Năm 2018 được xem là năm quan hệ Nga và phương Tây trong trạng thái khủng hoảng thường trực, và cuộc đối đầu địa chính trị giữa hai bên vẫn "bất phân thắng bại."
Năm 2018 được xem là năm quan hệ Nga và phương Tây trong trạng thái khủng hoảng thường trực, và cuộc đối đầu địa chính trị giữa hai bên vẫn “bất phân thắng bại”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron tại cuộc gặp ở Saint Petersburg, Nga ngày 24-5. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Chỉ trích lẫn nhau hơn nhiều hơn, cảnh báo gay gắt thêm, đối thoại trở nên hiếm hoi, hàng loạt cơ hội cải thiện quan hệ bị bỏ lỡ. Có thể nói bao trùm lên mối quan hệ giữa Nga và phương Tây nói chung, đặc biệt là giữa Nga và Mỹ nói riêng, vẫn là đối đầu trong năm qua, bởi suy cho cùng hai bên coi nhau là đối thủ cạnh tranh về lợi ích chiến lược mà sức mạnh của bên này luôn là yếu tố đe dọa tầm ảnh hưởng và vị thế của bên kia. Quan điểm quá khác biệt, lợi ích quá mâu thuẫn…,quan hệ Nga - phương Tây hay Nga - Mỹ chưa lúc nào thôi căng thẳng.
Tuy nhiên, khi tình hình thế giới thời kỳ hậu “Chiến tranh Lạnh” đã biến chuyển mạnh mẽ với những thách thức ngày càng phức tạp và khó lường, mối quan hệ giữa hai bên cũng ngày càng mang tính ràng buộc hơn, khi bên này cũng phải thừa nhận vai trò của bên kia trong việc đối phó với những mối đe dọa toàn cầu. Vì thế, Nga và phương Tây, tuy quay lưng song cũng có lúc bắt tay, và dù không “bằng lòng”, đôi khi vẫn phải “bằng mặt”.
Trong bối cảnh một nước Nga hùng mạnh và có ảnh hưởng ngày càng lan rộng trên trường quốc tế rõ ràng không phải là “kịch bản mong muốn” của phương Tây, nhất là khi ngay cả Mỹ cũng vì nhiều lý do không thể giữ được vị trí siêu cường có thể tự mình quyết định tất cả, mọi tín hiệu cải thiện trong quan hệ đôi bên nhiều khi chỉ mang tính nhất thời, phục vụ những mục tiêu trước mắt.
Cuộc bầu cử tổng thống Nga hồi tháng Ba với chiến thắng áp đảo của Tổng thống Vladimir Putin, vô hình trung lại là yếu tố khiến Nga và phương Tây càng khó xích lại gần nhau. Vai trò quyết định của ông Putin trong việc khôi phục sức mạnh của nước Nga kể từ khi nhà lãnh đạo quyết đoán này lên nắm quyền, bất chấp những sức ép và trừng phạt từ bên ngoài, có vẻ khiến Tổng thống Nga không phải là “nhân vật được ưa thích” của lãnh đạo các nước coi Nga như đối thủ cạnh tranh chiến lược.
Xét trên quan điểm này, cuộc khủng hoảng xung quanh vụ điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal được cho là bị đầu độc ở nước Anh, chỉ là một hồ sơ nữa làm trầm trọng và khiến căng thẳng quan hệ Nga-phương Tây càng khó hóa giải. Từ bất đồng giữa Nga và Anh, kéo theo đó là vòng xoáy trục xuất các nhà ngoại giao không chỉ của hai nước, mà còn giữa Nga và nhiều nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU), mọi chuyện diễn biến dường như theo “một công thức” leo thang căng thẳng từng được áp dụng đôi lần trước đó trong quan hệ chưa khi nào yên ả giữa Nga-NATO hay Nga-Mỹ. Tiếp đó, vụ đụng độ vừa qua giữa hải quân Nga và Ukraine, dẫn tới Nga bắt giữ tàu và thủy thủ Ukraine, lại làm “cơn bão” trừng phạt nổi lên, quan hệ Nga - phương Tây xoay trong “mớ bòng bong” đe dọa và chỉ trích lẫn nhau.
Quan hệ Nga-Mỹ năm qua cũng đi theo công thức chung của căng thẳng Nga-phương Tây, dẫu hai bên từng có bước “chạy đà” thuận lợi sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng ở Việt Nam cuối năm 2017. Hợp tác chiến lược Nga-Mỹ hầu như đình trệ. Trong lĩnh vực không gian vũ trụ, Nga và Mỹ thường xuyên cáo buộc nhau đang “vũ khí hóa” vũ trụ, hai bên cũng không đi tới nhất trí soạn thảo một hiệp ước mới nhằm ngăn chặn chạy đua vũ khí trên không gian. Những màn chỉ trích, “đấu khẩu” liên tiếp đã làm tổn hại đến lòng tin và quan hệ giữa Nga và Mỹ.
Ngoài ra, đối với các vấn đề quốc tế nóng như cuộc xung đột tại Ucraina, Syria, Yemen hay hồ sơ hạt nhân Iran, hai bên cũng không mặn mà tìm kiếm cơ hội cùng hợp tác, và hậu quả là các điểm nóng vẫn cứ “cháy âm ỉ” hoặc không có tiến triển gì đáng kể. Mặc dù tổng thống hai nước đã tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai tại Helsinki (Phần Lan) vào trung tuần tháng 7-2018, với cuộc thảo luận dài được đánh giá là mang tính xây dựng, song “điểm sáng” kể trên không đủ để giúp “soi đường” cho quan hệ Nga-Mỹ đi đúng hướng giữa màn đêm đầy rẫy những mâu thuẫn, bất đồng và trong bối cảnh cuộc chiến “ăn miếng trả miếng” chưa có dấu hiệu dừng lại. Năm 2018 khép lại với ít nhất hai cơ hội tiếp xúc cấp cao trực tiếp Nga-Mỹ bị hủy bỏ.
Có vẻ, Nga và Mỹ đang bị cuốn vào trò chơi “được-mất,” “loại trừ lẫn nhau,” khiến cho đối đầu ngày càng gia tăng, trong khi khả năng tìm kiếm những quyết sách “đôi bên cùng có lợi” ngày càng bị hạn chế.
Năm 2019 có thể sẽ có khởi đầu không thuận cho quan hệ Nga-Mỹ, bởi tháng 2-2019 có thể là thời điểm Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), điều sẽ khiến Nga buộc phải đáp trả bằng việc hiện đại hóa kho vũ khí của mình. Quan hệ Nga-phương Tây nói chung cũng không có triển vọng sáng sủa.
Tuy nhiên, bản thân cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ hồi tháng Bảy, cùng các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa Tổng thống Nga với một loạt lãnh đạo các nước phương Tây, hay các hình thức tiếp xúc như Hội đồng NATO-Nga, cũng chuyển đi thông điệp rằng Nga và phương Tây dù là đối thủ cạnh tranh quyết liệt, song luôn cần đối thoại. Dù căng thẳng tới mức nào, hai bên vẫn đang giữ để không biến thành “kẻ thù” một mất một còn đối với nhau. Chính Tổng thống Mỹ Donald Trump từng khẳng định rằng sự hợp tác giữa phương Tây và Nga có thể giải quyết nhiều vấn đề quan trọng và cấp bách của thế giới, và đây sẽ là “dây neo” giữ mối quan hệ hai bên trong tầm kiểm soát.
Có thể nói trạng thái mối quan hệ giữa Nga và Mỹ, Nga và phương Tây không những định hình tương quan lực lượng chiến lược toàn cầu, mà còn tác động tới quá trình thiết lập trật tự thế giới. Những sự việc mang tính cạnh tranh và cọ xát giữa hai bên tương tự như năm 2018 có thể tiếp tục xảy ra trong năm 2019, song điều đó không đồng nghĩa với việc không còn hy vọng về khả năng “cài đặt lại” hoặc đưa quan hệ trở về trạng thái “bình thường.” Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev từng khẳng định “cơ hội để cải thiện quan hệ Nga - Mỹ luôn luôn tồn tại”, trong khi Tổng thống Putin bày tỏ “Nga sẵn sàng thiết lập các mối quan hệ đối tác mang tính xây dựng và đôi bên cùng có lợi với mọi quốc gia và tổ chức”.
Gần đây nhất, ngày 19-12, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Aleksandr Grushko tuyên bố Moskva sẵn sàng thảo luận với NATO về vấn đề ngăn ngừa đụng độ và giảm căng thẳng… Có thể thấy, với thái độ khá thiện chí, Nga đã chủ động “đẩy quả bóng” sang cho các đối tác phương Tây của mình. Việc Mỹ, NATO và EU sẽ tiếp nhận các sáng kiến, đề xuất của Nga đến đâu thì còn chưa rõ, song hòa bình, an ninh và ổn định trên thế giới chắc hẳn sẽ được củng cố một bước, nếu Nga cùng Mỹ và phương Tây biết tranh thủ mọi cơ hội đối thoại và hợp tác./.
(TTXVN/VIETNAM+)