Sau gần 3 tháng nghỉ Tết và nghỉ phòng, chống dịch Covid-19, hôm nay 4-5, học sinh bậc THCS trở lên sẽ trở lại trường, chính thức "khởi động" học kỳ 2, năm học 2019-2020.
Sau gần 3 tháng nghỉ Tết và nghỉ phòng, chống dịch Covid-19, hôm nay 4-5, học sinh bậc THCS trở lên sẽ trở lại trường, chính thức “khởi động” học kỳ 2, năm học 2019-2020.
Trường TH-THCS-THPT song ngữ Lạc Hồng (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) phun hóa chất khử trùng chuẩn bị đón học sinh trở lại trường. Ảnh: C.NGHĨA |
Ngay sau khi có thông báo học sinh sẽ được trở lại trường vào ngày 4-5, Ban giám hiệu Trường THCS Trần Hưng Đạo (X.Bảo Bình, H.Cẩm Mỹ) đã bắt tay ngay vào xây dựng thời khóa biểu học kỳ 2 theo chương trình giảm tải đã được Bộ GD-ĐT công bố. Thời khóa biểu này được cho là phù hợp với điều kiện vừa dạy học vừa phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
* Đảm bảo kiến thức cho tất cả học sinh
Theo Ban giám hiệu Trường THCS Trần Hưng Đạo, việc xây dựng thời khóa biểu học kỳ 2 dành cho học sinh từ khối 6-9 đã được nhà trường nghiên cứu kỹ lưỡng từ chương trình giảm tải của Bộ GD-ĐT, đảm bảo hoàn thành năm học 2019-2020 trước ngày 15-7 theo quy định chung của ngành. Khi học sinh đi học trở lại, nhà trường sẽ dạy lại từ đầu chương trình, dù trong thời gian qua có khối lớp đã được học chương trình mới qua truyền hình hay qua internet. Nhà trường cũng có kế hoạch phụ đạo thêm với những học sinh bị “hổng” kiến thức, đảm bảo nền tảng kiến thức cơ bản cho các em tiếp cận không chỉ chương trình học kỳ 2 mà cả những năm học tiếp theo.
Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo Lê Xuân Quý cho hay: “Trong thời gian các em phải nghỉ học, dù ngành GD-ĐT đã có nhiều hình thức hỗ trợ học sinh ôn tập, thế nhưng không phải em nào cũng tận dụng tốt để ôn tập kiến thức cho mình. Theo thống kê của nhà trường, chỉ có khoảng 60% học sinh có điều kiện về thiết bị kết nối internet để học trực tuyến. Số còn lại không loại trừ khả năng bị mai một kiến thức, do đó cách tốt nhất là nhà trường buộc phải dạy lại kiến thức từ đầu cho các em, đảm bảo em nào cũng được quan tâm một cách đồng đều”.
Còn Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo (P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) Đỗ Thị Cao Sang thì cho biết: “Dù học sinh ở thành phố điều kiện tiếp học tập qua internet tốt hơn nhưng vẫn chưa đạt 100%. Ngay cả những em duy trì đều đặn việc học qua mạng thì khi trở lại trường, thầy cô đều phải kiểm tra, đánh giá phân loại để có hình thức hỗ trợ thêm, tuyệt đối không được chủ quan cho rằng, bài nào đã dạy qua mạng rồi thì thôi không cần dạy lại nữa”.
* Linh hoạt giãn cách học sinh
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế đối với ngành GD-ĐT, khi học sinh trở lại trường, nhà trường phải bố trí cho học sinh ngồi giãn cách nhau từ 1,5m, mỗi lớp không quá 20 em. Quy định này khiến nhiều trường trên cả nước, nhất là những tỉnh có sĩ số học sinh đông như Đồng Nai, khó thể thực hiện được.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp: Kiểm soát nghiêm việc khai báo sức khỏe mỗi ngày Việc cho học sinh đến trường là cần thiết, nhưng việc duy trì các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 là rất quan trọng. Sở GĐ-ĐT và Sở Y tế phải phối hợp chặt chẽ hỗ trợ các địa phương, các trường nâng cao năng lực phòng, chống dịch hiệu quả. Phải thường xuyên nắm được những diễn biến bất thường về tình hình sức khỏe của học sinh, kể cả cán bộ, giáo viên qua hệ thống ứng dụng khai báo sức khỏe đã được Bộ Y tế cung cấp. Cần chuẩn bị sẵn các phương án, thậm chí là thực hiện diễn tập, khi có những biểu hiện liên quan đến dịch thì nhất định phải xử lý được ngay. |
Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch, nếu thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì gần như 100% trường tại Đồng Nai không thể thực hiện được vì thiếu phòng học, thiếu giáo viên và cả kinh phí để chi cho hàng chục ngàn giáo viên phải dạy thêm giờ. Theo ông Thạch: “Có những trường ở TP.Biên Hòa hay H.Trảng Bom sĩ số trung bình lên đến 50-55 em/lớp. Nếu giãn cách sĩ số 20 em/lớp thì một lớp hiện tại sẽ phải chia thành gần 3 lớp, như vậy bố trí dạy cả ca 3 cũng không đủ lớp học”.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Trảng Dài (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) Ngô Thị Thủy cho biết, phần lớn các lớp của trường hiện có sĩ số 50 em, do học sinh đông lại không có đủ lớp học nên trường phải cho một số lớp đi học nhờ ở trường kế bên. Chính vì những khó khăn này nên với quy định khi học sinh đi học trở lại phải ngồi giãn cách nhau 1,5m và mỗi lớp không quá 20 em đã khiến nhà trường rất bối rối.
Bà Ngô Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trảng Dài cho rằng: “Giải pháp giãn cách học sinh 20/lớp không khả thi nên giải pháp thay thế là cần phải làm tốt công tác vệ sinh phòng dịch trong trường học. Trước tiên, mỗi gia đình phải phối hợp tốt với nhà trường trong việc theo dõi sức khỏe học sinh trước mỗi ngày các em đến trường. Nếu các em có biểu hiện bị ho, sốt thì không nên đến trường mà phải đến các trung tâm y tế thăm khám. Khi đến trường, các em phải đeo khẩu trang, nhà trường sẽ tiến hành đo thân nhiệt và hướng dẫn các em rửa tay trước khi vào lớp. Ngoài ra, nhà trường cũng sẽ thực hiện nghiêm hướng dẫn của Sở GD-ĐT trước mắt không chào cờ tập trung đầu tuần, hạn chế học sinh lớp này giao tiếp với lớp kia, bố trí giờ ra về lệch nhau…”.
* Tăng cường giám sát phòng dịch
Dù dịch Covid-19 đã được khống chế, nhiều ngày liên tục Việt Nam không phát sinh ca nhiễm mới trong cộng đồng, tại Đồng Nai, ca nhiễm duy nhất đến thời điểm này đã được chữa khỏi, thế nhưng tỉnh vẫn rất thận trọng khi đưa ra quyết định cho học sinh trở lại trường. Thay vì chọn giải pháp đồng loạt cho học sinh tất cả các bậc học trở lại trường cùng đợt, tỉnh đã chọn phương án chia thành nhiều đợt khác nhau.
Giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Biên Hòa) vệ sinh lớp học trong ngày nghỉ lễ 30-4 để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường |
Lý giải việc cho học sinh trở lại trường theo từng bậc học vào những thời điểm khác nhau, Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho biết, học sinh từ THCS trở lên đã cơ bản ý thức được biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, còn học sinh từ tiểu học trở xuống thì việc tự trang bị kỹ năng phòng, chống dịch chưa đầy đủ. Nếu cho học sinh toàn tỉnh trở lại trường vào cùng một thời điểm sẽ khó kiểm soát, rủi ro cao nên phương án chia thành nhiều đợt theo từng độ tuổi là hợp lý, trong quá trình thực hiện nếu có khâu nào bất cập thì có thể xử lý được ngay. Các bậc học nhỏ tuổi như tiểu học hay mầm non trở lại trường vào các ngày 11-5 và 18-5 có thể theo dõi và tham khảo thêm cách thức phòng, chống dịch của các trường đã cho học sinh đi học trước để hoàn thiện thêm phương án bảo vệ học sinh và trẻ nhỏ.
Đến nay, Sở Y tế phối hợp với Sở GD-ĐT đã hoàn thành công tác cấp các phương tiện, dụng cụ, sinh phẩm phòng, chống dịch cho các trường học trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tùy vào số lượng học sinh các trường nhận được từ 3-5 máy đo thân nhiệt hay số lượng dung dịch rửa tay. Ngoài sự hỗ trợ của tỉnh, nhiều trường cũng đã tự mua sắm thêm các máy đo thân nhiệt phục vụ việc cho hoạt động của đơn vị trong thời gian qua. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã có kế hoạch, khi học sinh trở lại trường sẽ cử cán bộ y tế của các trạm y tế xã, phường tăng cường cho các trường trên địa bàn thực hiện đo kiểm tra thân nhiệt cho học sinh, đăng ký thông tin sức khỏe học sinh trên hệ thống do Viễn thông Đồng Nai cung cấp…
Trường phòng GD-ĐT TP.Long Khánh Trần Công Nghị cho biết, phòng đã chuẩn bị sẵn các phương án cho ngày học sinh trở lại trường đối với từng cấp học. Những ngày qua dù là ngày nghỉ lễ nhưng nhiều trường đã khẩn trương thực hiện ngay các hướng dẫn của Sở và Phòng GD-ĐT về công tác phòng, chống dịch bệnh như: phun hóa chất khử trùng toàn bộ trường học, vệ sinh bàn ghế, hành lang đi lại, nhà vệ sinh… để sẵn sàng đón học sinh trở lại trường.
Thời gian trở lại trường của các bậc học: - Thứ hai, ngày 4-5: Học sinh bậc THCS-THPT, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, học viên trung tâm tin học ngoại ngữ, trung tâm kỹ năng sống, trung tâm giáo dục chuyên biệt. - Thứ hai, ngày 11-5: Học sinh bậc tiểu học và trẻ mầm non 5 tuổi. - Thứ hai, ngày 18-5: Học sinh bậc mầm non dưới 5 tuổi. |
Công Nghĩa