Báo Đồng Nai điện tử
En

Vụ SVB phá sản: Moody's và S&P Global đánh giá tác động đến các ngân hàng châu Âu là hạn chế

10:03, 15/03/2023

Ngày 14-3, các cơ quan đánh giá tín nhiệm Moody's và  S&P Global nhận định vụ Silicon Valley Bank (SVB) phá sản chỉ có tác động hạn chế tới các ngân hàng châu Âu, vốn có cơ cấu hoạt động khác biệt.

* Giới chuyên gia dự báo khả năng FED kết thúc tăng lãi suất sớm hơn dự kiến

Ngày 14-3, các cơ quan đánh giá tín nhiệm Moody’s và  S&P Global nhận định vụ Silicon Valley Bank (SVB) phá sản chỉ có tác động hạn chế tới các ngân hàng châu Âu, vốn có cơ cấu hoạt động khác biệt.

Khách hàng vào trụ sở của SVB tại California, Mỹ. Ảnh: Reuters
Khách hàng vào trụ sở của SVB tại California, Mỹ. Ảnh: Reuters

Theo Moody’s, cấu trúc của các ngân hàng châu Âu đã giúp hạn chế nguy cơ rủi ro khi các tổ chức tài chính này có tỷ lệ tiền gửi ở ngân hàng trung ương lớn hơn. So với các ngân hàng Mỹ, các chứng khoán nợ cũng chiếm tỷ lệ nhỏ hơn trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng châu Âu. Điểm khác biệt chính trong 2 hệ thống là tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của các ngân hàng châu Âu thấp hơn và lượng tiền gửi của họ ổn định hơn, tăng trưởng chậm so với các ngân hàng Mỹ. Điều này khiến tác động của vụ phá sản đối với hệ thống ngân hàng ở châu Âu là hạn chế. Ngoài ra, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã xây dựng cơ chế tiếp cận thanh khoản tốt hơn trong các trường hợp bất ổn.

Cùng chung quan điểm này, S&P Global Ratings cho biết, các ngân hàng châu Âu mà cơ quan này theo dõi không có mô hình kinh tế hay nguồn vốn giống như các ngân hàng Mỹ. Do đó, khả năng châu Âu chịu tác động mạnh là khó xảy ra.

Trước đó, Ủy viên kinh tế châu Âu Paolo Gentiloni, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đều đã có tuyên bố trấn an thị trường về khả năng khu vực đối mặt với khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, Moody’s cảnh báo rằng, việc thắt chặt lãi suất có khả năng sẽ vẫn được duy trì và các diễn biến căng thẳng trong hệ thống ngân hàng Mỹ cũng sẽ làm suy yếu lòng tin của nhà đầu tư, kéo theo những khó khăn về nguồn vốn đối với các ngân hàng châu Âu.

Vào ngày 10-3 vừa qua, SVB - một trong những ngân hàng lớn nhất Thung lũng Silicon và lớn thứ 16 ở Mỹ - đã tuyên bố phá sản. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng thương mại lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, sau vụ Ngân hàng Washington Mutual (WaMu) sụp đổ năm 2008 vào thời kỳ khủng hoảng tài chính. Bộ Tài chính Mỹ và Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) đã phải đứng ra cam kết bảo vệ quyền lợi của tất cả người gửi tiền và hỗ trợ các ngân hàng khó khăn về tiền mặt, theo đó nới lỏng điều kiện cung cấp các khoản vay ngắn hạn.

Vụ SVB phá sản đã khiến Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED - gặp khó khăn trong việc kiềm chế lạm phát và hạ nhiệt số liệu kinh tế mạnh, mà không làm ảnh hưởng tiêu cực tới các cổ phiếu trong lĩnh vực ngân hàng. Một số nhà đầu tư và phân tích từng dự báo FED sẽ đẩy nhanh các đợt tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát, đã điều chỉnh dự báo khi cho rằng FED sẽ giữ nguyên mức lãi suất hiện nay vào tuần tới.

Theo kế hoạch, các thành viên điều hành FED sẽ bỏ phiếu nhằm ấn định mức lãi suất mới tại cuộc họp của FOMC vào tuần tới. Các nhà phân tích tại Goldman Sachs và Wells Fargo dự báo FED sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào ngày 22-3 tới, trong khi các nhà kinh tế học tại JP Morgan và Oxford Economics tin rằng, FOMC sẽ bỏ phiếu ủng hộ tăng lãi suất ở mức 0,25 điểm phần trăm…

TTXVN

Tin xem nhiều