Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh vấn đề quan tâm hiện nay của Đức là các biện pháp trừng phạt này sẽ được thực thi như thế nào và sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề này với các đối tác Mỹ.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh vấn đề quan tâm hiện nay của Đức là các biện pháp trừng phạt này sẽ được thực thi như thế nào và sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề này với các đối tác Mỹ.
Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, Đức. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Ngày 20-12, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết ông không hy vọng Washington sẽ từ bỏ quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào những công ty có liên quan đến việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt của Nga tới châu Âu vào phút chót.
Trả lời phỏng vấn các phóng viên trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Ukraine Vadim Prystaiko tại thủ đô Berlin, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh vấn đề quan tâm hiện nay của Đức là các biện pháp trừng phạt này sẽ được thực thi như thế nào. Ông Maas cho biết Berlin sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề này với các đối tác Mỹ.
Về phần mình, Ngoại trưởng Ukraine cũng lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt nhằm vào Đức, tuy nhiên ông không đưa ra bất cứ bình luận nào về các biện pháp trừng phạt đối với các nhà thầu tư nhân có liên quan đến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 - dẫn khí từ Nga tới Đức đi qua lòng biển Baltic.
[Tổng thống Mỹ thông qua lệnh trừng phạt đường ống dẫn khí Nga-châu Âu]
Trong tuyên bố đưa ra tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Prystaiko một lần nữa khẳng định tình hữu nghị giữa Đức và Ukraine, đồng thời nhấn mạnh Kiev không muốn có bất cứ biện pháp trừng phạt nào nhằm vào Berlin.
Ông Prystaiko cũng thông báo về những tiến triển đạt được trong các cuộc đàm phán gần đây giữa Kiev và Moskva về một thỏa thuận vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine.
Trước đó, Mỹ đã cảnh báo rằng việc tăng nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga sang Tây Âu sẽ khiến các nước ở khu vực này phụ thuộc nhiều hơn vào Moskva, từ đó gia tăng tầm ảnh hưởng chính trị của Nga tại châu Âu.
Washington cũng bày tỏ lo ngại đường ống dẫn khí đốt qua biển Baltic này có thể đe dọa tới đường ống cung cấp khí đốt hiện nay qua Ukraine, đồng thời tạo điều kiện cho Moskva dễ dàng gây áp lực đối với Kiev trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước vẫn đang căng thẳng./.
(Vietnam+)