Sau 12 năm mới trở lại V.League nhưng với mùa giải làm "nháp" 2021 chỉ đứng thứ 8, đội bóng đất võ thực hiện cuộc cách mạng nhân sự toàn diện.
Sau 12 năm mới trở lại V.League nhưng với mùa giải làm “nháp” 2021 chỉ đứng thứ 8, đội bóng đất võ thực hiện cuộc cách mạng nhân sự toàn diện.
“PSG Việt Nam” sẽ tiếp tục vung tiền cho đến khi có chức vô địch? |
Với ngân sách 100 tỷ đồng từ 2 nhà tài trợ, hầu như mọi yêu cầu của HLV Nguyễn Đức Thắng đều được đáp ứng và ông đã đưa về sân Quy Nhơn 13 bản hợp đồng mới, trong đó hầu hết là tuyển thủ hoặc cựu tuyển thủ quốc gia cũng như U.23; đồng thời, thay cả 3 ngoại binh.
Với Đặng Văn Lâm, Đình Trọng, Hồ Tấn Tài, Đức Chinh, Mạc Hồng Quân, Nghiêm Xuân Tú, Dương Thanh Hào, Đỗ Văn Thuận, Adriano Schmidt, Xuân Nam, Lý Công Hoàng Anh, Thanh Thịnh, Tiến Duy, Jermie Lynch, Rafaelson, Hendrio…, Topenland Bình Định thực sự là dải ngân hà, được mệnh danh “PSG Việt Nam”. Tuy nhiên, sự vung tay mua sắm vô tội vạ này lại dẫn đến cuộc khủng hoảng thừa.
Vốn chỉ dẫn dắt 2 CLB tầm trung, ngân sách hạn hẹp là Sài Gòn FC và Thanh Hóa, nay với quá nhiều ngôi sao trong tay nên gần hết nửa giai đoạn lượt đi HLV Đức Thắng phải loay hoay ghép lego. Rồi khi tìm được đội hình tối ưu vẫn thường xuyên thay đổi, xoay tua bởi không thể lãng phí những cầu thủ phải bỏ ra rất nhiều tiền để sắm. Đó là lý do khiến phong độ của đội thiếu ổn định.
Đã vậy, rất nhiều tên tuổi khi về với Bình Định lại sa sút phong độ hoặc vì lý do nào đó mà không còn là chính mình trước đó. Đức Chinh 21 trận ra sân, Mạc Hồng Quân 17 trận, Nghiêm Xuân Tú 16 trận, tất cả đều im tiếng trong cả mùa giải. Đình Trọng vẫn trên đường tìm lại phong độ. Trong 3 ngoại binh thì Jermie Lynch (dẫn đầu với 8 pha lập công) và nhất là tiền vệ Hendrio (6 bàn) là 2 bản hợp đồng chất lượng, nhưng việc bỏ Rimario để thay bằng Rafaelson là sai lầm. Các CĐV đất võ hẳn rất tiếc nuối khi chứng kiến Rimario có một mùa giải bùng nổ ở Hải Phòng với danh hiệu vua phá lưới cùng 17 bàn thắng, trong khi luôn được mặc định vai trò trung phong và thi đấu rất nỗ lực nhưng Rafaelson chỉ có 5 lần nổ súng.
Với ưu tiên cả 3 ngoại binh cùng 4 tiền đạo nội từng được gọi lên đội tuyển Việt Nam, trên lý thuyết mặt trận tấn công của Bình Định là rất “khủng”. Thế nhưng, có đến 7/13 trận thắng của họ chỉ với cách biệt và tỷ số tối thiểu. Quan trọng hơn, dù lượng khán giả đến sân Quy Nhơn luôn đông đảo nhưng Bình Định lại không tận dụng được lợi thế sân nhà khi để mất tới 14/33 điểm tối đa. Trong khi đó, Hà Nội FC chỉ đánh rơi 5 điểm tại Hàng Đẫy, còn Hải Phòng là 9 điểm ở Lạch Tray. Sự chênh lệch về số điểm bị mất trên sân nhà này cũng chính là khoảng cách trên bảng xếp hạng của Bình Định với nhà vô địch và á quân. Nếu biết chắt chiu, đội bóng đất võ không phải không có cơ hội lên ngôi vô địch.
Tuy nhiên, nhìn những thông số trên bảng xếp hạng, vị trí hạng 3 của Bình Định là phản ánh chính xác (44 điểm, 13 trận thắng, 5 thất bại, 35 bàn thắng, đều đứng thứ 3). Chung quy, cũng như CLB Hải Phòng, Bình Định chưa có… “ADN vô địch” (thành tích cao nhất trong lịch sử hạng 3 cách đây đã…16 năm). Bằng chứng, trong đối đầu trực tiếp với 3 đối thủ ở cuộc đua nhóm đầu, Bình Định chỉ hơn Hà Nội FC nhờ trận thắng bất ngờ 3-0 ở lượt về (lượt đi trên sân nhà thua 0-1), còn kém Hải Phòng (thua 1-3, hòa 0-0) và cả Viettel (0-2, 0-0).
Thành Roma không thể chỉ xây trong 1 ngày, huống hồ đây mới là mùa V.League trọn vẹn đầu tiên của đội bóng đất võ sau 12 năm trở lại. Tấm HCĐ dù có được bằng rất nhiều tiền nhưng vẫn là thành công cho “PSG Việt Nam” mà nhà tài trợ có thể hài lòng, để hướng tới mục tiêu cao hơn ở mùa sau với cách làm hay hơn.
Đông Kha