Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành logistics trước nhiều thách thức

03:05, 25/05/2020

Khi hội nhập kinh tế với nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, bên cạnh triển vọng tăng trưởng chung về kinh tế, vẫn còn nhiều thách thức cho các lĩnh vực đặc thù, trong đó có dịch vụ logistics.

Hội nhập kinh tế với nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, bên cạnh triển vọng cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế thì vẫn còn nhiều thách thức cho các lĩnh vực đặc thù, trong đó có dịch vụ logistics.

Cảng Long Bình Tân (Công ty CP Cảng Đồng Nai), một trong những khu vực cung cấp dịch vụ logistics lớn của tỉnh. Ảnh: Ngô Phước Tuấn
Cảng Long Bình Tân (Công ty CP Cảng Đồng Nai), một trong những khu vực cung cấp dịch vụ logistics lớn của tỉnh. Ảnh: Ngô Phước Tuấn

[links()]Áp lực cạnh tranh, xu hướng “thâu tóm” của thị trường và sáp nhập doanh nghiệp (DN) từ các đối thủ nước ngoài là điều mà ngành dịch vụ logistics đang lo lắng trong thời điểm hiện nay. Do vậy, trong trước mắt và lâu dài, Việt Nam cần có chiến lược phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ logistics một cách bài bản, giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia bình đẳng với thế giới.

* Sụt giảm kinh doanh vì dịch Covid-19

Bước vào năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm cho thương mại với Trung Quốc bị ngưng trệ. Tiếp theo đó, khi đại dịch lan rộng ra toàn cầu, sự ảnh hưởng tiêu cực này gia tăng với cấp số nhân, làm cho nền kinh tế Việt Nam giảm tốc phát triển, kéo theo việc sản xuất, xuất nhập khẩu của hầu hết DN sụt giảm.

Cụ thể, số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam nửa đầu tháng 5-2020 đạt 17,39 tỷ USD, giảm 4,7% (tương ứng giảm 856 triệu USD) so với nửa cuối tháng 4-2020. Như vậy, tính từ đầu năm đến hết ngày 15-5, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 176,61 tỷ USD, giảm 1,3% (tương ứng giảm 2,25 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019.

Thị trường, nhu cầu dịch vụ giảm sút đáng kể làm cho các DN cung cấp dịch vụ logistics gặp nhiều khó khăn. Khảo sát của Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), 20-50% hoạt động của các hội viên bị ảnh hưởng về doanh thu. Dịch vụ logistics hàng không, đường bộ và đường sắt bị ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Có đến 80% hội viên VLA là DN nhỏ và vừa nên nhiều DN bị đình trệ sản xuất và một số có thể sẽ phải giải thể nếu đại dịch kéo dài.

Với 16 năm làm dịch vụ logistics; giao nhận, vận chuyển, vận tải container; dịch vụ hải quan, xuất nhập khẩu… nhưng đợt dịch Covid-19 này, Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát, một thành viên của Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam tại Đồng Nai cũng bị ảnh hưởng khá nặng. Đến hiện tại, dù tình hình đã khá hơn những tháng đầu năm song hoạt động của DN này vẫn đang cầm chừng. “Chúng tôi nỗ lực để duy trì hoạt động khoảng 50% so với trước đây, dù rất chật vật. Giữ được việc làm, hoạt động cho công ty cũng là điều đáng quý vì so với hầu hết các DN nhỏ và vừa khác, chúng tôi vẫn có được những đối tác trong thời gian khó khăn này” - ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc công ty chia sẻ.

* Thách thức từ hội nhập

Theo Báo cáo về logistics Việt Nam năm 2019 do Bộ Công thương thực hiện, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bắt đầu thay đổi toàn bộ viễn cảnh của dịch vụ kho bãi và phân phối hàng hóa trên toàn thế giới. Việc kết nối những thiết bị phi truyền thống như pallet, xe cần cẩu, thậm chí xe rơ-mooc chở hàng với internet ngày càng được mở rộng. Các công ty logistics trên thế giới đang nhanh chóng cải tiến công nghệ để bắt kịp xu hướng này và cải thiện tỷ suất lợi nhuận thông qua việc trang bị các công cụ tự động, hiện đại.

Đồ họa thể hiện tỷ trọng lao động làm việc theo các loại hình dịch vụ logistics trên cả nước năm 2019 - Nguồn: Nhóm nghiên cứu Trường đại học Thương mại  phân tích dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê (Thông tin: Văn Gia - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện tỷ trọng lao động làm việc theo các loại hình dịch vụ logistics trên cả nước năm 2019 - Nguồn: Nhóm nghiên cứu Trường đại học Thương mại phân tích dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê (Thông tin: Văn Gia - Đồ họa: Hải Quân)

Trong khi đó, hầu như các DN logistics Việt Nam vẫn là DN nhỏ và vừa cả về vốn, lao động lẫn công nghệ. Tiềm lực tài chính còn khiêm tốn (80% DN thành lập có vốn đăng ký từ 1,5-2 tỷ đồng). Bên cạnh vướng mắc về vốn, thì logistics Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm, năng lực cạnh tranh hạn chế nên chưa có cơ hội vươn ra thị trường có nhu cầu lớn. Thêm vào đó là thiếu sự liên kết đồng bộ giữa các DN, giữa các công đoạn khác nhau của hoạt động logistics. Dịch vụ logistics theo hướng thuê ngoài của các công ty sản xuất (dịch vụ 3PL, 4PL) đã hiện diện và có nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam. Do đó, nếu chỉ cung cấp các dịch vụ kho vận đơn giản, thuần túy... mà không tích hợp chúng thành quá trình, chuỗi dịch vụ, người cung ứng dịch vụ khó có thể thỏa mãn khách hàng về mặt chi phí cũng như tính đáp ứng nhanh của nhu cầu xuất, nhập khẩu.

Năng lực của DN logistics Việt Nam còn bị hạn chế bởi chất lượng nguồn nhân lực  không đáp ứng được nhu cầu. Trong số các DN trong nước, có tới 93-95% người lao động không được đào tạo chuyên ngành logistics, chủ yếu làm dịch vụ ở các chuỗi cung ứng nhỏ như: giao nhận, kho bãi, xử lý vận đơn... Quy mô DN logistics tại Việt Nam khá nhỏ, dưới 50 nhân viên chiếm tỷ lệ tới khoảng 32,4% và DN quy mô lớn (trên 1 ngàn nhân viên) chiếm tỷ lệ nhỏ chỉ khoảng 10,8%.

Theo ông Đặng Văn Điềm, Giám đốc Công ty TNHH Thông Quan, một DN khác của Đồng Nai chuyên về dịch vụ vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan thì vấn đề kết nối của các DN trong nước còn thiếu và yếu. “Chỉ một DN có vốn đầu tư nước ngoài, quy mô đã gấp nhiều lần DN Việt. Vừa manh mún nhỏ lẻ, các DN này lại cạnh tranh với nhau về giá trực tiếp chứ chưa nhiều đơn vị chú ý phát triển một cách đồng bộ nên khó lại càng khó” - ông Điềm nhận xét.

Trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do với các cường quốc, khu vực kinh tế chủ chốt trên thế giới, sức ép cho ngành dịch vụ logistics theo thời gian sẽ ngày càng gia tăng. Trong đó, 2 hiệp định: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã bao gồm hầu hết các quốc gia lớn mạnh về kinh tế.

Chỉ riêng với Hiệp định EVFTA, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường dịch vụ vận tải hàng không, vận tải đường bộ, đường sắt, vận tải biển, vận tải thủy nội địa và một số dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải. Điều này sẽ mở ra cơ hội kinh doanh và bảo hộ các nhà cung cấp dịch vụ logistics và đầu tư của Liên minh châu Âu (EU) khi bước chân vào thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam. EU lại là khu vực có các DN, tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này, điều đó tạo thêm sức ép lớn cực lớn cho dịch vụ logistics trong nước.

* Cần xây dựng chiến lược “dài hơi” cho dịch vụ logistics

Thách thức là rất lớn, nhưng ở chiều ngược lại, hội nhập kinh tế mang đến nhiều cơ hội nâng cấp cho dịch vụ logistics của Việt Nam.

Trong kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành tại Hội nghị Thủ tướng với cộng đồng DN vừa được tổ chức vào đầu tháng 5 vừa qua, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam nhận định, để khôi phục, năm 2020 và 2021 ngành logistics cần tập trung vào 3 vấn đề chủ yếu là: tài chính, hoạt động kinh doanh và nhân lực.

Về lâu dài, Việt Nam cần có chính sách phát triển hạ tầng cảng biển vì 90% hàng hóa xuất, nhập khẩu của nước ta là bằng đường biển. “Phát triển nhanh các cảng biển nước sâu phục vụ nhu cầu trong nước và khu vực. Việt Nam đang dần trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu. Xu hướng dịch chuyển các nhà máy ra khỏi Trung Quốc, một trong những điểm đến ưu tiên là Việt Nam. Cần chọn một số DN có uy tín trong vận tải biển và dịch vụ logistics và tạo chính sách giúp họ có chiến lược đường dài, từ đó tác động, xây dựng đội ngũ DN hùng hậu hơn” - ông Lê Duy Hiệp kiến nghị.

Về phía từng DN, việc hợp tác, học hỏi từ các đối tác lớn trên thế giới để nâng cao nội lực của mình là điều đặc biệt cần thiết. Là DN lớn trong ngành logistics ở khu vực TP.HCM, Đồng Nai và cả nước, bà Võ Phương Lan, Giám đốc Công ty CP Giao nhận vận tải Mỹ Á (ASL Corp) cho hay, nhiều năm qua, DN này đã nỗ lực để kết nối và hợp tác với các tập đoàn cùng lĩnh vực của thế giới. Mới đây, ASL Corp hợp tác với Tập đoàn Ryobi Holdings về Chuỗi cung ứng lạnh - Cold chain logistics. Trong đó, dịch vụ bảo quản và vận chuyển hàng đông lạnh là một trong các giải pháp nâng cao năng lực xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản và giảm chi phí logistics cho các DN hoạt động tại Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Việc hợp tác với tập đoàn 100 năm tuổi sẽ giúp cho ASL Corp học hỏi được những kinh nghiệm, công nghệ quản lý để từng bước vươn ra thế giới. Tại Đồng Nai, ASL Corp có chi nhánh và khu vực làm dịch vụ ngay Khu công nghiệp Biên Hòa I nên rất thuận tiện cho các DN của địa phương sử dụng dịch vụ.

Tương tự, ông Nguyễn Duy Hưng cho hay, DN của ông cũng đang hợp tác với một đối tác đến từ Nhật Bản để nâng cao hiệu quả quản trị DN, xây dựng kế hoạch phát triển bài bản. Chuẩn bị kế hoạch "dài hơi" nhằm đón đầu, tận dụng lợi thế thị trường xuất nhập khẩu rộng mở của Đồng Nai cũng như cả nước khi các hiệp định thương mại tự do ảnh hưởng tích cực cho nền kinh tế là mục tiêu mà DN này hướng đến.     

            Đào Lê

Tin xem nhiều