Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay, nhất là khi nhiều hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, vấn đề xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu cho hàng hóa địa phương là rất cần thiết...
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay, nhất là khi nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, vấn đề xây dựng thương hiệu nói chung và đăng ký nhãn hiệu cho hàng hóa địa phương là rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho hàng Việt, cũng như nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Việc đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ là một hoạt động cần thiết để đảm bảo giá trị pháp lý, hạn chế những tranh chấp thương mại phát sinh trong quá trình phát triển của doanh nghiệp, HTX Trong ảnh: Đóng gói các sản phẩm bưởi Tân Triều tại một cơ sở ở H.Vĩnh Cửu. Ảnh: Lam Phương |
[links()] * Không “đặt tên”, dễ bị chiếm thương hiệu
Khi tham gia vào hội nhập, việc doanh nghiệp (DN) bị đánh cắp và làm giả nhãn hiệu hàng hóa diễn ra khá thường xuyên tại cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Khi DN chậm đăng ký nhãn hiệu hàng hóa thì thương hiệu sẽ không được bảo hộ. Do đó, nếu có xảy ra tranh chấp thương mại, bản quyền sẽ khó có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của DN.
Trên thực tế, trong nhiều năm qua đã có nhiều thương hiệu Việt Nam nổi tiếng như: nước mắm Phú Quốc, nước mắm nhỉ Phan Thiết, cà phê Buôn Mê Thuột, cà phê Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre... từng bị nước ngoài sử dụng nhãn hiệu ở một số thị trường xuất khẩu. Quá trình đòi lại thương hiệu cho sản phẩm thường rất tốn kém, khó khăn và khá hiếm thương hiệu được đòi lại thành công.
Theo báo cáo của Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong số DN tư nhân đang hoạt động, DN lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, DN vừa 2%, còn lại 96% là DN nhỏ và siêu nhỏ.
Ông Bùi Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng Pháp chế VCCI chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cho hay, xét về tổng thể, hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang đem lại nhiều cơ hội cho các DN và nền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế các DN nhỏ và siêu nhỏ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình hội nhập.
Chôm chôm Long Khánh đã được cấp chỉ dẫn địa lý. Ảnh: Bình Nguyên |
Đặc biệt, sản phẩm nông nghiệp và các DN, HTX, cơ sở sản xuất các sản phẩm nông nghiệp là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong hội nhập, trong đó có những nguy cơ về năng lực sản xuất, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý cho nông sản…
Ông Liu Tác Sáng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, sản xuất Thuận Hương (xã Phú Túc, H.Định Quán) cho biết: “Cách đây vài năm, khi mặt hàng của công ty xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, công ty đã bị một DN ở thị trường này đăng ký, sử dụng trước thương hiệu Thuận Hương. Do đó, để bảo vệ thương hiệu của mình, công ty tôi buộc phải thỏa thuận mua lại thương hiệu đó từ phía DN ở Trung Quốc”.
Ông Lê Xuân Trường, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành (Sở KH-CN) chia sẻ, đăng ký nhãn hiệu là bước đi cần thiết về mặt luật pháp để hợp thức hóa và công nhận nhãn hiệu của một loại sản phẩm, hàng hóa nào đó. Nhãn hiệu hàng hóa là một “tài sản vô hình” của DN, khi chậm trễ trong việc đăng ký nhãn hiệu, DN sẽ dễ có nguy cơ bị đánh cắp, làm giả thương hiệu, nhất là khi DN đó ngày càng phát triển, sản phẩm được ưa chuộng…
* Vi phạm về nhãn hiệu ngày càng phức tạp
Đồng Nai là địa phương có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa lớn với nhiều tuyến giao thông huyết mạch quốc gia, vùng đi qua nên “cuộc chiến” chống hàng giả khốc liệt hơn, nhất là đối với những vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa, sở hữu trí tuệ…
Đơn cử, vào cuối năm 2019, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ khác phát hiện một cơ sở sản xuất nước uống đóng chai (đóng tại P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) giả nhãn hiệu nước giải khát Number One. Công an tỉnh đã phối hợp với công an một số địa phương thu giữ hàng chục ngàn chai nước được làm giả cùng với các tang vật liên quan khác. Đây là một trong những vụ phát hiện hàng hóa bị làm giả với số lượng lớn nhất trong thời gian gần đây.
Ông Võ Văn Tỉnh, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đồng Nai cho biết, trong những năm qua, những vi phạm liên quan đến nhãn hiệu hàng hóa, quyền sở hữu trí tuệ ngày càng phức tạp, tinh vi hơn. Trong năm 2019, lực lượng chức năng trong tỉnh đã phát hiện, xử lý 704 vụ vi phạm liên quan đến nhãn hàng hóa. Tổng số tiền phạt thu nộp ngân sách khoảng 2,3 tỷ đồng.
Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy lô hàng sản phẩm mỹ phẩm vi phạm nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vào cuối tháng 3-2020. Ảnh: C.T.V |
Tính riêng trong quý I-2020, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã kiểm tra và xử lý 94 vụ liên quan đến hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.Tổng số tiền phạt thu nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 555 triệu đồng. Tổng số hàng hóa vi phạm bị tịch thu là hơn 7,4 ngàn sản phẩm các loại, giá trị hàng hóa vi phạm bị tịch thu ước tính gần 350 triệu đồng.
Mới đây nhất, vào cuối tháng 3-2020, Cục Quản lý thị trường Đồng Nai đã tổ chức tiêu hủy hơn 2,5 ngàn sản phẩm mỹ phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ do Công ty CP Thương mại - đầu tư S. (có trụ sở tại P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) sản xuất. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm gần 100 triệu đồng.
* Vì sao DN chưa “mặn mà”?
Ông Châu Minh Nguyện, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai nhận định, nhiều DN tiết kiệm tối đa nguồn kinh phí dành cho tiếp thị, xây dựng thương hiệu với suy nghĩ “miễn sản xuất ra bán được là mừng rồi”. Do đó, nhiều DN chưa “mặn mà” với việc đăng ký sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu. Trong khi, các DN lớn, công ty nước ngoài lại rất chú ý đến việc này trước khi đưa sản phẩm ra thị trường để hạn chế tối đa những tranh chấp về thương hiệu…
Ông Lê Xuân Trường chia sẻ, việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa là cần thiết. Đồng Nai cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ các DN vừa và nhỏ, HTX, trang trại đăng ký nhãn hiệu hàng hóa địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn những DN chưa “mặn mà” với việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, nhất là các DN nhỏ. Khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều DN nhỏ và vừa mới quan tâm tới vấn đề này.
Ông Nguyễn Văn H., Giám đốc một công ty chuyên về sản xuất, kinh doanh các linh kiện, thiết bị cơ khí ở P.Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) thừa nhận, cách đây vài năm công ty có làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu, logo cho sản phẩm của công ty. Tuy nhiên, thời gian chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu khá lâu và nhiều thủ tục phức tạp nên công ty “đứt gánh giữa đường” không tiếp tục hoạt động đăng ký thương hiệu nữa.
Tương tự, bà Huỳnh Thị N., đại diện một công ty chuyên sản xuất hạt điều chế biến ở H.Cẩm Mỹ cho hay, do là một DN nhỏ nên công ty cũng chưa mặn mà đăng ký nhãn hiệu vì thấy đăng ký “cũng chỉ na ná như các DN khác” trong khi lại tốn thêm khoản chi phí, thời gian làm thủ tục để đăng ký nhãn hiệu. Hiện công ty vẫn chủ yếu gia công, sản xuất hạt điều cho các DN lớn thu mua xuất khẩu.
Một số DN, HTX cho biết, việc xây dựng thương hiệu không hề đơn giản bởi tâm lý của nhiều người tiêu dùng vẫn còn chuộng hàng giá rẻ nên dù sản phẩm có đăng ký nhãn hiệu vẫn rất khó cạnh tranh về giá cả so với những sản phẩm cùng loại chưa đăng ký nhãn hiệu nhưng có giá rẻ hơn.
Ông Nguyễn Tiến Chương, Giám đốc một công ty chuyên sản xuất các sản phẩm được chế biến từ gấc ở TP.Long Khánh cho biết, công ty đã đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ logo cho các sản phẩm của công ty. Hoạt động này là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, một trong những khó khăn của công ty là chi phí dành cho việc truyền thông, quảng bá sản phẩm ngày càng tăng.
Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại Bình Lộc (TP.Long Khánh) cho biết, trước đây nhiều lô hàng xuất khẩu của HTX vẫn đi đường vòng, phải “mượn” thương hiệu của một đơn vị trung gian để đủ điều kiện xuất khẩu sang một số thị trường nước ngoài, dù chôm chôm của HTX nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý chôm chôm Long Khánh đã được công nhận.
Nguyên nhân là do chưa đồng bộ trong việc xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Hơn thế nữa, chi phí dành cho hoạt động xây dựng, quảng bá thương hiệu còn cao, lại có nhiều rủi ro nên HTX cũng ngần ngại. Khoảng 1 năm nay, HTX mới bắt đầu đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm của mình.
Lam Phương