Báo Đồng Nai điện tử
En

Khó khăn trong phân loại rác tại nguồn

03:05, 21/05/2020

Phân loại rác sinh hoạt tại nguồn vừa tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp, vừa hạn chế ô nhiễm nguồn nước ngầm, không khí, từ đó, giảm tác động của biến đổi khí hậu.

Phân loại rác sinh hoạt tại nguồn vừa tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp, vừa hạn chế ô nhiễm nguồn nước ngầm, không khí, từ đó, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Tại Đồng Nai, đề án phân loại rác tại nguồn (PLRTN) được thí điểm lần đầu năm 2008, đến năm 2016 được nhân rộng ra 11 huyện, thành phố. Sau hơn 10 năm, đề án vẫn chưa được như mong đợi.

Đồ họa thể hiện khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh và được xử lý trung bình mỗi ngày trên địa bàn tỉnh hiện nay Nguồn: Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) - (Thông tin: Hoàng Lộc - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh và được xử lý trung bình mỗi ngày trên địa bàn tỉnh hiện nay Nguồn: Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) - (Thông tin: Hoàng Lộc - Đồ họa: Hải Quân)

[links()]Có nhiều nguyên nhân khiến cho đề án PLRTN chưa đạt mục đích đề ra, nhưng chủ yếu là do người dân chưa xây dựng được thói quen phân loại rác. Mặt khác, các cơ sở hạ tầng như: phương tiện vận chuyển, nhà máy và nguồn lực để thu gom, xử lý chất thải phân loại chưa đáp ứng được yêu cầu.

* Còn nhiều bất cập trong triển khai

Để giải quyết bài toán xử lý rác thải, năm 2008, tỉnh cho triển khai thí điểm đề án PLRTN trên địa bàn 4 phường của TP.Biên Hòa là: Trung Dũng, Thanh Bình, Hòa Bình và Quyết Thắng.

Quá trình triển khai thí điểm, đề án nhận được sự đồng tình của người dân, nhiều tấn rác thải được phân loại, thu gom, xử lý hợp vệ sinh. Trên cơ sở đó, năm 2016, tỉnh cho nhân rộng đề án ở 11 huyện, thành phố. Trong đó, giai đoạn 1 (2017-2018),
thực hiện tại một số xã, phường của các huyện, thành phố và giai đoạn 2 (năm 2019-2020), tiếp tục triển khai thực hiện tại các khu vực đô thị còn lại và các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; các khu công nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, bệnh viện nhà hàng, khách sạn, khu du lịch.

Sau hơn 10 năm, hiện có 40 xã, phường thuộc 11/11 huyện, thành phố với hơn 29 ngàn hộ gia đình tham gia thực hiện PLRTN. Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phân loại được thu gom và xử lý đạt khoảng 19%.

Ông Phạm Thanh Long, Chủ tịch UBND P.Quyết Thắng, một trong 4 phường thực hiện PLRTN sớm nhất tỉnh cho biết, thời gian đầu, người dân hưởng ứng khá tốt, nhưng sau đó, nhiều hộ bỏ ngang vì lý do “người dân phân loại đâu ra đó nhưng công ty thu gom rác dồn chung thì phân loại làm gì cho mất công”. Nhiều hộ khác chưa PLRTN là do gia đình có diện tích quá nhỏ hoặc các hộ thuê nhà để sinh sống, kinh doanh. Theo ông Long, vấn đề nằm ở chỗ, đơn vị thu gom không có xe chuyên dụng để cùng lúc thu gom 2 loại rác. Các loại thùng rác hữu cơ, vô cơ trang bị cho các tổ dân phố nhiều năm đã hư hỏng, mất mát, người dân bèn mua một thùng đựng rác rồi bỏ chung.

Bà Lương Thị Nhan (KP.3, P.Thống Nhất) cho hay, lẽ ra rác phải được thu gom mỗi ngày và thu riêng theo phân loại của các gia đình, nhưng ở khu phố bà ở, 2 ngày mới có xe đến thu gom, rác thải không được phân loại riêng. “Các loại rác như rau củ quả hoặc thức ăn thừa tôi cho vào túi riêng; chai nhựa, hộp giấy, đồ gia dụng hư hỏng tôi cho túi riêng, nhưng người đi gom rác nhặt ve chai xong thì quăng tất cả vào thùng” - bà Nhan phân trần.

Người dân P.Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) bỏ rác thải phân loại vào thùng chứa. Ảnh: H.LỘC
Người dân P.Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) bỏ rác thải phân loại vào thùng chứa. Ảnh: H.LỘC

Bà Phạm Thị Hồng Lan (KP.1, P.Quyết Thắng) cho rằng, nhiều năm qua, bà vẫn thực hiện PLRTN, nhưng vấn đề hiện nay là mỗi hẻm chỉ có 1 thùng rác, người dân bỏ rác thải thông thường vào thùng và để rác thải rắn ở bên cạnh. Rác thải sinh hoạt thì mỗi ngày thu gom 1 lần nhưng rác thải rắn 1 tuần mới thu gom. Tuần thì ít rác thải rắn, tuần thì nhiều, rác không được thu gom kịp thời, ảnh hưởng đến lối đi; rồi người thì phân loại, người thì không, lâu dần bỏ luôn việc phân loại rác. “Trước đây, phường có trang bị cho người dân thùng và túi ny-lông để phân loại rác vô cơ và rác hữu cơ. Tuy nhiên hiện nay, chương trình cấp phát túi ny-lông và thùng chứa rác phân loại không còn nữa” - bà Lan cho hay.

Khảo sát ở nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.Biên Hòa, hiện mỗi điểm chỉ để 1 thùng rác, phần lớn rác thải sinh hoạt (thông thường và rắn) được người dân cho vào chung bịch ny-lông rồi đem bỏ thùng. Cũng có những hộ phân loại rác bằng cách cho rác thải thông thường vào thùng, cho rác thải rắn vào bịch để riêng bên ngoài nhưng số lượng chưa nhiều. Điều này dẫn đến kết quả thu gom rác chưa đạt được hiệu quả như mong đợi và đang có xu hướng giảm trong vài năm gần đây.

* Cuộc chiến “dài hơi”

Việc phân loại rác thải tại nguồn đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường, tuy nhiên, đây là cuộc chiến “dài hơi” vì liên quan đến nhiều người, nhiều yếu tố, trong đó, cơ bản nhất là ý thức, thói quen hằng ngày của người dân.

Bà Đặng Thị Thùy Dương, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho rằng, quá trình triển khai thực hiện đề án, nhiều hộ gia đình đã có ý thức phân loại rác và phân loại đúng, tích cực tuyên truyền các hộ khác cùng thực hiện để giữ gìn vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, do việc thực hiện PLRTN tốn diện tích, mất thời gian và người dân phải tự trang bị dụng cụ lưu trữ 2 loại rác trong khi chờ xe đến thu gom nên kết quả chưa được như kỳ vọng.

Bên cạnh đó, hoạt động thu gom chất thải sau phân loại vẫn chưa được thực hiện thống nhất và triệt để; các đơn vị thu gom không nhiệt tình tham gia thu gom chất thải rắn sau phân loại do phát sinh chi phí về: thiết bị, phương tiện, nhiên liệu, nhân công.

Ngoài ra, các địa phương chưa triển khai đồng bộ, chuẩn hóa trang thiết bị lưu trữ, chuyển giao, trung chuyển, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; kinh phí duy trì cho hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn của các huyện, thành phố còn hạn chế nên hầu hết ở các địa phương mới chỉ dừng lại ở mô hình điểm, chưa được nhân rộng.

Tại nhiều xã nông thôn mới, mô hình PLRTN cũng được ưu tiên, tuy nhiên không phải địa phương nào cũng làm tốt. Bà Lương Thị Bảo Thùy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bảo Quang (TP.Long Khánh) cho rằng, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, những năm qua, chính quyền và các đoàn thể ở xã Bảo Quang đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường sống lành mạnh.

Trong đó, triển khai việc thu gom rác thải sinh hoạt thay vì tự chôn lấp; thu gom chất thải nguy hại (bao bì thuốc bảo vệ thực vật) ở các khu vực sản xuất nông nghiệp để xử lý nhưng vẫn còn nhiều hộ gia đình chôn, đốt rác ở rẫy, ảnh hưởng đến môi trường. Nguyên nhân theo bà Thùy là thói quen của người dân; ở các khu dân cư có mật độ thưa chưa trang bị các thùng rác chuyên dụng theo tiêu chuẩn.

* Cần nhân rộng “điểm sáng”

Mặc dù mới triển khai vài năm trở lại đây, nhưng công tác PLRTN ở các khu dân cư, trường học, bệnh viện trên địa bàn H.Cẩm Mỹ được thực hiện khá tốt, điển hình là chương trình “đổi chất thải nguy hại lấy tập học sinh”.

Bà Nguyễn Thị Xuân Viên, Phó trưởng phòng TN-MT H.Cẩm Mỹ cho biết, trung bình mỗi ngày, huyện phát sinh khoảng 30 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó, có nhiều rác thải có yếu tố nguy hại cho môi trường như: vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ. Ngoài ra còn nước thải chăn nuôi và sinh hoạt, khí thải, chất thải trong y tế và sản xuất công nghiệp.

Để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường, H.Cẩm Mỹ đã ký kết với 5 đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt tại 13 xã trên địa bàn. Đồng thời, triển khai hàng loạt các biện pháp nhằm bảo vệ môi trường như: huy động nhân dân và các nguồn xã hội hóa trồng và chăm sóc cây xanh ven đường; đẩy mạnh xử lý nước thải tại bãi rác tập trung, khu vực chăn nuôi, suối, hồ; tổ chức các đợt ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường và đặc biệt là chương trình “đổi chất thải nguy hại lấy tập học sinh”. Theo đó, người dân thu gom rác thải nhựa; chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật; các loại pin, bình ắc quy, bóng đèn... đổi lấy tập học sinh. Tùy theo loại, mỗi 1kg rác có thể đổi được 1-5 cuốn tập.

Theo bà Viên, chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Tính đến cuối năm 2019, có khoảng 40 tấn rác thải nguy hại được người dân thu gom đổi lấy khoảng 30 ngàn cuốn tập. Đây là việc làm ý nghĩa giúp người dân hiểu hơn về các loại rác thải nguy hại, cách lưu trữ, từ đó thay đổi hành vi để bảo vệ môi trường sống.

Bên cạnh các cách làm trên, H.Cẩm Mỹ cũng đầu tư xây dựng hơn 140 bể chứa rác thải nguy hại tại 13 xã. Trung bình mỗi tháng, Phòng TN-MT huyện thu gom về xử lý khoảng 1,5 tấn rác; triển khai phân loại rác thải tại gần 60 trường học trên địa bàn huyện. Nhờ đó, tỷ lệ thu gom và phân loại rác thải sinh hoạt đạt 97%, rác thải công nghiệp và độc hại đạt 100%.

TP.Long Khánh cũng là địa phương thực hiện tốt công tác PLRTN. Theo lãnh đạo thành phố, nhờ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, nhiều phường có tỷ lệ người dân tham gia PLRTN đạt trên 90%. Tại H.Định Quán, nhờ triển khai cấp phát thùng rác công cộng và túi rác để các hộ dân thực hiện PLRTN, gần 100% rác thải sinh hoạt và rác thải y tế được thu gom và xử lý đúng quy định.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều