỗi đau sau tai nạn lao động

Số liệu thống kê từ Bộ LĐ-TBXH cho thấy, năm 2019, toàn quốc xảy ra hơn 8,1 ngàn vụ tai nạn lao động làm hơn 8,3 ngàn người bị nạn. Trong đó làm chết 979 người và hơn 1,8 ngàn người bị thương nặng. Như vậy, bình quân mỗi ngày, tai nạn lao động cướp đi sinh mạng của khoảng 3 NLĐ, đe dọa sức khỏe của 5 NLĐ khác, đẩy hàng chục gia đình vào hoàn cảnh éo le. Đáng lưu ý, số liệu này chỉ được tổng hợp từ 5,9% doanh nghiệp trong cả nước, còn hơn 94% doanh nghiệp không báo cáo tình hình tai nạn lao động tại đơn vị mình thì cơ quan chức năng không nắm được.

Riêng tại Đồng Nai, năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 685 vụ  tai nạn lao động, trong đó có 17 vụ gây chết người, giảm cả số vụ và số người chết do tai nạn lao động. Qua điều tra và phân tích cho thấy, tai nạn lao động xảy ra do nguyên nhân chủ yếu từ phía người sử dụng lao động chiếm 59%, do phía NLĐ chiếm 21%, còn lại là một số nguyên nhân khách quan.

Tháng An toàn vệ sinh lao động năm 2020 có chủ đề: Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát nguy cơ rủi ro về an toàn lao động tại nơi làm việc. Các cấp Công đoàn trong tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số nội dung nổi bật như: tư vấn trực tuyến chế độ chính sách pháp luật về an toàn vệ sinh lao động cho NLĐ; chỉ đạo Công đoàn cơ sở quan tâm chăm lo đảm bảo bữa ăn giữa ca, sức khỏe của NLĐ trong đợt dịch Covid-19 thông qua việc thương lượng thỏa ước lao động tập thể có nội dung về chất lượng bữa ăn giữa ca và an toàn vệ sinh lao động nhằm đảm bảo sức khỏe lâu dài cho NLĐ; thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ốm đau; tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt công tác an toàn vệ sinh lao động…

Mới đây, vụ tai nạn lao động sập tường khiến 10 người chết và 14 người bị thương là sự việc đau lòng, đáng báo động về tình hình an toàn lao động tại các công trình xây dựng. Những giọt nước mắt đau đớn của cả người bị thương và người thân của 10 nạn nhân tử vong trong vụ sập tường khiến ai cũng xót xa.

Những người cùng làm với nạn nhân tử vong Nguyễn Văn Cường (56 tuổi, quê H.Thới Bình, tỉnh Cà Mau) cho hay, cách đây 2 tháng, ông Cường cùng vợ là bà Nguyễn Thị Sương khăn gói từ Cà Mau lên Đồng Nai làm phụ hồ với mong muốn có thu nhập để trang trải cuộc sống ở quê nhà. Hằng ngày, vợ chồng ông Cường cùng nhau làm việc từ sáng đến chiều tối thì về nhà trọ. Công việc nặng nhọc dưới thời tiết oi bức tuy vất vả nhưng vợ chồng có nhau. Thế rồi, vụ tai nạn xảy ra đã cướp đi sinh mạng của ông Cường.

Một cặp vợ chồng khác cũng làm việc tại công trình này nhưng may mắn chỉ bị thương và đang điều trị tại Trung tâm Y tế H.Trảng Bom là ông Võ Văn Bắc và bà Nguyễn Thị Suốt (quê tỉnh An Giang). Ông Bắc cho biết, cũng chỉ vì miếng cơm manh áo, vợ chồng ông rời quê nhà lên Đồng Nai làm phụ hồ. Chiều hôm đó, ông đang hì hục đào đất thì gió mạnh thổi lên. Ít giây sau, bức tường đổ sập. Ông Bắc chỉ kịp chạy vài mét thì bị bức tường đổ sập lên người.

“Khung cảnh vụ tai nạn vô cùng kinh hoàng, tiếng người la hét, kêu cứu thất thanh, tiếng xe cứu hộ đến hiện trường và tiến hành tìm kiếm. Sau một hồi được cứu ra khỏi đống gạch, tôi gào khản cổ để tìm vợ và người bà con làm cùng. Đến khi thấy cánh tay vợ giơ lên, tôi và những người xung quanh ra sức đào bới đất đá để cứu vợ ra khỏi đống đổ nát” - ông Bắc nói.

Các ngành chức năng khảo sát hiện trường vụ sập tường công trình xây dựng tại Khu công nghiệp Giang Điền. Ảnh: N.Hòa
Các ngành chức năng khảo sát hiện trường vụ sập tường công trình xây dựng tại Khu công nghiệp Giang Điền. Ảnh: N.Hòa

[links()]Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, vụ sập tường công trình xây dựng nhà xưởng Công ty CP AV Healthcare là sự cố công trình gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Bộ Xây dựng đã thống nhất với UBND tỉnh Đồng Nai cho dừng thi công ngay các hạng mục của chủ đầu tư đến khi xác định nguyên nhân và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ tai nạn. Hiện cơ quan điều tra Bộ Công an đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan điều tra làm rõ.

* Cần nhiều biện pháp mạnh

Theo quy định tại Thông tư số 22/2010/TT-BXD ngày 3-12-2010 của Bộ Xây dựng, trước khi khởi công xây dựng, công trình phải có thiết kế biện pháp thi công với các giải pháp đảm bảo an toàn lao động và máy móc, thiết bị thi công. NLĐ phải được tập huấn về an toàn lao động. Quá trình thi công phải đảm bảo theo đúng thiết kế và các biện pháp đảm bảo an toàn phải được kiểm tra định kỳ và đột xuất.

Thực tế cho thấy, nhiều vụ tai nạn tại các công trình xây dựng là do các chủ đầu tư, nhà thầu không thực hiện theo đúng thiết kế, thậm chí vi phạm các quy định về an toàn lao động. Điều này cũng bộc lộ những bất cập, thiếu sót trong công tác giám sát, quản lý nhà nước đối với công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.

Người lao động bị tai nạn lao động trong vụ sập tường công trình xây dựng tại Khu công nghiệp Giang Điền chiều 14-5 được cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Ảnh: Hạnh Dung
Người lao động bị tai nạn lao động trong vụ sập tường công trình xây dựng tại Khu công nghiệp Giang Điền chiều 14-5 được cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Ảnh: Hạnh Dung

Theo ông Đặng Thành Nam, Phó trưởng phòng Quản lý chất lượng (Sở Xây dựng), hoạt động thi công xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro gây mất an toàn vệ sinh lao động, gây thiệt hại về người cao hơn so với các ngành nghề khác. Mức độ vi phạm về huấn luyện an toàn vệ sinh lao động của các doanh nghiệp thi công xây dựng vẫn ở mức cao, chiếm khoảng 40% tổng số hành vi vi phạm trên lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động.

Một số nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề này như: nguồn lao động ngành xây dựng đa số là lao động thời vụ, ít được đào tạo nghề nên ý thức chấp hành quy định an toàn vệ sinh lao động chưa cao. Bên cạnh đó, một số nhà thầu thi công xây dựng chưa thật sự quan tâm, chủ động thực hiện các quy định, đảm bảo an toàn lao động cho NLĐ. Mức độ xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động còn thấp, chưa đủ sức răn đe với các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh thông tin, ngay sau vụ tai nạn lao động tại Khu công nghiệp Giang Điền xảy ra, UBND tỉnh đã yêu cầu chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn rà soát lại tất cả các công trình xây dựng tương tự. Những công trình xây dựng đang thi công tương tự như công trình vừa bị sập phải dừng ngay để rà soát, chỉnh sửa, tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TBXH chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác bảo đảm an toàn lao động; thường xuyên rà soát, kiểm tra, thanh tra các công trình xây dựng trên địa bàn, kiên quyết đình chỉ thi công nếu không bảo đảm an toàn cho NLĐ.

Để giảm thiểu các vụ tai nạn lao động nói chung và các vụ tai nạn lao động trên lĩnh vực xây dựng nói riêng, ông Nguyễn Văn Cảnh, Chánh thanh tra Sở LĐ-TBXH cho hay, việc trước tiên là phải tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cả người sử dụng lao động lẫn NLĐ. Trong thời gian tới, Sở sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp, công trình xây dựng. Những trường hợp nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm để tạo tính răn đe.

Về phía tổ chức Công đoàn, đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh cho hay, tới đây, Công đoàn sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi trong việc thực hiện vấn đề an toàn vệ sinh lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp.

Tại hội thảo nhằm giải quyết những bất cập trong vấn đề an toàn vệ sinh lao động do các ngành chức năng tổ chức mới đây, nhiều đại biểu kiến nghị cần sớm ban hành danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại nguy hiểm; nghiên cứu đánh giá rủi ro về ảnh hưởng sức khỏe của NLĐ trong các ngành nghề, đặc biệt rủi ro trong ngành xây dựng. Nhiều ý kiến cho rằng cần cho phép tính chi phí riêng về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động thành một hạng mục của công trình và do chủ đầu tư chi trả để các nhà thầu không rút, giảm chi phí trang bị bảo hộ lao động cũng như các thiết bị an toàn cho NLĐ.

Đối với công nhân kỹ thuật, phải lựa chọn trên các tiêu chí chuyên môn phù hợp, có chứng chỉ vận hành máy móc, thiết bị. Các phương tiện thi công được kiểm tra định kỳ, đảm bảo niên hạn đăng kiểm và tình trạng vận hành tốt. Mỗi hạng mục thi công đều có quy định về an toàn lao động cụ thể. Việc lắp đặt các biển cảnh báo an toàn, hướng dẫn kỹ thuật an toàn thi công trên công trường cần được thực hiện nghiêm túc...

Hạnh Dung - Nguyễn Hòa


Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng:

Đặc biệt lưu ý khi thi công công trình xây dựng ở các mảng tường lớn

Sau sự cố sập tường ở Vĩnh Long cách đây 1 năm làm 7 người chết, Bộ Xây dựng đã có văn bản chỉ đạo thực hiện đúng quy định việc thi công các mảng tường lớn trong các khu công nghiệp, song đáng tiếc sự cố vẫn lặp lại tại Đồng Nai.

Vấn đề thi công các dạng mảng tường lớn hay sụp đổ trong quá trình thi công khi chưa đạt được hoàn chỉnh thiết kế là vấn đề cần đặc biệt lưu ý. Bộ sẽ có hướng dẫn mang tính chuyên môn về biện pháp thi công, tải trọng thi công. Để ngăn ngừa các sự cố tương tự, Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) cùng Cục Quản lý an toàn lao động thuộc Bộ LĐ-TBXH đang nghiên cứu để thống nhất, ban hành nhanh chỉ thị Những điều cần đặc biệt lưu ý khi thi công các công trình xây dựng thuộc những mảng tường lớn, dễ sụp đổ.

Ông Nguyễn Văn Cảnh, Chánh thanh tra Sở LĐ-TBXH:

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các công trình xây dựng

Việc đảm bảo an toàn lao động tại các công trình xây dựng không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của các cấp, các ngành mà của chính những NLĐ và chủ sử dụng lao động. Để giảm thiểu tai nạn lao động, đối với các nhà thầu, chủ đầu tư cần thực hiện nghiêm túc việc đảm bảo an toàn lao động, tính mạng cho NLĐ trong quá trình làm việc, không để những sự cố đáng tiếc xảy ra. Đối với NLĐ cần lưu ý trước khi vào công trường, phải trang bị bảo hộ lao động theo quy định.

Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tăng cường kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động, đảm bảo môi trường lao động, đặc biệt tại các công trình xây dựng nhằm hạn chế tối đa sự cố gây mất an toàn, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho NLĐ trong thi công xây dựng công trình.

BS CKII Nguyễn Tường Quang, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất:

Thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân bị tai nạn lao động

Bệnh viện chúng tôi thường xuyên tiếp nhận cấp cứu và phẫu thuật cho những bệnh nhân bị tai nạn lao động. Những bệnh nhân này có thể làm việc trong các công ty, doanh nghiệp, cũng có thể là lao động tự do, làm việc tại nhà, làm thuê công nhật cho những người có nhu cầu. Các vụ tai nạn xảy ra khá đa dạng như: giập nát tay, chân buộc phải đoạn chi, đứt lìa tay, chân do máy cắt vào tay, chấn thương đầu, bụng, đa chấn thương…

Sau tai nạn lao động, những người bị thương nhẹ có thể tiếp tục làm việc, nhưng những người bị thương nặng, buộc phải đoạn chi hoặc trải qua ca phẫu thuật lớn, thời gian điều trị lâu dài sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và nhiều người không thể tiếp tục lao động như trước kia.

Bà Trịnh Thị Năm (quê tỉnh Long An, một trong 14 lao động bị thương tại công trình xây dựng của Công ty CP AV Healthcare):

Chúng tôi không được ký hợp đồng lao động

Hầu hết những người làm thợ hồ như chúng tôi không ai được ký hợp đồng lao động vì hết công trình này lại đi công trình khác, hết chủ thầu này đến chủ thầu khác mướn. Vì thế, chúng tôi không được tham gia các loại bảo hiểm như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn…

Khi làm việc trên giàn giáo, hầu hết chúng tôi không có đồ bảo hộ và cũng không đòi hỏi chủ thầu phải cung cấp đồ bảo hộ do thiếu kiến thức an toàn vệ sinh lao động. Đến khi tai nạn xảy ra, chúng tôi mới biết việc mình làm quá nguy hiểm, có thể tử vong bất cứ lúc nào nếu tai nạn ập đến.

Lan Mai - An Yên (ghi)


 

Tin xem nhiều