Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế có "độ mở" lớn, do đó sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) chủ yếu phụ thuộc vào xuất nhập khẩu.Nhưng so với các nước trong khu vực, dịch vụ logistics của Việt Nam đang ở mức thấp.
Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế có “độ mở” lớn, do đó sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) chủ yếu phụ thuộc vào xuất nhập khẩu.Nhưng so với các nước trong khu vực, dịch vụ logistics của Việt Nam đang ở mức thấp. Giá trị đóng góp của ngành vào GDP và tăng trưởng kinh tế chưa cao, dù đây là một chuỗi dịch vụ rất quan trọng của DN sản xuất từ đầu vào tới đầu ra của nền kinh tế.
Thấy được điểm yếu nói trên, những năm qua, để từng bước hoàn thiện các cơ chế chính sách, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản nhằm phát triển logistics ở Việt Nam. Trong đó phải kể tới là Quyết định số 200/QĐ-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025; Nghị định số 163/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ logistics; Chỉ thị số 21/CT-TTg năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông...
Thủ tướng cũng bổ sung nhiệm vụ của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và Tạo thuận lợi thương mại có nhiệm vụ giúp Chính phủ trong việc hoàn thiện chính sách; triển khai các giải pháp phát triển dịch vụ logistics theo yêu cầu phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của thương mại và nền kinh tế. Từ cấp độ cao nhất của Nhà nước, các định hướng cụ thể đã được đặt ra với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, chi phí logistics giảm xuống khoảng 16% tỷ trọng GDP (hiện nay cao hơn 20%). Đóng góp cho GDP là 8-10% GDP (hiện khoảng 4-5%).
Dịch bệnh Covid-19 một lần nữa đã cho thấy rõ hơn sự chậm phát triển của hệ thống logistics Việt Nam. Cùng với đó là các thách thức trong hội nhập, nỗi lo thâu tóm từ các tập đoàn nước ngoài dẫn đến DN Việt chỉ còn được phân chia những công đoạn riêng lẻ, đơn giản như: vận chuyển ra vào cảng và nhà máy, kê khai thủ tục hải quan… chứ không giữ được các khâu chiếm giá trị cao trong chuỗi cung ứng.
Về phía Nhà nước, việc cần làm ngay để vực dậy ngành logistics sau đại dịch và cả về lâu dài là phải tiếp tục hoàn thiện chính sách và pháp luật, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hải quan, cắt giảm các khoản phí, lệ phí sử dụng hạ tầng. Cải thiện cơ sở hạ tầng: giao thông, viễn thông và công nghệ thông tin. Mở rộng đào tạo mạng lưới đào tạo nhân lực trong ngành logistics.
Muốn hội nhập, DN cũng không thể làm theo phương thức cũ mà phải thay đổi mô hình kinh doanh để phù hợp. Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động rất mạnh đôi khi phá hủy các mô hình kinh doanh truyền thống để thay bằng mô hình mới nếu các DN logistics không bắt kịp sẽ thua trên thị trường cạnh tranh. Chỉ có như vậy mới nâng được giá trị đóng góp của ngành logistics vào nền kinh tế.
Vi Lâm