Tính đến sáng 24-12, số người thiệt mạng trong thảm họa sóng thần ở khu vực xung quanh eo biển Sunda của Indonesia đã tăng lên ít nhất 281 người, trong khi người bị thương cũng lên con số hơn 1.000 người.
Nhân viên cứu hộ tìm kiếm nạn nhân thảm họa sóng thần tại South Lampung, Indonesia ngày 23/12. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Người phát ngôn Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai Indonesia, ông Sutopo Purwo Nugroho nhận định số người thương vong trong thảm họa này sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người còn sống sót còn đang mắc bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của các ngôi nhà. Cơ quan này cũng cho hay số người mất tích tại các khu vực bờ biển ở phía Tây Java và phía Nam quần đảo Sumatra được cho là lên tới hàng chục người.
Trong khi đó, Hiệp hội Y khoa Indonesia cho biết đang điều thêm y bác sỹ cùng thiết bị y tế tới hiện trường để hỗ trợ công tác cứu hộ, sơ cứu nạn nhân. Hiệp hội này cho biết đa số các bệnh nhân đều là du khách người Indonesia đang trong kỳ nghỉ cuối tuần.
[Indonesia có thể sẽ phải hứng chịu thêm một thảm họa sóng thần khác]
Các nhóm cứu hộ cũng chuẩn bị các phương án đối phó với nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại khu vực thiên tai. Giới chức cảnh báo người dân và du khách tại các vùng duyên hải quanh eo biển Sunda tránh đến gần các bãi biển và cảnh báo thủy triều cao vẫn được duy trì tới ngày 25-12. Các quốc gia gần Indonesia như Malaysia và Australia đều khẳng định sẵn sàng hỗ trợ nếu được yêu cầu.
Theo Cơ quan Địa vật lý, khí tượng học và khí hậu học Indonesia (BMKG), vụ sóng thần này xảy ra vào 21 giờ 30 tối 22-12, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các khu vực như Eo biển Sunda, gồm các bãi biển tại Pandeglang, Serang và South Lampung.
Theo BMKG, việc núi lửa Anak Krakatoa phun trào 30 phút trước đó đã gây ra một vụ sụt lún dưới lòng biển, cùng với đợt thủy triều dâng cao thất thường là nguyên nhân dẫn tới thảm họa sóng thần này. Không giống như những thảm họa sóng thần xảy ra sau các trận động đất thường sẽ kích hoạt hệ thống cảnh bảo, sóng thần lần này xảy ra sau khi núi lửa phun trào nên cơ quan chức năng có rất ít thời gian để kịp kích hoạt hệ thống cảnh báo sớm.
Thảm họa sóng thần tối 22-12 là thảm kịch mới nhất tác động vào Indonesia trong năm qua. Trước đó, các trận động đất liên tiếp đã san phẳng nhiều khu vực trên đảo du lịch Lombok, trong khi một thảm họa động đất kèm sóng thần cũng đã khiến hàng nghìn người trên đảo Sulawesi thiệt mạng./.
(TTXVN/VIETNAM+)