Các thỏa thuận quan trọng đạt được tại vòng hòa đàm do Liên hợp quốc bảo trợ vừa kết thúc ở Thụy Điển được xem là bước đột phá đầu tiên có thể hé mở cánh cửa dẫn tới hòa bình cho Yemen, quốc gia nghèo nhất thế giới Arab đang rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng bởi cuộc chiến kéo dài hơn 3 năm nay.
Đại diện các bên tại vòng hòa đàm Yemen ở Rimbo, phía bắc Stockholm, Thụy Điển ngày 13-12. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Chính phủ Yemen và phiến quân Houthi đã nhất trí trao đổi tù binh, nối lại hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, mở cửa sân bay ở thủ đô Sanaa, và quan trọng nhất là các bên xung đột tại Yemen đã đạt thỏa thuận ngừng bắn tại Hodeidah, thành phố cảng có vị trí chiến lược của quốc gia Trung Đông này gần bờ biển Đỏ hiện do lực lượng Houthi kiểm soát.
Thỏa thuận ngừng bắn tại Hodeidah đóng vai trò "đòn bẩy," tạo điều kiện giải quyết thảm họa nhân đạo tồi tệ tại đất nước có tới 2/3 dân số phải phụ thuộc vào hàng cứu trợ, trong đó gần 14 triệu người đang ở trên “bờ vực” của nạn đói.
Thảm họa nhân đạo càng tồi tệ hơn khi khoảng 85.000 trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ tử vong vì suy dinh dưỡng và các bệnh liên quan.
Hodeidah là huyết mạch giao thông chính, cửa ngõ quan trọng để lưu thông 90% lượng thực phẩm nhập khẩu và gần 80% số hàng cứu trợ vào Yemen.
Phong trào Hồi giáo Houthi đang chiếm đóng thành phố này và gần đây liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu, ủng hộ chính phủ của Tổng thống lưu vong Mansour Hadi, đã mở một cuộc tấn công tổng lực nhằm giải phóng thành phố, khiến người dân địa phương bị “kẹt” trong giao tranh ác liệt.
Các cuộc giao tranh hiện nay và việc liên quân siết chặt phong tỏa trên không 3 năm qua đã khiến lượng hàng hóa vào nước này giảm mạnh, làm trầm trọng hơn tình trạng khan hiếm lương thực và khiến thảm họa nhân đạo ở quốc gia này ngày càng tồi tệ.
Hơn một nửa trong số 600.000 cư dân Hodeidah đã buộc phải rời bỏ nhà cửa kể từ khi liên quân không kích thành phố này lần đầu tiên hồi tháng Sáu.
Liên hợp quốc đã kêu gọi gần 3 tỷ USD để viện trợ cho Yemen trong năm 2018, và nhận được 94% số tiền này. Tuy nhiên, tình hình giao tranh trên thực địa cản trở công việc vận chuyển và phân phát đồ cứu trợ.
Trong bối cảnh đó, thỏa thuận chấm dứt giao tranh và mở hành lang cứu trợ tại Hodeidah đóng vai trò quan trọng nhằm giảm bớt tình trạng khủng hoảng nhân đạo tại Yemen.
Bên cạnh việc giải quyết vấn đề nhân đạo, các thỏa thuận vừa đạt được tại Thụy Điển cũng là tia hy vọng giúp mở ra cơ hội chấm dứt chiến sự dai dẳng ở Yemen, nơi đang được coi là chiến trường đẫm máu nhất thế giới, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc nhất, song hầu như bị lãng quên.
Sau hơn 3 năm diễn ra cuộc chiến tranh chết chóc, ít nhất 10.000 đã thiệt mạng, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, trong khi một số nhóm nhân đạo đưa ra con số cao gấp 5 lần.
Riêng số dân thường Yemen trở thành nạn nhân cuộc chiến đã vượt con số 6.000, trong đó khoảng 4.300 người chết dưới làn đạn của hơn 18.000 trận oanh kích mà liên quân tiến hành.
Thảm họa nhân đạo ở Yemen đã khiến cộng đồng quốc tế không thể chần chừ hơn nữa, và nỗ lực chấm dứt cuộc chiến này được Liên hợp quốc coi là hoạt động ưu tiên của năm 2018.
Nhiều nước châu Âu đã tuyên bố ngừng bán vũ khí cho Riyadh và lên tiếng kêu gọi chấm dứt xung đột tại Yemen.
Tàu thuyền cập cảng Hodeidah của Yemen, ngày 29-9-2018. (Nguồn: THX/TTXVN) |
Vòng hòa đàm tại Thụy Điển phần nào thể hiện quyết tâm của Liên hợp quốc và các nước chấm dứt "cơn ác mộng" Yemen.
Tuy nhiên, việc thực thi thỏa thuận sẽ không hề dễ dàng, trong bối cảnh các bên xung đột đã mất lòng tin vào nhau và cuộc chiến này đang diễn biến ngày một phức tạp.
Đã có 4 vòng hòa đàm đổ vỡ kể từ khi cuộc xung đột ở Yemen nổ ra cách đây 4 năm giữa phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh với các lực lượng trung thành với chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi, và nhanh chóng bị biến thành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm từ năm 2015 với sự tham gia của nhiều quốc gia, trong đó có liên minh quốc tế do Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đứng đầu, ủng hộ phe của Tổng thống Hadi.
Mỹ và Anh đứng về phía liên minh này. Trong khi đó, Iran ủng hộ các lực lượng Houthi từ xa. Ngoài ra, trong nội bộ lực lượng ủng hộ chính phủ của nhà lãnh đạo lưu vong cũng "chia năm sẻ bảy."
Sự chia rẽ sâu sắc giữa các bên ở Yemen, trong khi nội bộ các phe phái ủy nhiệm chính xung đột lợi ích, sẽ cản trở việc thực hiện mọi thỏa thuận. Đó là chưa kể đến các nhóm khủng bố như al-Qaeda trên bán đảo Arab đang tìm cách tràn vào bất kỳ khu vực nào không có đối thủ đủ mạnh.
Chấm dứt chiến dịch không kích của liên quân và lệnh phong tỏa các cảng biển và sân bay của Yemen được cho là sẽ tác động mang tính quyết định đối với các nỗ lực giải quyết xung đột.
Nếu như các cuộc không kích đã làm hàng ngàn người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em, và phá hủy nhiều công trình hạ tầng quan trọng, thì nguy hiểm hơn, lệnh phong tỏa, mà liên quân cho là nhằm ngăn chặn vũ khí của Iran cung cấp cho Houthi vào Yemen, đã cản trở hàng hóa và cả đồ viện trợ nhân đạo vào đất nước này, khiến nạn đói lan rộng.
Tuy nhiên, liên quân do Saudi Arabia đứng đầu thường không coi mình là một bên trong cuộc xung đột mà chỉ hỗ trợ và vì vậy có thể từ chối một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện.
Vì vậy, hòa bình ở Yemen đòi hỏi một cuộc đối thoại giữa các phe phái của Yemen cũng như một cuộc đối thoại giữa Yemen và các nước bên ngoài, như Saudi Arabia.
Trong khi đó, các lực lượng bên ngoài được cho là đang lợi dụng cuộc khủng hoảng ở Yemen để đạt được những mục tiêu địa chiến lược hay quân sự, thậm chí để tranh giành ảnh hưởng tại khu vực.
Chiến sự ở Yemen chỉ có thể kết thúc khi lệnh ngừng bắn được tất cả các phe phái đối địch tham gia và tuân thủ, đi kèm với việc các cường quốc khác rút quân đội khỏi Yemen, chấm dứt sự can thiệp quân sự.
Nói cách khác “ngọn lửa” Yemen sẽ được dập tắt chỉ khi các nước bên ngoài không “đổ thêm dầu” vào.
Sau bước thành công ban đầu này, Liên hợp quốc sẽ thúc đẩy một cuộc đối thoại chính trị rộng rãi hơn, và vòng đàm phán mới dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 1-2019.
Tuy nhiên, việc nối lại tiến trình chính trị này không chỉ phụ thuộc vào các phe phái ở Yemen, mà còn trông chờ cả "sự thiện chí" của các cường quốc đang tranh giành ảnh hưởng trong khu vực, cũng những nước phương Tây đang hậu thuẫn cho các bên xung đột tại quốc gia này.
Vai trò quyết định trong việc kiến tạo hòa bình Yemen đang nằm trong tay những "người chơi" từ bên ngoài, những người nhiều khả năng sẽ tìm cách định hình lại bức tranh chính trị Yemen cho phù hợp với các ưu tiên lợi ích của họ, chứ không phải của người dân quốc gia này./.
(TTXVN/VIETNAM+)